Sau khi nhiễm COVID-19, nhiều người đối mặt với tình trạng mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ dẫn đến chất lượng cuộc sống giảm sút, công việc bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đầu tháng 3, Khánh Ly (26 tuổi, Tân Bình) nhiễm COVID-19 và trải qua 2 tuần điều trị tại nhà. Công việc làm nhân viên kinh doanh của cô gần như tạm ngưng vì khó giao tiếp và gặp gỡ khách hàng. Trong thời gian cách ly, Ly chỉ có thể giải quyết một số công việc đơn giản, đôi lúc không làm được gì vì mệt mỏi.
Những tưởng tình trạng sức khoẻ sẽ ổn định và khá hơn sau khi âm tính, tuy nhiên các triệu chứng như ho, họng có đờm, mỏi người và hay quên khiến năng suất làm việc giảm đáng kể. "Đầu óc mình còn chậm, chưa được nhanh nhẹn như trước đây. Việc trí nhớ bị ngắt quãng làm mình gặp trở ngại trong việc nắm bắt công việc", Ly tâm sự.
Khánh Ly tranh thủ đi bộ buổi chiều để cải thiện sức khoẻ sau COVID-19. Ảnh: NVCC
Ngoài ra, cô gái trẻ còn bị chứng rối loạn giấc ngủ, khó ngủ vào ban đêm, ngày hôm sau vật vờ trên văn phòng vì không đủ giấc. Ly đang tham khảo các gói khám hậu COVID-19 để chuẩn đoán tình trạng sức khoẻ, cô cho biết nếu tình trạng này kéo dài sẽ căng thẳng vì cuộc sống và công việc bị đảo lộn.
Cũng giống như Khánh Ly, bạn Thu Hà (27 tuổi, quận 9) vẫn luôn cảm thấy khó chịu vì các triệu chứng còn sót lại sau khi nhiễm COVID-19. Làm việc tại toà soạn báo tiếng Nhật dành cho người Nhật tại Việt Nam, khối lượng công việc nhiều kèm theo áp lực khiến cô căng thẳng. Trí nhớ giảm sút là dấu hiệu hậu COVID-19 rõ ràng nhất mà Hà cảm nhận được.
Hiện tại những công việc được giao, kể cả những việc nhỏ nhất Hà đều phải ghi chú rồi dán trước mặt để không bỏ sót bất cứ điều gì. "Cầm điện thoại trên tay bảo sẽ gọi điện cho đối tác nhưng quay đi quay lại quên mất mình phải làm gì. Trước đây mình cũng không đãng trí đến mức đó nhưng hiện nay mình thường xuyên rơi vào trạng thái nhớ nhớ quên quên, rất bực mình", Hà nói.
Thu Hà (thứ 3 từ trái sang) chụp hình cùng đồng nghiệp. Ảnh: NVCC
Để hồi phục sức khoẻ, Hà cố gắng ăn ngủ đủ giấc, bổ sung nhiều vitamin C và các loại thực phẩm sạch. Cô cũng đi ra ngoài gặp gỡ bạn bè để tinh thần được thoải mái, đi spa để chăm sóc da vì bị nổi mụn khi sử dụng thuốc trị Covid. Hà mong tình trạng sức khoẻ sớm cải thiện để chất lượng cuộc sống quay trở về như lúc trước khi bị bệnh.
Tuy không có triệu chứng trong thời gian nhiễm COVID-19 và chỉ 5 ngày là âm tính nhưng sau 1 tháng, Quang Minh (32 tuổi, Thủ Đức) bắt đầu có những dấu hiệu mệt mỏi, ho lắt nhắt kéo dài. Tưởng bản thân tái nhiễm với chủng mới, nhưng khi thực hiện kiểm tra PCR thì anh Minh không có dấu hiệu nhiễm bệnh. Sau khi thăm khám, anh mới được thông tin các triệu chứng xuất hiện liên quan đến tình trạng hậu COVID-19.
Thường xuyên phải thức đêm để làm việc, công việc IT khiến anh khó có giấc ngủ bình thường đúng giờ như mọi người. Anh Minh cho biết anh ho nhiều vào đêm, cổ họng có đờm và hay buồn ngủ: "Có lúc đang làm việc thì buồn ngủ quá, như những lần khác chỉ cần uống cà phê hoặc nước tăng lực là mình sẽ khoẻ hơn nhưng hiện nay, mình không cưỡng lại được cơn buồn ngủ, chỉ cần nằm xuống là có thể ngủ bất cứ lúc nào".
Anh vẫn tập luyện thể dục thể thao bình thường với các môn thể hình, bơi lội và tennis, lịch tập được chia ra để phù hợp với giờ giấc làm vịêc. Nhưng anh Minh cũng nhận ra mình không còn quá sung sức như trước đây, đôi lúc có dấu hiệu thở dốc, thường xuyên khát nước.
Nhiều khoa khám hậu COVID-19 tại các bệnh viện lớn đón nhận lượng lớn bệnh nhân đến thăm khám. Ảnh báo Nhân Dân.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có hơn 200 triệu chứng được mô tả từ tình trạng cũng những người từng bị COVID-19, trong đó: khó thở, mệt mỏi, rối loạn chức năng nhận thức là 3 triệu chứng phổ biến nhất. Ngoài ra, người bệnh còn có thể gặp các vấn đề khác như: khó khăn khi gắng sức luyện tập, đau tức ngực, thay đổi tâm trạng, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, đau đầu khi đứng, tim đập nhanh, đau cơ khớp...
Các tình trạng này có thể xuất hiện hoặc 1 đến 2 tháng sau khi khỏi bệnh. COVID-19 ảnh hưởng mọi cơ quan của cơ thể, nhưng không phải tất cả cùng một lúc, và mức độ nghiêm trọng cũng khác nhau. Người nhiễm sau khi khỏi bệnh cần khám hậu Covid để chuẩn đoán tình trạng và có kế hoạch điều trị phù hợp.
Nhiều người sớm nhận ra cơ thể đang gặp vấn đề nên kịp thời thăm khám và điều trị nên tình trạng tốt dần lên. Khánh Ly dự định sẽ vạch ra cho mình một lối sống sinh hoạt khoa học để chăm sóc bản thân. Ly cũng thừa nhận rằng sau đợt nhiễm COVID-19, cô quan tâm đến sức khoẻ, ăn uống đủ chất và tập luyện thể dục thể thao nhiều hơn trước đây.
Anh Quang Minh đã được bác sĩ tư vấn cho các phương pháp để cải thiện những vấn đề đang gặp phải, anh mong sớm lấy lại nhịp sống cũ, lấy lại được năng suất làm việc để hoàn thành tốt nhất công việc của mình.