COVID-19: Vì sao Trung Quốc hứng chịu đợt bùng phát COVID-19 nghiêm trọng nhất kể từ Vũ Hán?

H.A - Ngày 16/03/2022 12:14 PM (GMT+7)

Theo chuyên gia dịch tễ học cấp cao của CDC Trung Quốc, có 3 nguyên nhân khiến Trung Quốc phải đối mặt với đợt bùng phát nghiêm trọng như hiện tại.

7 diễn biến

Vì sao TQ hứng chịu đợt bùng phát Covid-19 nghiêm trọng nhất kể từ Vũ Hán?

Trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 liên tục tăng cao những ngày qua ở Trung Quốc đại lục, ông Wu Zunyou, trưởng nhóm dịch tễ học của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc, hé lộ 3 nguyên nhân khiến các ổ dịch xuất hiện trên khắp cả nước, gồm: ca nhiễm nhập cảnh, biến thể Omicron và nhiều ca nhiễm nhẹ không triệu chứng. 

Đợt bùng phát mới nhất ở Trung Quốc được đánh giá là nghiêm trọng nhất kể từ khi dịch bùng phát ở Vũ Hán cuối năm 2019. Các ca nhiễm mới trong đợt bùng phát gần nhất ghi nhận ở 16 tỉnh thành và khu vực tự trị trên khắp Trung Quốc. Trong khi đó, biến thể Omicron đã xóa thế thống trị của biến thể Delta.  

Ảnh minh họa: AP

Ảnh minh họa: AP

Kể từ tháng 1/2022, Trung Quốc ghi nhận sự gia tăng đáng kể của số ca nhiễm cộng đồng, với số ca mắc trung bình mỗi tháng gấp khoảng 10 lần so với cùng thời điểm các năm 2020 và 2021. 

Ông Wu cho rằng, sự gia tăng này là do chịu ảnh hưởng lớn từ tỷ lệ dịch bệnh cao trên thế giới, đặc biệt là châu Á. Số ca nhiễm nhập cảnh vào Trung Quốc đại lục chủ yếu tới từ Hong Kong và một số nước giáp Trung Quốc như Hàn Quốc, Myanmar, Nga, hay Lào. 

Biến thể Omicron là một trong những nguyên nhân khiến số ca nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc tăng cao, theo ông Wu. Vị chuyên gia hàng đầu của CDC Trung Quốc lưu ý, số ca nhiễm Omicron chiếm khoảng 80% số ca nhiễm ghi nhận ở Trung Quốc gần đây, với các biến thể BA.2 và BA.1.1 là phổ biến nhất. 

Bên cạnh đó, tỷ lệ bệnh nhân không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ trong đợt bùng phát này cũng khiến việc phát hiện nguồn lây để cách ly cũng gặp nhiều khó khăn, ông Wu nhận định. 

Vị chuyên gia hàng đầu của CDC Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh vẫn sẽ theo đuổi chính sách "Zero Covid" để đối phó dịch bệnh, thúc giục chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp "giúp phát hiện virus nhanh hơn để có phản ứng kịp thời và chính xác hơn". 

Ông Wu tự tin rằng, đợt bùng phát hiện tại sẽ sớm được kiểm soát trong những tuần tới nếu các biện pháp phòng chống được thực hiện hiệu quả. 

Nguồn: http://danviet.vn/vi-sao-tq-hung-chiu-dot-bung-phat-covid-19-nghiem-trong-nhat-ke-tu-vu...

Dịch lên đỉnh, bác sĩ F0 điều trị bệnh nhân F0

Đợt dịch thứ 4 kéo dài trên cả nước đã gây khó khăn, quá tải cho hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở. Từ Tết ra đến nay, số ca mắc COVID-19 tăng rất mạnh, lây lan nhanh trên cả nước bởi biến chủng Omicron. Hà Nội dẫn đầu cả nước về số ca mắc mới, mỗi ngày ghi nhận trên 30.000 F0, trong đó có 99% điều trị tại nhà. Áp lực dồn nén lên vai hệ thống y tế cơ sở khi cả trạm y tế chỉ có 8-10 nhân viên y tế, trong khi họ phải phụ trách tới cả nghìn F0. Trong những ngày qua, rất nhiều bác sĩ, nhân viên y tế đã nhiễm SARS-CoV-2, có nơi cả trạm y tế đều là F0, khó khăn lại thêm chồng chất.

