Đắng lòng mẹ già 20 năm xích con ở chân giường

Ngày 15/01/2014 06:55 AM (GMT+7)

Gần 20 năm nuôi con điên dại, người mẹ già lưng còng, mắt lòa nay đã gần đất xa trời chỉ đau đáu một ước nguyện “được đưa con vào trại tâm thần” để sống hết đoạn đường đời còn lại.

Đang giữa lúc tuổi đời đầy tươi đẹp, chàng trai Vũ Minh Sơn (sinh 1967, quân nhân xuất ngũ) đã bất ngờ bị biến chứng mắc bệnh tâm thần khiến mẹ già khóc cạn nước mắt. Cảnh nghèo, không được chữa trị đến nơi đến chốn, bệnh tình chàng quân nhân mỗi lúc một trầm trọng. Gần 20 năm nuôi con điên dại, người mẹ già nay đã gần đất xa trời chỉ đau đáu một ước nguyện “ được đưa con vào trại tâm thần” để sống hết đoạn đường đời còn lại.

Mong cho con được vào trại tâm thần

Trong căn nhà nhỏ nằm sâu trong lô B81 phường Cát Bi, quận Hải An, Hải Phòng, quân nhân Vũ Minh Sơn, sinh 1967 (số 12 B81 phường Cát Bi, quận Hải An, Hải Phòng) hiện đang sống lay lắt cùng mẹ già ngoài 80 tuổi, lưng còng, mắt lòa.

Cả gian nhà chỉ có một chiếc giường gỗ nhỏ để cụ Vũ Thị Nhạn (sinh 1934) nằm. Phía sát tường, ngay gần cửa sổ, cụ Nhạn đặt một chiếc đệm mỏng cho anh Sơn nằm. Thấy khách lạ đến, anh Sơn thò đầu ra khỏi chăn, ngồi dậy ngơ ngác nhìn cười ngây ngô. Cụ Nhạn chậm rãi, chống gậy bước gần con trai nói “Có khách đến chơi!”. Thấy người lạ đến đầy nhà, anh Sơn nhoