Chắc hẳn khi nghe con số về tổng khối tài sản với hơn 20.000 căn nhà mặt phố ngay tại Sài Gòn, ai ai cũng phải trầm trồ thán phục về một vị đại gia lẫy lừng. Tuy nhiên, xoay quanh câu chuyện về cuộc đời của “Chú Hỏa” còn có rất nhiều giai thoại, đồn thổi mà hậu thế sau này phải tò mò.
Đất Sài Gòn xưa, người dân có câu nói: “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa” (bao gồm: (Huyện Sỹ - Lê Phát Đạt; Tổng đốc Phương - Đỗ Hữu Phương; Bá hộ Xường - Lý Tường Quan và chú Hỏa - Hui Bon Hoa), để chỉ về tứ đại phú hào thời đó, những người sở hữu khối tài sản siêu khổng lồ không ai sánh kịp.
Được biết, chú Hỏa (1845 - 1901) là tên dân gian thường gọi, ông là một người gốc Hoa. Có thể nói cuộc đời ông ly kỳ đến mức ngay cả cái tên chính thức của ông cũng vẫn khiến đời sau tranh luận. Lịch sử ghi nhận những thông tin, có người nói tên thật của chú Hỏa là Hui Bon Hoa, có tài liệu lại nói là Hứa Bổn Hòa.
Mặc dù trong hàng ngũ tứ đại phú hào, ông xếp thứ 4, nhưng nhắc đến ông là nhắc đến “Vua đất” khi ông sở hữu tới hơn 20.000 ngôi nhà mặt phố ngay giữa Sài Gòn. Hành trình đi lên trở thành một đại gia lừng lẫy của chú Hỏa bắt nguồn từ một thân phận không ai ngờ: Buôn đồng nát!
Cuộc đời đại gia đi lên từ nghề… buôn đồng nát
Chú Hỏa có xuất thân nghèo khổ và công việc mà chú từng làm là nghề buôn bán phế liệu. Những tưởng cái nghề nhặt từng hào, từng xu này sẽ khiến chú nghèo mạt kiếp, thế nhưng “cuộc đời” đoái thương đã mang đến cho chú Hỏa cơ hội đổi đời. Dĩ nhiên, việc về “thần may mắn” mang tiền ập đến cho chú cũng chỉ là câu chuyện được truyền tai nhau, đồn thổi chưa rõ ràng.
Chân dung chú Hỏa - tấm ảnh hiếm hoi còn sót lại
Có người nói rằng, trong một lần đi thu mua ve chai, chú Hỏa nhặt được cả túi vàng trong chiếc ghế nệm cũ, có người lại cho rằng lý do giúp chú đổi đời là vì mua được bức tượng đúc đồng nhưng bên trong đầy vàng, nhờ thế mà chú thoát nghèo. Nhưng chú vẫn tiếp tục theo nghề… buôn đồng nát.
Cái giàu của chú Hảo không hoàn toàn đến từ may mắn mà còn đến từ sự tính toán, nhanh nhạy với thời cuộc. Trong quá trình làm nghề buôn đồng nát, chú đã tận dụng cơ hội để có được những khoản lời hấp dẫn từ những món hàng tưởng như chỉ bỏ đi, đơn cử như sự vụ chính quyền Pháp mở cuộc đấu giá thanh lý 20.000 máy truyền tin cũ, không có giá trị sử dụng, bằng kinh nghiệm của một người buôn phế liệu lâu năm, chú Hỏa đã nhanh chóng mua lại số hàng này. Sau khi sở hữu chúng, ông tiến hành phân loại thành công vàng từ chính những món đồ đó.
Hay như trong một lần khác, nhờ thạo chữ Hán nên chú đã ngay lập tức hỏi mua món đồ người ta vứt đi vì tưởng không có giá trị gì. Chú biết đây là đồ cổ, từ thời Nguyên, đời Thanh, đời Hán gì đó nên đã quyết mua bằng được. Sau đó chú bán lại cho những người săn lùng đổ cổ. Đây cũng là ngách để ông nhanh chóng giàu lên, chuyển hướng san việc săn lùng đổ cổ từ việc thu mua phế liệu.
Dãy nhà phố một trệt một lầu đối diện Công viên Quách Thị Trang (trái ảnh) thời thuộc Pháp, phía sau ga xe buýt hiện nay do dòng họ Hui Bon Hoa xây dựng (hiện đã bị giải tỏa, phá dỡ)
Các giai thoại về chú Hỏa cũng có đưa ra những lý lẽ cho sự giàu có của chú Hảo. Tài liệu ghi lại rằng sau khi có một số vốn nhất định, chú Hỏa đã hùn hạp với người Pháp, thầu các tiệm cầm đồ trong Nam Kỳ, mua đất, cất nhà bán hoặc cho thuê. Nhờ vậy chú được chia một số tiền lớn, làm chủ các sản nghiệp đất cát khắp lục tỉnh, nhiều nhất là ở Sài Gòn, chợ lớn… Cũng có tài liệu lại nói chú thực chất là con cháu dòng dõi nhà Minh, do ly tán nên sang Việt Nam lánh thân. Sau này chú về quê nhà, đào số của cải lên, mang sang Việt Nam đầu tư nên dần dần phát đạt.