Không có ngày nghỉ

Chúng tôi tới Trạm Y tế phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng vào những ngày dịch COVID-19 ở Hà Nội diễn ra căng thẳng. Mỗi ngày tại đây có hơn 100-200 bệnh nhân dương tính mới. Gần nửa năm qua, công việc của các nhân viên y tế cơ sở đã quá bận rộn, mệt mỏi và càng quá tải hơn khi các ca F0 bắt đầu tăng mạnh ở Thủ đô sau Tết Nguyên đán.

Các bác sĩ Bệnh viện hồi sức COVID-19 đang điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch. Ảnh: CTV

Các bác sĩ Bệnh viện hồi sức COVID-19 đang điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch. Ảnh: CTV

Gọi điện cho BS Nguyễn Minh Huệ, Trạm trưởng Trạm Y tế, trong điện thoại là tiếng ho sù sụ của chị. Tôi hỏi thăm, chị nói: “Hôm nay là ngày thứ 7 bị nhiễm SARS-CoV-2”. Vào giữa lúc dịch diễn biến căng thẳng nhất thì cả trạm y tế có 10 người (1 bác sĩ là trạm trưởng và 9 y tá, điều dưỡng) đều nhiễm COVID-19. “Vô cùng khó khăn khi cả trạm đều là F0. Trong tình thế đó, tôi động viên các chị em phải cố gắng, vẫn tiếp nhận tư vấn cho các F0 qua Zalo, ai không sốt thì lên trạm làm việc”, BS Huệ chia sẻ.

BS Huệ cho biết, chị mắc COVID-19 có đầy đủ triệu chứng, ho, sốt rét, đau rát họng… nhưng vẫn chỉ đạo từ xa. Những lúc dứt cơn sốt, có điện thoại chị bắt máy trả lời tư vấn cho bệnh nhân. “Có những đêm mệt rũ, đang ngủ nhận được tin báo vẫn bật dậy để tư vấn, chỉ đạo. Có buổi trưa ngủ mê mệt, người cứ chìm đi. Nhưng rồi lại nghĩ, phải làm việc để quên đi mình là F0. Bận rộn làm việc từ sáng tới khuya, không còn thời gian nghĩ đến bệnh nữa, lại thấy khỏe ra. Tôi động viên các chị em F0 cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này. Tình yêu nghề đã chiến thắng tất cả, chúng tôi làm việc suốt trong thời gian là F0, quên đi triệu chứng của bệnh”, BS Huệ tâm sự.

Ngoài BS Huệ con đã lớn, 9 y tá, điều dưỡng của Trạm Y tế phường Đồng Tâm nhiều người con còn nhỏ. Nhân viên y tế nào sốt, con nhỏ thì không đến trạm nhưng đều làm việc tại nhà, tiếp nhận tư vấn qua Zalo. Những người khỏe hơn thì đến trạm làm việc ở tầng 2 để giải quyết các công việc hành chính, hỗ trợ các F1 ở tầng dưới (F1 là Đoàn Thanh niên, sinh viên Trường Cao đẳng Y tế).

“Mỗi nhân viên y tế phụ trách một khu dân cư, ai mệt quá thì người khỏe hơn làm thay, san sẻ công việc cho nhau. Tôi soạn sẵn 1 tin nhắn hướng dẫn các bước điều trị, sử dụng thuốc cho F0 tại nhà. Tin nhắn này được nhân viên chuyển tới từng bệnh nhân F0, vì thế trong thời gian qua, không có trường hợp nào chuyển nặng mà phải chuyển viện muộn”, BS Huệ cho biết.

Y tế cơ sở tại Hà Nội bước vào khủng hoảng nhân lực do mỗi trạm y tế chỉ có từ 8-10 nhân viên, dịch bệnh kéo dài đã khiến lượng công việc của họ quá tải, ngày nào họ cũng trong guồng quay công việc tất bật, không có ngày nghỉ. Nhiều người không có thời gian lo cho gia đình, trong nhà có người ốm, con nhỏ, nhiễm COVID-19 cũng không có nhiều thời gian quan tăm, chăm sóc. Chưa kể, đợt dịch bùng phát sau Tết Nguyên đán tới nay, số nhân viên y tế nhiễm SARS-CoV-2 rất cao.

