Chỉ trong thời gian ngắn bị tái mắc COVID-19 tới 3 lần, như vậy liệu có ảnh hưởng đến sức khỏe. TS.BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm TP.HCM sẽ có những thông tin về vấn đề này.
Nguyên trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM
Chào bác sĩ!
Tôi mắc COVID-19 lần 1 vào ngày 25/9/2021, sau đó bị tái lại lần 2 và phát hiện vào ngày 23/2. Đến ngày 9/3 tôi tiếp tục tái nhiễm lại lần 3. Cả 3 lần mắc tôi đều chỉ phát hiện qua test nhanh, chứ không xét nghiệm nên không rõ mình mắc chủng, biến thể virus nào của SARS-CoV-2.
Điều tôi lo lắng là việc tái đi, tái lại như vậy có ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe không thưa bác sĩ? Vì khi tái mắc COVID-19 đến lần thứ 2 là tôi đã có chút hoang mang.
Xin cảm ơn bác sĩ!
Trước hết tôi rất muốn biết rõ hơn về việc, bạn là tái nhiễm COVID-19 hay là tái dương tính. Vì hai khái niệm này hoàn toàn khác nhau, nhưng nhiều người đang nhầm lần.
Cụ thể, tái dương tính là trường hợp F0 được xét nghiệm cho kết quả âm tính, không còn triệu chứng nhưng sau đó xét nghiệm bằng PCR lại dương tính trở lại. Nếu chỉ tái dương tính như vậy thì không đáng lo, vì kết quả đó là do xác virus vẫn còn, không có nguy cơ lây nhiễm cộng đồng và không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Trường hợp thứ hai là tái nhiễm COVID-19 với các biến thể SARS-CoV-2 khác nhau thì cần phải chú ý, vì nó sẽ xuất hiện những triệu chứng ở các mức độ nặng nhẹ khác nhau và có khả năng lây nhiễm.
Với trường hợp trên, nếu nghe bạn bị tái nhiễm đến 3 lần có vẻ như rất “ghê gớm”, nhưng nếu để ý kỹ thì điều này hoàn toàn có thể xảy ra. Thứ nhất là về thời gian, lần mắc COVID-19 đầu tiên là từ 25/9/2021, sau đó đến tận ngày 23/2/2022 mới mắc lại lần 2.
Như vậy, trong khoảng thời gian 5 tháng sau khi mắc COVID-19 lượng kháng thể trong người đã giảm nhiều, đặc biệt nếu trường hợp chưa tiêm phòng vắc xin đầy đủ thì nguy cơ mắc càng cao hơn.
Còn từ lần mắc thứ 2, đến lần mắc thứ 3 thì trong khoảng thời gian rất ngắn (từ 23/2 đến 9/3), với trường hợp này có thể là mắc hai biến thể khác nhau. Bởi một số thống kê cho thấy, người từng nhiễm biến thể Delta vẫn có thể tái nhiễm Omicron với tỷ lệ khoảng 5-10%. Ngược lại, người mắc Omicron rồi thì cũng có thể tái nhiễm Delta nhưng tỷ lệ sẽ ít hơn.
Việc đã mắc COVID-19 bị tái nhiễm lần nữa là hoàn toàn có thể xảy ra. Ảnh minh họa.
Vậy những người tái nhiễm nhiều lần thì có bị ảnh hưởng đến sức khỏe không? Điều này không ai có thể trả lời chắc chắn được, vì nó còn tùy thuộc vào đối tượng mắc, sức đề kháng mỗi người, có bệnh lý nền hay không.
Tuy nhiên, với người khỏe mạnh bình thường, tiêm đủ vắc xin thì sẽ không bị ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Đặc biệt, khi từng mắc COVID-19 trước đó, cơ thể người bệnh sẽ có một lượng kháng thể nhất định để chống lại virus.
Với người khỏe mạnh bình thường, có chăng ảnh hưởng nhiều nhất đó là vấn đề tâm lý, bởi đã mắc lần 1, xong tái lần 2, rồi lại lần 3 khiến họ suy nghĩ nhiều, hoang mang hơn. Do vậy, dù là mắc mới hay tái mắc lần tiếp theo, người bệnh cần phải bình tĩnh, xuất hiện triệu chứng gì điều trị triệu chứng đó, không nên hoang mang.
Điều quan trọng hiện nay đó là cần phải bảo vệ nhóm đối tượng nguy cơ, hạn chế sự lây lan cho nhóm này, đồng thời bảo đảm cho họ tiếp cận được sớm nhất với các phương pháp điều trị phù hợp khi mới nhiễm bệnh. Ngoài ra, cần hạn chế tốc độ lây lan ở môi trường làm việc bằng cách đeo khẩu trang, sát khuẩn tay thường xuyên...
|
Tin liên quan
Do môi trường sống gần nguồn nước bẩn hoặc bùn đất mà nhiều loại rau củ dễ bị nhiễm ký sinh trùng. Khi không được chế biến, bảo quản đúng...
Tin bài cùng chủ đề Cách phòng, chữa COVID-19
Việc triển khai tiêm chủng vắc-xin COVID-19 liều cơ bản cho trẻ dưới 5 tuổi và tiêm các mũi tiếp cho các nhóm đối tượng từ 5 tuổi trở lên sẽ được Bộ Y tế khuyến cáo và hướng dẫn cụ thể khi...