Đại học không phải con đường duy nhất, “Gap Year” giúp tôi đạt được 3 mục tiêu đề ra trong quá trình du học

Hạ Vũ - Ngày 21/07/2023 09:30 AM (GMT+7)

Có thể thế hệ cha mẹ chúng ta cảm thấy việc con cái nghỉ nguyên một giời gian dài là phí phạm thời gian, thậm chí là sự trốn tránh hiện thực. Tuy nhiên, với tôi, con người ta có quyền sống chậm lại, thậm chí tạm nghỉ một thời gian để củng cố trạng thái, nâng cấp bản thân tới khi thực sự sẵn sàng quay trở lại.

“Gap year” là gì?

Trong tiếng Anh, “gap” có nghĩa là khoảng trống. Khái niệm “gap year” về cơ bản là “năm trống” để chỉ khoảng thời gian bạn lựa chọn tạm dừng lại công việc của mình. Khoảng thời gian đó không nhất định phải là một năm mà tùy thuộc vào lựa chọn của bạn. Vậy nên thay vì gọi máy móc là “gap year”, tôi hay sử dụng khái niệm thay thế là “gap period” hay “quãng nghỉ” để nói về những lần chọn tạm dừng công việc của mình đề điều chỉnh trạng thái hoặc nâng cấp bản thân.

Gap year là khái niệm phổ biến của các nước phương Tây

Gap year là khái niệm phổ biến của các nước phương Tây

Gap year, hay “gap period” là một lựa chọn khá hiệu quả nếu bạn đã xác định được mục đích bản thân và vạch ra kế hoạch cụ thể mình sẽ làm gì trong thời gian đó, đặc biệt với những cá nhân gặp nhiều khó khăn, bế tắc, cần có sự thay đổi, điều chỉnh trạng thái hay đơn giản là bạn chưa sẵn sàng.

Câu chuyện đi du học và lựa chọn “gap period” đầu tiên

Năm 2008, tôi bắt đầu con đường du học của mình năm 17 tuổi. Thời điểm ấy, tôi lựa chọn đến Singapore vì ở đó có cộng đồng người Việt nói chung và số lượng du học sinh đông đảo. Tuy nhiên, tôi đã gặp rất nhiều trục trặc từ giấy tờ, ký túc xá với tốc độ Internet không đủ phục vụ học tập, bị vướng vào một vài rắc rối lớn trong cộng đồng người Việt ở Singapore,…

Bản thân tôi sau một thời gian cũng nhận ra mình thiếu nhiều kỹ năng, kinh nghiệm, phải sớm bổ sung. Tôi lựa chọn tạm dừng, gap year và làm những điều mình cần ngay, thay vì tiếp tục hàng ngày đến trường với trạng thái xấu.

Xin bảo lưu tại Singapore không hề đơn giản

Khi quyết định gap year, vấn đề đầu tiên bạn sẽ phải đối mặt là gì? Sự chấp thuận bảo lưu của nhà trường và ý kiến từ gia đình? Là một du học sinh ở Singapore thì hai điều đó càng trở nên khó khăn. Chính phủ Singapore không thoáng với các du học sinh. Tôi lại đang học ở trường tư (MDIS) nên họ càng kiểm soát chặt thời gian và kế hoạch học tập. Về cơ bản, họ không ủng hộ gap year. Vì vậy, việc xin bảo lưu của tôi cũng khá vất vả. Tôi buộc phải đăng ký kì học mới, làm lại toàn bộ giấy tờ sau khi quay lại Singapore. Tôi chấp thuận vì đã có kinh nghiệm và tự tin sẽ không gặp phải các vấn đề trước đó.

Với gia đình, tôi cũng không thể kể toàn bộ câu chuyện với bố mẹ mà chỉ giải thích đơn giản là kỳ học tiếp theo của mình sẽ bắt đầu vào nửa năm sau và tôi về Việt Nam để tiết kiệm chi phí sinh hoạt, đã có những kế hoạch cụ thể để nửa năm nghỉ học đó không hề vô nghĩa.

Trong “một nửa của gap year” đó, tôi đã đặt ra 3 mục tiêu chính mình cần phải hoàn thành:

- Ngôn ngữ: Do chọn ngành học khá đặc thù, tôi buộc phải bổ sung rất nhiều từ chuyên ngành và khả năng hành văn theo chuẩn truyền thông Mỹ. Ngoài ra, do ở Singapore nên tôi cũng học thêm chút tiếng Trung cơ bản.