Không chỉ Trạm Y tế phường Đồng Tâm, Hà Nội có nhiều nơi cả trạm y tế đều là F0 như phường Thanh Xuân Bắc, Trung Văn… Ngoài ra, rất nhiều trạm y tế khác đều có nhân viên y tế nhiễm COVID-19, nhiều trạm tỷ lệ nhiễm chiếm đến 50-60%, thậm chí 90% như phường Mai Động. Tại Trạm Y tế phường Bưởi, khi nhân viên y tế nhiễm SARS-CoV-2 quá nhiều, hết nhân lực đã phải huy động và tập huấn cho cán bộ UBND phường lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại trạm y tế lưu động.

Những ca cấp cứu xuyên đêm

“Alo! Chị ơi xuống giúp gia đình em với, mẹ em nhất quyết không chịu đi viện”. Cuộc điện thoại của con gái cụ bà hơn 80 tuổi cầu cứu bác sĩ Huệ. Qua điện thoại, chị thuyết phục một hồi, nhưng cụ bà vẫn nhất quyết: “Tôi là bác sĩ, nhà tôi có bình oxy, không cần đi viện”… Đây là những cuộc điện thoại lúc nửa đêm mà BS Huệ thường nhận, đặc biệt nhiều trong thời điểm “cam go” khi cả trạm y tế là F0. Cụ bà bị ung thư, bệnh chuyển biến nặng nhưng gia đình thuyết phục thế nào cũng không đi viện. Với trường hợp này, chị Huệ phải xuống tận nơi thuyết phục, phân tích phải trái không được, thậm chí phải “dọa” cuối cùng cụ mới đi viện.

Mới đây thôi, có hai ông bà cao tuổi sống một mình, sau khi nhiễm COVID-19 điều trị tại nhà, bà có bệnh nền, hàng ngày con đưa cơm chỉ treo ở cửa. Đến ngày thứ 4, hai ông bà bị mệt, hạ đường xuyết, bà ngất xỉu trong nhà vệ sinh, ông gọi điện đến y tế phường. Bác sĩ Huệ và 1 nhân viên y tế vội vàng đến nơi, “phá cửa” để vào nhà, cho bà thở oxy, ăn cháo, uống sữa, một lát sau bà mới tỉnh lại.

BS Huệ cho biết, trong quá trình tiếp nhận, tư vấn, điều trị cho F0, có nhiều câu chuyện “dở khóc dở cười”. Có cụ cao tuổi, bệnh nền nặng, xét nghiệm dương tính nhất quyết không đi viện. Ngày đầu phát hiện dương tính, cấp thuốc kháng virus, cụ uống vào rất khỏe. Nhưng đến ngày thứ 3, bệnh nặng lên và nhập viện, 1 tuần sau thì cụ mất. Có cụ không chịu uống thuốc, không chịu ăn, con của cụ gọi điện cho nhân viên y tế, phải “dỗ dành”, thậm chí “dọa” cụ mới ăn. Có cụ nhân viên y tế ngày nào cũng phải điện thoại dỗ “bà đã ăn chưa, bà uống sữa vào nhé, ăn nhiều cơm vào mới mau khỏe” như dỗ… trẻ con.

Hay có cuộc điện thoại các chị nhận được vừa alo, bên kia gắt “tại sao các cô không qua nhà test cho tôi”. “Những lúc ấy chúng tôi đều phải giải thích, dân họ hiểu và đều thương nhân viên y tế. Có cụ 90 tuổi được cấp cứu chuyển viện kịp thời, khi khỏi bệnh, con của cụ đã điện thoại đến trạm cảm ơn: “Chị Huệ ơi em cảm ơn chị, bố em đã từ cõi chết trở về”. Khi biết cả Trạm Y tế phường là F0, người dân ra cho chuối, bánh, lạc… Chúng tôi cảm động lắm”, BS Huệ kể lại. 

