Với kỹ thuật mới này, đàn ông vô sinh có hi vọng làm cha và di truyền cho con đẻ những mã gene nổi trội của mình từ tế bào da.
Các nhà khoa học ở Đại học Y Nam Kinh (Trung Quốc) đã thành công trong việc nuôi cấy tế bào gốc thành tinh trùng và thụ tinh thành công, cho ra thế hệ sau khỏe mạnh ở loài chuột.
Điều đáng nói là kỹ thuật này có thể sử dụng tế bào gốc phôi chuột nhưng cũng có thể dùng tế bào da ở người trưởng thành làm nguyên liệu ban đầu. Như vậy, đàn ông vô sinh chỉ cần có tế bào da là có thể có con mang yếu tố di truyền của mình.
Tế bào tinh trùng tạo ra từ tế bào gốc phôi nhưng cũng có thể dùng nguyên liệu là tế bào da người trưởng thành đem lại hi vọng cho đàn ông vô sinh - Ảnh: istock
Các nhà nghiên cứu dự định sẽ bắt đầu cố gắng để tạo ra tinh trùng ở người sớm và nói rằng, kỹ thuật này có thể được ứng dụng tại các phòng khám thụ tinh nhân tạo trong vòng khoảng 10 năm.
Nhà nghiên cứu Jiahao Sha cho biết, kết quả nghiên cứu mang lại “hứa hẹn to lớn trong điều trị vô sinh nam. Nếu được chứng minh là an toàn và hiệu quả ở người, nền tảng của chúng tôi có thể tạo ra tinh trùng với đầy đủ chức năng để thụ tinh hoặc thu tinh ống nghiệm nhân tạo.
Do các phương pháp điều trị hiện nay không thành công với nhiều cặp vợ chồng nên chúng tôi hi vọng nó có thể cải thiện đáng kể tỉ lệ thụ thai thành công cho đàn ông vô sinh”.
Các nhà khoa học đánh giá đây là nghiên cứu thành công đột phá trong lĩnh vực sinh sản - Ảnh: Independent
Tế bào gốc, tế bào mầm - có sức mạnh biến thành các loại tế bào khác, tạo ra một "bộ sửa chữa” cho cơ thể - đã từng được sử dụng để tạo ra tế bào tim, cơ, tuyến tụy và thần kinh. Nhưng việc nuôi chúng thành tế bào tinh trùng lại khó khăn bởi như tế bào trứng, chúng trải qua hai bước quá trình phân chia tế bào được gọi là giảm phân - 46 nhiễm sắc thể của con người, hoặc 40 nhiễm sắc thể của tế bào chuột được giảm đến 23 nhiễm sắc thể, hoặc 20 ở chuột.
Cách đây vài năm, một số nhà nghiên cứu Nhật Bản đã thành công trong việc chuyển tế bào gốc chuột thành tế bào tiền sinh dục. Nhưng để biến đổi chúng thành tinh trùng hay trứng, họ cần cấy chúng vào tinh hoàn hoặc buồng trứng, nơi tế bào nội tiết tố tạo thành vườn ươm hoàn hảo cho các tế bào sinh sản.
Phải cho đến nghiên cứu mới nhất công bố trên tạp chí Cell Stem Cell này, lần đầu tiên, việc nuôi cấy tinh trùng từ tế bào gốc mới trở nên toàn diện, hệ thống và được kiểm chứng bằng sự phát triển khỏe mạnh của thế hệ sau. Đặc biệt, các con sinh ra từ kỹ thuật này lại có khả năng thụ thai và sinh sản tự nhiên.
Nhóm nghiên cứu tái tạo “bộ máy tự nhiên” sinh ra tinh trùng để tế bào tinh trùng phát triển thuận lợi bằng cách đồng nuôi cấy các tế bào gốc phôi chuột với tế bào dịch treo (cell suspension) có nguồn gốc từ tinh hoàn chuột.
Từ đây, họ chuyển đổi tế bào mầm nguyên thủy thành tế bào tinh trùng chưa trưởng thành được gọi là spermatids (tiền tinh trùng, tinh tử - giai đoạn đầu tinh trùng, hình tròn, thiếu đuôi nhưng vẫn có thể thụ tinh cho trứng). Sau đó, spermatids được tiêm trực tiếp vào một trứng để thụ tinh sản xuất phôi và nuôi dưỡng thành con khỏe mạnh.
Nghiên cứu thành công này được giáo sư Terry Hassold tại đại học Washington đánh giá rằng có thể “cách mạng hóa sự sinh sản. Tất cả các bệnh viện thụ tinh nhân tạo sẽ nhảy bổ vào nó”.
Bác sĩ Rebecca Sokol, một chuyên gia trong y học sinh sản tại Đại học Nam California, thì nói: “Đây là một nghiên cứu đột phá trong lĩnh vực sinh sản nam và vô sinh”.
Bằng việc giải khóa bí mật của sinh sản nam giới, sự đột phá này có thể tạo ra “viên thuốc thần kỳ” điều trị vô sinh. Ngoài ra, nó cũng đặt ra khả năng tạo ra tế bào sinh sản nữ từ tế bào da của người phụ nữ.
Các chuyên gia Anh và Mỹ đồng ý việc này có khả năng biến đổi điều trị vô sinh hiếm muộn nhưng họ cũng cảnh báo rằng, những gì hiệu quả ở chuột không phải lúc nào cũng hiệu quả tương tự ở người. Vấn đề an toàn cần được chú ý và bảo đảm trước nhất.