- Thể chất: Thể thao là một phương thức hiệu quả giúp kết nối con người và hòa nhập cộng đồng. Nền tảng thể chất cũng là điều tối quan trọng giúp đảm bảo chất lượng học tập, sinh hoạt. Ngoài bóng đá, tôi chọn tập chuyên sâu tennis và bóng rổ vì trường có đội tuyển của hai môn này. Singapore cũng có rất nhiều sân tennis và bóng rổ công cộng, còn sân bóng đá thì phải thuê.

Bóng rổ và tennis là 2 môn phổ biến ở Singapore, có nhiều sân chơi công cộng

Bóng rổ và tennis là 2 môn phổ biến ở Singapore, có nhiều sân chơi công cộng

- Kỹ năng khác: Tôi có thể tự nấu ăn nhưng để nấu hàng ngày, quản lý chi tiêu, đi chợ mua đúng, đủ, đảm bảo dinh dưỡng thì tôi cần tạo dựng thói quen và tích lũy kinh nghiệm. Ngoài ra, tôi cũng học thêm đóng bàn, tủ, sửa đường dây điện, ống nước đơn giản vì những việc này sẽ tốn khá nhiều tiền nếu thuê người ngoài hỗ trợ.

Ngoài ra, điều chỉnh lại trạng thái cũng là một mục tiêu nhiều người hướng tới khi lựa chọn gap year. Thay đổi môi trường, thói quen học tập từ cấp ba sang đại học không đơn giản với tất cả mọi người. Với người đi du học thì thay đổi này càng rõ ràng. Một số người bạn của tôi đã chia sẻ cảm giác “vỡ mộng” khi vào đại học. 

Sau sáu tháng, tôi trở lại Singapore với sự hứng khởi, tự tin thay vì cảm giác bất định ngày trước. Gap year này đã giúp tôi có hơn hai năm sống và học tập suôn sẻ và hạnh phúc. Tôi có điểm số tốt và nhiều bạn bè thân thiết thông qua các CLB ngoại khóa, đặc biệt là qua thể thao.

Một đất nước mới, khó khăn mới và các “gap period” tiếp theo.

Sau khoảng thời gian ở Singapore, tôi muốn học chuyên sâu hơn nên quyết định đến Mỹ vào năm 2010. Tôi chọn Đại học Thành phố Oklahoma (OCU) - vốn có liên kết vói trường cũ của mình để có tính tiếp nối về chương trình học và do đã quen một số giáo sự từ trước. Nhìn chung ở Mỹ khá tự do và cởi mở nên tôi không gặp khó khăn về thích nghi, nhưng cuộc sống học đường lại có nhiều thay đổi lớn. Các giáo sư ở trường mới có cách dạy mở, chú trọng nhiều vào dẫn chứng thực tế, thực hành còn lý thuyết sẽ do học sinh tự tổng hợp và nghiên cứu ở nhà.

Tiết học chú trọng vào thực hành và ví dụ thực tiễn. Sinh viên tự tổng hợp lý thuyết ở nhà

Tiết học chú trọng vào thực hành và ví dụ thực tiễn. Sinh viên tự tổng hợp lý thuyết ở nhà

Thời gian đầu, do không nắm được thói quen này, nên tôi bị hổng lý thuyết khá nhiều. Khi ấy tôi học theo semesters (kỳ học truyền thống, một năm có hai kỳ Xuân – Thu ngăn cách bởi nghỉ Hè và nghỉ Đông) nên kỳ học kéo dài cùng các môn học gối nhau liên tiếp nên tôi có phần bị quá tải. Kết quả thi khi ấy chỉ ở mức trung bình, chỉ dao động ở khoảng C+ và B. Cảm thấy tiếp tục như thế này không mang tới kết quả tốt, tôi đã nghiên cứu các lựa chọn kỳ học của trường và quyết định chuyển sang học theo quarters - một năm có bốn kỳ học ngắn tương ứng bốn mùa, không có nghỉ Hè, nghỉ Đông mà chỉ có các đợt nghỉ ngắn giữa các môn.

Quarters chia nhỏ kỳ học, có nhiều đợt nghỉ nhỏ hơn so với Semester, có thể được tận dụng làm “gap”

Quarters chia nhỏ kỳ học, có nhiều đợt nghỉ nhỏ hơn so với Semester, có thể được tận dụng làm “gap”

Việc học theo quarters giúp tôi chủ động lựa chọn môn học linh hoạt, thời gian học cụ thể. Tôi cũng không học cố định cùng với một lớp mà chuyển qua lại giữa nhiều lớp. Nhờ đó cũng quen được nhiều bạn hơn. Các lớp học vào mùa Hè, mùa Đông cũng vắng hơn, giãn hơn nên tôi cũng có thể trao đổi với giáo sư nhiều hơn. Thời gian ôn thi của tôi vì thế cũng dài hơn nhưng tổng thời gian học lại rút ngắn từ 4 năm xuống còn 3 năm.