Theo thống kê, từ tháng 1 đến nay, phường Đồng Tâm ghi nhận 2.000 ca nhiễm COVID-19, trong đó đã có 900 người khỏi bệnh, số còn lại đang điều trị tại nhà. Thời gian qua, có nhiều bệnh nhân COVID-19 nặng tại phường nhờ chuyển tuyến kịp thời đã được cứu sống, thoát khỏi nguy hiểm, xuất viện về với gia đình. Nhưng bên cạnh đó, cũng có 6 trường hợp tử vong (từ tháng 1 đến nay) đều là người cao tuổi, có bệnh nền, có người chưa tiêm vaccine. Bên cạnh người dân có ý thức, vẫn còn một số trường hợp test dương tính nhưng không khai báo. Có người cao tuổi khi tử vong mới biết mắc COVID-19. Hoặc cũng có người không khai báo, đến khi bệnh nặng mới báo thì đã nguy kịch.

Nguồn: https://cand.com.vn/y-te/dich-len-dinh-bac-si-f0-dieu-tri-benh-nhan-f0-i647120/

Cà Mau: F0 triệu chứng nhẹ, F1 nguy cơ cao được đi làm

Sáng nay 16-3, ông Nguyễn Văn Đen, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau đã thông tin đến báo chí qua zalo về chỉ đạo mới của tỉnh trong phòng chống COVID-19. 

Bí thư tỉnh Cà Mau chỉ đạo Sở y tế kiến nghị Bộ Y tế ưu tiên phân bổ vaccine cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi. Ảnh: TRẦN VŨ

Bí thư tỉnh Cà Mau chỉ đạo Sở y tế kiến nghị Bộ Y tế ưu tiên phân bổ vaccine cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi. Ảnh: TRẦN VŨ

Theo đó, tỉnh Cà Mau chính thức cho phép F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ và F1 nguy cơ cao đi làm bình thường. Tuy nhiên, quy định này cũng nêu rõ là các đối tượng trên đi làm là tự nguyện và giữ nguyên tắc không tiếp xúc với người khác. 

Tỉnh Cà Mau cũng chỉ đạo "các cơ sở sản xuất, kinh doanh, công ty, nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp... hỗ trợ người lao động xét nghiệm 2 lần/tuần, bố trí sản xuất kinh doanh khoa học, hợp lý..."

Quy định mới này sẽ được cụ thể hóa bằng văn bản quy định tạm thời trong vài ngày tới. 

Những chỉ đạo trên do ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư tỉnh ủy, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống CVID-19 tỉnh Cà Mau đưa ra hôm 14-3-2022, trước cuộc hợp với nhiều cơ quan ban ngành cấp tỉnh.

Văn phòng tỉnh ủy Cà Mau đã tổng hợp ý các ý kiến chỉ đạo này thành văn bản hôm qua 15-3-2022.

Nguồn: https://plo.vn/thoi-su/ca-mau-f0-trieu-chung-nhe-f1-nguy-co-cao-duoc-di-lam-1048678.htm...

Hải Phòng thử nghiệm hoạt động trở lại karaoke, vũ trường

UBND TP Hải Phòng vừa ra văn bản số 1680/UBND-VH1 về việc thử nghiệm hoạt động trở lại đối với dịch vụ kinh doanh karaoke, vũ trường.

Theo đó, xét đề nghị của Sở Văn hóa và Thể theo về việc cho phép dịch vụ kinh doanh karaoke, vũ trường được hoạt động trở lại trong điều kiện bình thường mới.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

UBND TP Hải Phòng đồng ý đề xuất của Sở Văn hóa và Thể thao về việc cho phép thử nghiệm hoạt động trở lại đối với dịch vụ kinh doanh karaoke, vũ trường trên địa bàn thành phố trong 2 tháng; thực hiện từ ngày 15/3/2022 đến 15/5/2022.

Đồng thời, yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường và các đối tượng sử dụng dịch vụ do các cơ sở trên cung cấp phải thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K, các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, hướng dẫn của Sở Y tế, Sở Văn hóa và Thể thao và các nội dung đã cam kết.

Bên cạnh đó, UBND TP Hải Phòng giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì cùng Sở Y tế, Công an thành phố và các cơ quan liên quan hướng dẫn cụ thể, kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường trên địa bàn thành phố trong quá trình thử nghiệm hoạt động trở lại đảm bảo tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 và hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Yêu cầu các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường trên địa bàn thành phố ký cam kết tuân thủ các quy định phòng chống dịch bệnh của trung ương và thành phố; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.

