Sau gần 30 năm sưu tầm, anh Hiệp đang sở hữu hơn 20 loại tiền xu nguyên khối, hơn 10.000 đồng tiền xu cổ và tiền giấy của hơn 200 quốc gia trên thế giới.
Sinh ra và lớn lên ở TP. Hồ Chí Minh, ngay từ nhỏ, nhìn thấy ba mình hàng ngày giữ gìn những đồng tiền xu cổ như Thái Bình Hưng Bảo, Đại Định, Hồng Đức… anh Huỳnh Minh Hiệp đã có đam mê đặc biệt đối với việc sưu tầm tiền cổ.
Anh Hiệp bên gian trưng bày tiền cổ của mình.
Lớn lên rồi đi làm việc tại Sân bay Tân Sơn Nhất, với tài ảo thuật của mình, anh Hiệp thường xuyên trình diễn phục vụ khách du lịch và nhận được sự khen ngợi cũng như quà tặng là những đồng tiền xu, tiền giấy của hàng trăm quốc gia trên toàn thế giới.
“Kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi đó là năm 1993, sau khi làm xong màn ảo thuật bài, có một du khách người Nhật thích quá bảo tôi làm đi làm lại 3-4 lần để xem rồi rút ví thưởng cho tôi 100 Yên Nhật, trị giá hơn 100 USD. Trong khi đó, tiền lương cả tháng của tôi ở sân bay chỉ vỏn vẹn 80 USD”, anh Hiệp nhớ lại.
Nhận thấy con trai có đam mê đặc biệt với tiền cổ, ba anh Hiệp đã tặng toàn bộ số tiền cổ mà mình sưu tầm hơn 30 năm cho anh.
Chum tiền có từ thế kỷ 15, vào thời nhà Lê, đào được ở Thanh Hóa, cách đây 26 năm do anh Hiệp sở hữu.
Bắt đầu công cuộc tìm kiếm tiền cổ, anh Hiệp đã tìm hiểu, nghiên cứu lại những năm tháng lịch sử của đất nước qua các thời kỳ, từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 19. Đồng thời, anh đọc tất cả những tài liệu, sách báo trong và ngoài nước liên quan đến tiền.
Theo anh Hiệp, sưu tầm tiền cổ cũng giống như học lịch sử, bởi mỗi đồng tiền ra đời đều gắn liền với một giai đoạn lịch sử trọng đại của đất nước.
“Như tiền kim loại cổ Thái Bình Hưng Bảo được đúc vào thời vua Đinh Tiên Hoàng. Đây là đồng tiền đầu tiên do người Việt tự đúc, đánh dấu thời kỳ độc lập tự chủ sau thời gian dài Bắc thuộc. Hoặc đồng Đại Định Thông Bảo (đời vua Lý Anh Tông); đồng Quang Trung Thông Bảo (đời Tây Sơn) hiện rất quý giá, bởi nó lưu lại dấu ấn của các triều đại phong kiến Việt Nam…”, anh Hiệp say mê kể về từng đồng tiền mình có được.
Những xâu tiền lớn vào thời vua Minh Mạng (1820 - 1841) được tìm thấy ở Tiền Giang.
Trong số tiền cổ anh Hiệp sưu tầm, đáng giá nhất phải kể đến gần 20 loại tiền xu nguyên khối có niên đại từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 19. Đây là bộ sưu tập tiền xu mang nhiều giá trị lịch sử và dấu ấn văn hóa Việt Nam qua các thời kỳ.
Giá trị nhất trong bộ sưu tập là khối tiền Ngũ Thù với niên đại khoảng thế kỷ thứ 1 sau Công nguyên, xuất xứ từ Trung Quốc. Các đồng tiền vẫn còn nguyên dây nằm trong thau đồng, có trọng lượng hơn 20kg.
Giá trị nhất trong bộ sưu tập là khối tiền Ngũ Thù với niên đại khoảng thế kỷ 1 sau công nguyên, xuất xứ từ Trung Quốc.
Ngoài ra phải kể đến chum tiền có từ thế kỷ 15, vào thời nhà Lê được đào ở Thanh Hóa cách đây 26 năm; những xâu tiền lớn của thời vua Minh Mạng được tìm thấy ở Tiền Giang; những đồng tiền khoảng thế kỷ 17 tạo thành hình thù độc đáo được tìm thấy ở Bắc Ninh…
Những khối tiền được anh Hiệp mua từ nhiều tỉnh thành từ Bắc vào Nam. Theo anh Hiệp, tiền xưa thường được chôn trong chum, vại trong thời gian dài nên thường dính vào nhau tạo thành khối lớn cứng như đá và thường có hình thù lạ.
Những chum tiền cổ hiện rất quý giá...
Nhiều người có tiền cũng không mua được.
Không những sưu tầm tiền cổ, tiền xu, anh Hiệp còn sưu tầm cả những đồng tiền giấy. Đến nay, anh Hiệp đã có cho mình bộ sưu tập gồm các loại tiền xu của 218 quốc gia và bộ sưu tập tiền giấy của 222 quốc gia trên thế giới.
Ngoài tiền giấy, bộ tiền kim loại của 218 nước trên thế giới cũng độc đáo không kém, bởi nhiều loại tiền đồng, bạc, vàng từ cổ chí kim của các nước như Hà Lan năm 1856, Ý năm 1894, Anh năm 1882, Pháp năm 1872, Campuchia năm 1860… rất đẹp ở chất liệu, ấn tượng ở hình dáng, kích thước.
Ngoài tiền xu cổ, anh Hiệp còn sở hữu bộ sưu tập tiền giấy của Việt Nam và 222 quốc gia trên toàn thế giới.
Bản kẽm in tiền giấy miền Nam đầu tiên năm 1947 do anh Hiệp sưu tầm.
“Nhiều cá nhân, tổ chức đến hỏi mua lại những đồng tiền cổ tôi sưu tầm được nhưng dù có trả giá cao như thế nào tôi cũng không bán, bởi mỗi đồng tiền với tôi đều có những kỷ niệm riêng, tổng hợp lại là những trang lịch sử thu nhỏ vô cùng quý giá”, anh Hiệp nói.
Năm 2005, anh Hiệp được xác lập kỷ lục là người có bộ sưu tập tiền các nước trên thế giới nhiều nhất Việt Nam.
Ngoài sưu tầm tiền cổ, anh Hiệp còn sở hữu nhiều đồ vật quý giá trưng bày ở quán cà phê rộng hơn 1.000 m2 nằm trên đường Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận (TP. HCM). Đây cũng là nơi nhận được kỷ lục “Nơi trưng bày các hiện vật tái hiện Sài Gòn xưa (giai đoạn trước năm 1975) với số lượng nhiều nhất”.