Quan trọng nhất, các giai đoạn nghỉ ngắn từ 2-4 tuần sau các môn được tôi sử dụng làm “gap periods” một cách hợp lệ, giúp bản thân điều chỉnh trạng thái, chuẩn bị cho các môn học mới tốt hơn. Nhờ đó, kết quả thi đã cải thiện dần, không còn các điểm C+ và kết thúc tám môn học cuối với sáu điểm A.  

Bất chấp điểm số ban đầu không tốt, gap periods giúp tôi nhẹ nhàng tốt nghiệp đại học

Bất chấp điểm số ban đầu không tốt, "gap periods" giúp tôi nhẹ nhàng tốt nghiệp đại học

Gap year sau đại học và đến hiện tại

Gap year phổ biến nhất là một năm nghỉ giữa cấp ba và đại học. Điều này không có nghĩa bạn không thể áp dụng gap year vào thời điểm khác cũng như cuộc sống sau đại học, khi đã bươn chải và làm việc.

Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi cũng sử dụng thêm hai "gap year" nữa. Lần đầu tiên là sau khi trở lại Việt Nam, tôi cần thời gian tái thích nghi và ổn định cuộc sống và đó cũng là khoảng nghỉ sau thời gian dài tập trung cho việc học.

Bạn có thể “gap” vào bất cứ thời điểm nào trong cuộc sống nếu thực sự cần thiết

Bạn có thể “gap” vào bất cứ thời điểm nào trong cuộc sống nếu thực sự cần thiết

Lần thứ hai, khi chuẩn bị có con đầu lòng, tôi cũng lựa chọn nghỉ nửa năm để có toàn thời gian chăm sóc vợ và bé cũng như thay quyết định thay đổi. Điều ấy giúp cải thiện thu nhập và có quỹ thời gian phù hợp hơn để chăm sóc gia đình. Đối với tôi, đây là khoảng nghỉ rất quan trọng và cần thiết.

Mặt trái của gap year

Gap year mang nhiều ưu điểm có thể mang tính bước ngoặt nhưng đó chưa chắc luôn là lựa chọn duy nhất hay tối ưu nhất. Để gap year có hiệu quả, bạn cần cân nhắc đến các vấn đề về thủ tục, kinh tế, mục tiêu cụ thể trong gap year hay “gap period”.

Mục đích của gap year rất tốt nhưng nếu bạn sử dụng gap year không hiệu quả, chúng sẽ trở thành khoảng thời gian “chết”, lãng phí, thậm chí làm mai một kiến thức, hao mòn kinh tế cũng như khiến bạn mất đi thói quen học tập và làm việc do rời xa “guồng quay” đó lâu ngày. Lạm dụng gap year quá dài và quá nhiều sẽ khiến thời gian học của bạn bị kéo dài có thể làm bạn bắt đầu sự nghiệp muộn, bất lợi trong cạnh tranh.

Sử dụng gap year thiếu hiệu quả hoặc lạm dụng gap year đều mang tới nhiều bất lợi sau này

Sử dụng gap year thiếu hiệu quả hoặc lạm dụng gap year đều mang tới nhiều bất lợi sau này

Mặt khác, nếu các vấn đề của bạn không đủ cấp thiết để tạm nghỉ, hoặc bạn có các lựa chọn thay thế, điều kiện không cho phép, bạn có thể chậm lại một chút, không nên dừng hẳn. Kết hợp các biện pháp xả stress, tranh thủ các ngày cuối tuần, hoặc xin nghỉ một vài ngày để điều chỉnh nhanh trạng thái. Sau đại học, đặc biệt sau khi lập gia đình, làm cha mẹ, cơ hội để bạn tạm dừng công việc là không nhiều. Vì vậy, hãy chỉ sử dụng và trân trọng gap year khi bạn thấy thực sự cần thiết và không có lựa chọn thay thế hiệu quả hơn thôi nhé!

Ghi lại theo lời kể của anh T.L (cựu du học sinh, từng học ở Học viện MDIS Singapore và Đại học Thành phố Oklahoma, Mỹ)

Đại học không phải con đường duy nhất, “Gap Year” giúp tôi đạt được 3 mục tiêu đề ra trong quá trình du học - 8

Những điều bạn cần biết về IELTS khi có dự định du học trong năm 2023, không có IELTS có đi du học được không?
IELTS chính là tấm vé thông hành giúp mở ra cơ hội sự nghiệp và học tập mang tính quốc tế. Nhiều bạn trẻ có ý định học tập và làm việc ở nước ngoài chắc chắn sẽ cần biết quy định về điểm IELTS.

Bí quyết tuyển sinh

Hạ Vũ
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h