Báo cáo UBND thành phố kết quả hoạt động thử nghiệm; căn cứ diễn biến dịch bệnh trên địa bàn thành phố, kịp thời đề xuất điều chỉnh đối với việc thử nghiệm hoạt động trở lại của các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường (nếu có).

Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/hai-phong-thu-nghiem-hoat-dong-tro-lai-karaoke-vu-truong-d5...

Bộ trưởng Bộ Y tế chịu trách nhiệm nếu thiếu vắc-xin để xảy ra hậu quả

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, xét kiến nghị của Bộ Y tế về việc trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt "Kế hoạch sử dụng vắc-xin phòng COVID-19 năm 2022", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế:

Tập trung chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thần tốc hơn nữa công tác tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên và dứt khoát không để chậm chễ việc mua, tổ chức tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 64/CĐ-TTg ngày 19/1/2022 và các văn bản có liên quan.

Tiêm vắc-xin phòng COVID-19. (Ảnh minh họa).

Tiêm vắc-xin phòng COVID-19. (Ảnh minh họa).

Theo dõi sát tình hình, khuyến nghị, kinh nghiệm quốc tế việc tiêm mũi 4 như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại nhiều phiên họp, sự kiện để sớm chủ động xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề vượt thẩm quyền.

“Nếu thiếu vắc-xin để xảy ra hậu quả Bộ trưởng Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ”, Thủ tướng yêu cầu.

Theo Bộ Y tế, đến hết ngày 15/3, tổng số liều vắc-xin phòng COVID-19 đã được tiêm là 200.516.229 liều, trong đó: Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 183.467.186 liều: Mũi 1 là 70.914.086 liều; Mũi 2 là 67.825.981 liều; Mũi 3 là 1.493.227 liều; Mũi bổ sung là 14.542.915 liều; Mũi nhắc lại là 28.690.977 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.049.043 liều: Mũi 1 là 8.750.408 liều; Mũi 2 là 8.298.635 liều.

Hiện Bộ Y tế đang lập kế hoạch, lên phương án tiêm vắc-xin cả về nhân lực, cơ sở hạ tầng để sẵn sàng tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi và kể cả phương án tiêm mũi thứ 4 đối với người có bệnh nền và một số đối tượng cần bảo vệ.

Bộ Y tế đang giao cho các cơ quan chuyên môn, hội đồng khoa học, các chuyên gia để đánh giá, nghiên cứu một cách thận trọng, kỹ lưỡng, khoa học, hiệu quả để phù hợp với từng giai đoạn; Sẽ phân tích các yếu tố nguy cơ về những lợi ích và rủi ro để từ đó triển khai tiêm cho những đối tượng này.

Nguồn: http://danviet.vn/bo-truong-bo-y-te-chiu-trach-nhiem-neu-thieu-vac-xin-de-xay-ra-hau-qu...

Du khách nhập cảnh không phải cách ly, trẻ dưới 2 tuổi không xét nghiệm

Ngay sau khi tổng hợp ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, tối 15-3, Bộ Y tế đã hoàn thiện và ban hành quy định Hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh theo tinh thần thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP, cũng như tỉ lệ tiêm chủng vắc-xin Covid-19 đạt ở mức cao; số ca bệnh nặng và tử vong do Covid-19 đang được kiểm soát tốt.

Hướng dẫn này cũng thay thế các quy định về phòng, chống dịch đối với người nhập cảnh trước đây và bãi bỏ nhiều yêu cầu về cách ly, xét nghiệm cũng như giấy chứng nhận tiêm chủng vắc-xin hoặc khỏi bệnh Covid-19. Cụ thể:

Nhiều quy định về phòng chống dịch đối với khách du lịch nhập cảnh đã được sửa đổi phù hợp với tình hình mới - Ảnh: Chinhphu

Nhiều quy định về phòng chống dịch đối với khách du lịch nhập cảnh đã được sửa đổi phù hợp với tình hình mới - Ảnh: Chinhphu

Đối với người nhập cảnh theo đường hàng không:

Phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (trừ trẻ em dưới 2 tuổi) trước khi xuất cảnh trong vòng 72 giờ nếu sử dụng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP hoặc trong vòng 24 giờ nếu sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên với virus SARS-CoV-2 và được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận.

Đối với người nhập cảnh theo các đường khác (đường bộ, đường thủy, đường sắt):

Phải có xét nghiệm như đối với nhập cảnh bằng đường hàng không.

Trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 như quy định nêu trên, phải thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 trong vòng 24 giờ đầu (bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên với virus SARS-CoV-2) kể từ khi nhập cảnh.

Nếu kết quả xét nghiệm âm tính thì được phép rời khỏi nơi lưu trú và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.

Nếu kết quả xét nghiệm dương tính thì phải báo cáo ngay cho cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn xử lý kịp thời.

Đối với trẻ dưới 2 tuổi không bắt buộc phải xét nghiệm SARS-CoV-2, chưa được tiêm vắc-xin Covid-19 hoặc chưa từng nhiễm SARS-CoV-2 đều được nhập cảnh, tham gia các hoạt động ở ngoài nơi lưu trú cùng bố, mẹ, người thân.

Phải thực hiện khai báo y tế trước khi nhập cảnh

Người nhập cảnh phải thực hiện khai báo y tế trước khi nhập cảnh và sử dụng ứng dụng khai báo y tế (PC-COVID) trong thời gian lưu trú tại Việt Nam theo quy định.

Tại cửa khẩu nếu có triệu chứng nhiễm SARS-CoV-2 (sốt; ho; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác; giảm hoặc mất khứu giác; đau, nhức đầu; tiêu chảy; khó thở; viêm đường hô hấp...) báo ngay cho cơ quan y tế tại cửa khẩu để thực hiện các biện pháp y tế theo quy định.

Trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhập cảnh: Tự theo dõi sức khỏe, nếu có các triệu chứng nghi nhiễm SARS-CoV-2 ( sốt; ho; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác; giảm hoặc mất khứu giác; đau, nhức đầu; tiêu chảy; khó thở; viêm đường hô hấp...) phải thông báo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất để được hướng dẫn, quản lý kịp thời;

Thực hiện các biện pháp phòng bệnh: Thường xuyên đeo khẩu trang, sát khuẩn tay bằng dung dịch sát khuẩn.

Đối với người chưa có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trước khi xuất cảnh: Trong suốt quá trình di chuyển từ cửa khẩu nhập cảnh về nơi lưu trú, hạn chế dừng, đỗ dọc đường; tránh tiếp xúc gần với người xung quanh.

Bộ Y tế (Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19) đề nghị UBND cấp tỉnh, các Bộ, ngành chỉ đạo các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý tổ chức triển khai thực hiện để đảm bảo giảm nguy cơ lây nhiễm cho người đi cùng và cộng đồng.

Trước đó, Bộ Y tế quy định người nhập cảnh tiêm đủ liều vắc-xin Covid-19 hoặc F0 khỏi bệnh sẽ cách ly tại nhà 3 ngày, không được ra khỏi nơi lưu trú và tiếp xúc với người xung quanh trong thời gian này.

Ngoài ra, những người này xét nghiệm PCR vào ngày thứ 3; nếu kết quả âm tính thì tự theo dõi sức khỏe đến hết 14 ngày. Cùng đó, người nhập cảnh phải có chứng nhận tiêm chủng/hộ chiếu vắc-xin đã được Việt Nam công nhận. Nếu là F0 khỏi bệnh, phải có giấy xác nhận do cơ quan có thẩm quyền các nước cấp.

Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/du-khach-nhap-canh-khong-phai-cach-ly-tre-duoi-2-tuoi-khong-...

Những manh mối về cách thức đại dịch COVID-19 có thể kết thúc

Thế giới chịu sự hoành hành của đại dịch COVID-19 trong 2 năm qua.

Trong những tuần gần đây, diến biến dịch tại hầu hết các nước trên thế giới có chiều hướng cải thiện đáng kể về tỷ lệ lây nhiễm, nhập viện và tử vong. Điều này dường như báo hiệu cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu đang hạ nhiệt.

Giới chuyên gia đã dẫn chứng một số dịch bệnh trước đây, qua đó cung cấp manh mối để biết được đại dịch COVID-19 kết thúc thế nào.

Một điểm xét nghiệm nhanh COVID-19 cho trẻ em tại Long Beach, California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một điểm xét nghiệm nhanh COVID-19 cho trẻ em tại Long Beach, California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chuyên gia nghiên cứu Erica Charters thuộc Đại học Oxford cho biết giới khoa học đã không nghiên cứu kỹ sự kết thúc của các dịch bệnh trước đây cũng như như quá trình khởi phát của chúng.

Theo bà Charters, sự kết thúc của một đại dịch là quá trình lâu dài và có khả năng không thể chấm dứt hoàn toàn ở cùng một thời điểm. Những kịch bản kết thúc đại dịch bao gồm "kết thúc về mặt y tế" khi dịch bệnh suy giảm, "kết thúc về mặt chính trị" khi các chính phủ dỡ bỏ biện pháp phòng dịch và "kết thúc về mặt xã hội" khi mọi người thay đổi nhận thức về dịch bệnh.

Đại dịch COVID-19 đã bùng phát và lây lan trên toàn cầu và diễn biến khác nhau ở các khu vực khác nhau. Ví dụ như Mỹ, ít nhất có lý do tin rằng dịch bệnh đã gần kết thúc.

Khoảng 65% dân số Mỹ đã tiêm đủ liều vaccine và khoảng 29% đã tiêm mũi tăng cường. Số ca mắc mới đã giảm trong gần 2 tháng qua với số ca mắc trung bình theo ngày giảm gần 30%. Quy định đeo khẩu trang cũng đã dần được gỡ bỏ tại một số địa phương.

Mới đây Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rằng đã đến lúc người dân quay trở lại văn phòng và hoạt động xã hội như trước đại dịch.

Bạn hãy cùng điểm lại một số dịch bệnh trước đây và cách chúng kết thúc.

Cúm mùa

Trước đại dịch COVID-19, cúm được coi là đại dịch khiến nhiều người tử vong nhất trên thế giới. Các nhà sử học ước tính đại dịch cúm năm 1918-1919 đã khiến 50 triệu người trên toàn thế giới tử vong, trong đó có 675.000 người Mỹ. Đại dịch cúm năm 1957-1958 đã khiến khoảng 116.000 người Mỹ thiệt mạng. Sau đó, đến năm 1968, 100.000 người đã tử vong vì dịch bệnh này.

Vào năm 2009, đợt bùng phát cúm mới đã gây ra một đại dịch khác, nhưng đợt dịch này không nguy hiểm đối với người cao tuổi - nhóm có tỷ lệ tử vong cao nhất. Gần 13.000 người ở Mỹ đã tử vong trong đại dịch này.

Đến tháng 8/2010, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố bệnh cúm đã chuyển sang giai đoạn hậu đại dịch khi ca bệnh và các đợt bùng phát chỉ còn diễn ra theo mùa. Trong mỗi đợt bùng phát, đại dịch đã suy yếu theo thời gian và phần lớn dân số đã hình thành khả năng miễn dịch. Các đợt dịch này trở thành bệnh cúm theo mùa trong những năm sau đó.

Các chuyên gia dự đoán đại dịch COVID-19 nhiều khả năng cũng xảy ra tương tự như mô hình này của cúm mùa. Ông Matthew Ferrari, Giám đốc Trung tâm Động lực học Bệnh truyền nhiễm bang Pennsylvania, nhận định COVID-19 sẽ trở thành bệnh thông thường. Mô hình dịch bệnh sẽ biến chuyển một các đều đặn trong năm, có thời điểm ghi nhận nhiều ca nhiễm, có thời điểm ghi nhận ít ca mắc hơn, giống như bệnh cúm mùa hoặc cảm lạnh thông thường.

HIV

Năm 1981, giới chức y tế Mỹ thông báo loạt trường hợp bị tổn thương giống như bệnh ung thư và viêm phổi ở những người đồng tính nam vốn khỏe mạnh ở California và New York. Số ca mắc những triệu chứng này ngày càng nhiều và một năm sau đó, giới chức y tế gọi căn bệnh đó là AIDS do hội chứng suy giảm miễn dịch gây ra.

Các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng hội chứng này do HIV - loại virus suy giảm miễn dịch ở người, gây ra, làm suy yếu hệ thống miễn dịch của người bệnh bằng cách phá hủy các tế bào ngăn chặn bệnh và tình trạng nhiễm trùng. Trong nhiều năm, AIDS vẫn được coi là một "bản án tử hình" đáng sợ. Đến năm 1994, HIV trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở những người Mỹ trong độ tuổi từ 25 đến 44 tuổi.