Có thể nói cho đến giờ, nguồn gốc của sự giàu có và phất lên của chú Hỏa vẫn là một chuỗi những giai thoại, không có lời khẳng định nào chắc chắn. Tuy nhiên, dù cho nguyên nhân ấy là gì thì tựu chung lại, tất cả mọi người đều thừa nhận chú Hỏa là một người cực kỳ cần mẫn làm ăn, chịu thương chịu khó. Chú luôn tận dụng kinh nghiệm tích lũy nhiều năm của bản thân để vươn lên làm giàu.
“Vua nhà đất” với chuỗi tài sản khổng lồ, 20.000 căn nhà mặt tiền ngay giữa Sài Gòn hoa lệ
Trong số những đại gia thời đất, chú Hỏa được mệnh danh là “Trùm bất động sản”. Người ta thậm chí còn có những câu truyền khẩu nổi tiếng Sài Gòn xưa như: “Đi tàu chú Hỷ, ở nhà chú Hỏa”. Ý nói, vua tàu bè ngày ấy chạy khắp Nam Kỳ - Lục Tỉnh là của đại gia tên thường gọi là chú Hỷ, còn vua nhà đất với 20.000 căn nhà mặt phố khắp Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn là chú Hỏa.
Khách sạn Majestic do dòng họ Hui Bon Hoa xây dựng và tặng TP Sài Gòn thời thuộc Pháp
Cụ thể, với khả năng nhạy bén trong kinh doanh, chú Hỏa đã đầu tư tiền để mua vùng đất khi ấy còn bỏ hoang, bỏ phế, có nhiều ao hồ, kênh rạch ngay trung tâm Sài Gòn. Lúc đó, thành phố đang có kế hoạch xây dựng chợ Bến Thành. Bởi vậy, chú mua toàn bộ vùng đất mới san lấp quanh vị trí xây chợ. Khi chợ Bến Thành xong, trong phút chốc, chú trở thành ông chủ của 20.000 khu đất vàng. Ông lập tức biến nó thành 20.000 căn nhà phố cho thuê.
Một dãy nhà thuộc dòng họ Hui Bon Hoa xây dựng ở góc đường Lê Công Kiều - Nguyễn Thái Bình (Q.1, TP.HCM). Thực tế hiện nay còn giữ được hiện trạng gần như nguyên vẹn so với trước kia
Một dãy nhà thuộc dòng họ Hui Bon Hoa xây dựng ở góc đường Võ Văn Kiệt - Phó Đức Chính (Q.1, TP.HCM)
Sau này, ông lập công ty “Hứa Bổn Hòa và các con”. Cuối thế kỷ 19, Công ty làm ăn phát đạt, phất lên như diều gặp gió, đã giàu lại càng giàu hơn. Với Công ty Hứa Bổn Hòa, Chú Hỏa nổi tiếng về sự giàu có ở Đông Dương khiến nhà cầm quyền Pháp phải kính nể.
Một vị đại gia với tấm lòng cao cả và gia đình êm ấm, thuận hòa
Theo lịch sử ghi chép lại, sinh thời, chú Hỏa nổi tiếng là người sống có đạo đức, tử tế. Mặc dù làm kinh doanh nhưng ông không bao giờ bất chấp vì lợi nhuận. Ông cũng đã dành tiền và đất để xây nhiều công trình phục vụ cho nhân dân như bệnh viện, chùa chiền, khách sạn…
Chú Hỏa đông con, nhiều cháu nhưng nhờ đạo đức của chú mà con cháu trong gia đình, dòng họ vô cùng nền nếp, yên ấm, sống đạo đức, tử tế. Trong số các công trình tiêu biểu vẫn được sử dụng cho đến ngày nay có Bảo tàng Mỹ thuật thành phố, khách sạn Majestic, Bệnh viện Từ Dũ, Trung tâm cấp cứu Sài Gòn, Nhà khách Chính phủ, chùa Kỳ Viên, khách sạn Palace - Long Hải…
Biệt thự “khủng” có 99 cửa nay trở thành Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM do gia đình chú Hỏa xây dựng
Theo nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển: “Hui Bon Hoa có nhiều con cháu luôn luôn hòa thuận, gia tài giữ nguyên vẹn không chia phần manh mún, chỉ cùng nhau chia lợi tức, và mỗi khi cần dùng số tiền to tát thì người trong họ phải xin chữ ký của người trưởng huynh, khi ấy ngân hàng mới phát bạc".
Có thể nói chú Hỏa đã sống một cuộc đời vô cùng ý nghĩa, đóng góp được nhiều cho cộng đồng, người dân. Bởi thế khi nhắc tới ông, người ta vẫn dành cho chú Hỏa một sự nể phục và yêu mến.