Trong tình thế cấp bách, đại úy cảnh sát cơ động đã dùng ngón tay đưa vào miệng cháu bé để tránh việc cháu cắn vào lưỡi trên đường đi cấp cứu.
Chiều ngày 4/8, tại sân vận động Thiên Trường (Nam Định) đã diễn ra trận đấu giữa CLB Hoàng Anh Gia Lai và Dược Nam Hà Nam Định. Khi hiệp 2 của trận đấu trôi qua khoảng hơn 10 phút, một cháu bé bị lên cơn co giật trên khán đài và nhanh chóng được lực lượng chức năng đưa xuống đường piste của sân vận động.
Tại đây, hai chiến sĩ cảnh sát cơ động đã nhanh chóng đưa cháu bé vào khu vực y tế để cấp cứu. Trong quá trình đó, một chiến sĩ đeo hàm đại úy đã dùng chính tay của mình đưa vào miệng cháu bé với mục đích không để cháu cắn vào lưỡi.
Hình ảnh trên nhanh chóng được các phóng viên chụp lại, sau đó chia sẻ rộng khắp mạng xã hội. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hai chiến sĩ cứu cháu bé bị co giật là đại uý Trần Đức Giảng và hạ sỹ Trần Thanh Hiếu thuộc Phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Nam Định.
Hình ảnh khiến nhiều người xúc động. Ảnh: Mạng xã hội.
Theo chia sẻ của đại úy Giảng, sự việc trên xảy ra tại khán đài B của sân vận động Thiên Trường, khi hiệp 2 của trận đấu trôi qua được hơn 10 phút. “Khi đó trên khán đài xảy ra nhốn nháo, chúng tôi lại kiểm tra xem có chuyện gì thì phát hiện một cháu bé khoảng 4-5 tuổi bị ngất xỉu. Lúc đó tôi đứng gần và hò hét mọi người tản ra để lấy không khí và độ thoáng cho cháu thở, đồng thời đảm bảo cho việc chuyển cháu bé xuống dưới để đưa đi cấp cứu”, đại úy Giảng kể lại.
Qua nắm bắt thông tin ban đầu, đại úy giảng nghe mọi người nói cháu bé bị co giật nên đã nảy ra ý định đưa tay vào để cháu bé cắn, ngăn không cho cháu bé tự cắn lưỡi. “Khi nghe mọi người nói rằng cháu bị co giật, tôi nghĩ đến việc cháu có thể dễ bị cắn vào lưỡi. Tại thời điểm đó, quãng đường ra nơi cấp cứu dài khoảng 100 mét, trước tình thế cấp bách đó không còn cách nào khác tối ưu hơn việc đút chính ngón tay của mình vào miệng cháu bé để tránh cháu cắn vào lưỡi.
Đại úy Giảng kể lại thời điểm xảy ra sự việc.
Tôi nghĩ rằng khi đưa ngón tay vào mình có thể cảm nhận được lưỡi của cháu, ngón tay không bị tuột ra khỏi miệng và cũng cảm nhận được ngón tay đưa vào bên trong miệng nông hay sâu. Sau đó, một tay tôi đỡ cổ cháu bé còn đưa ngón tay cái bên cánh tay còn lại vào miệng cháu...", đại uý Giảng chia sẻ
Sau khi chạy quãng đường 100 mét đến khu vực y tế, cháu bé vẫn có biểu hiện co giật và được các bác sỹ đưa dụng cụ y tế vào bên trong miệng.
Đại uý Trần Đức Giảng chia sẻ, trong hơn 16 năm công tác trong lực lượng cảnh sát cơ động, anh và đồng đội đã đối mặt với nhiều nguy hiểm, khó khăn cũng như cấp cứu cho nhiều người nhưng chưa có trường hợp nào bất ngờ, cấp bách như ngày hôm qua.