Tuy nhiên, các phương pháp điều trị HIV có sẵn vào những năm 1990 đã biến bệnh này trở thành một căn bệnh mãn tính có thể kiểm soát được đối với hầu hết người Mỹ. Song, tại châu Phi và các khu vực khác trên thế giới, HIV chưa được kiểm soát và tình trạng khẩn cấp vẫn đang diễn ra.

Bà Charters cho rằng các đại dịch không chấm dứt hoàn toàn khi một số khu vực trên toàn cầu vẫn ghi nhận các đợt bùng phát dịch.

Zika

Năm 2015, Brazil đã chứng kiến đợt bùng dịch do virus Zika gây ra. Bệnh này lây lan qua muỗi aedes và có xu hướng chỉ gây bệnh nhẹ cho hầu hết người lớn và trẻ em. Tuy nhiên, Zila đã trở thành nỗi kinh hoàng khi một số nghiên cứu chỉ ra rằng thai phụ nhiễm virus Zika trong thời gian mang thai có thể gây dị tật bẩm sinh, ảnh hưởng đến sự phát triển của não, gây chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh.

Đến cuối năm đó, virus Zika đã lan rộng khắp các nước Mỹ Latinh khác. Năm 2016, WHO ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng trên toàn cầu. Dịch bệnh này sau đó đã gây tác động rõ ràng đến Mỹ. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã ghi nhận 224 trường hợp nhiễm virus Zika ở lục địa Mỹ và trên 36.000 trường hợp ở các vùng lãnh thổ nước này, phần lớn ở Puerto Rico.

Năm 2017, số ca nhiễm đã giảm đáng kể và dịch bệnh hầu như biến mất ngay sau đó. Các chuyên gia cho rằng dịch bệnh đã bị "xoá sổ" khi con người hình thành khả năng miễn dịch.

Tiến sỹ Denise Jamieson, cựu quan chức CDC, nhận định virus gần như sắp biến mất" và áp lực đối với việc cung cấp vaccine Zika ở Mỹ cũng đã giảm bớt.

Giới khoa học cho rằng nhiều khả năng virus Zika sẽ không bùng phát trong nhiều năm. Tuy nhiên, dịch bệnh có thể tái xuất hiện nếu virus tiếp tục đột biến hoặc ngày càng có nhiều người trẻ tuổi chưa có khả năng miễn dịch.

COVID-19

Hai năm trước, vào ngày 11/3, Tổ chức Y tế Thế giới đã chính thức tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu. WHO cho biết khi các quốc gia chứng kiến số ca mắc, hoặc ít nhất là số ca nhập viện và tử vong suy giảm, họ sẽ tuyên bố kết thúc tình trạng khẩn cấp này. Tuy nhiên, WHO vẫn chưa đưa ra tiêu chí cụ thể.

Trong tuần trước, các ca mắc ở Mỹ đã giảm dần và số ca mắc trên toàn cầu đã giảm 5%. Tuy nhiên, một số nơi vẫn chứng kiến xu hướng ca nhiễm tăng, bao gồm Anh, New Zealand và đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc).

Tiến sỹ Carissa Etienne, Giám đốc Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO), cho biết người dân ở nhiều quốc gia vẫn đang thiếu vaccine và thuốc điều trị. Riêng ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe, hơn 248 triệu người chưa được tiêm mũi vaccine COVID-19 đầu tiên. Các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp có khả năng sẽ chứng kiến làn sóng ca mắc, nhập viện và tử vong gia tăng trong tương lai.

Trong khi đó, Tiến sỹ Ciro Ugarte, Giám đốc về Tình trạng y tế khẩn cấp thuộc Tổ chức Y tế Liên Mỹ, nhấn mạnh con người vẫn chưa thoát khỏi đại dịch này và cần tiếp cận đại dịch này một cách thận trọng.

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/nhung-manh-moi-ve-cach-thuc-dai-dich-covid-19-co-the-ket-thuc...

Tạ Hiện và một loạt phố ăn đêm ở Hà Nội nhộn nhịp trở lại sau 21h
Sau 21h ngày 15/3, các con phố ăn đêm như Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến, Tống Duy Tân... trên địa bàn Hà Nội đã nhộn nhịp trở lại sau một thời gian dài...

Tin tức Hà Nội

H.A (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19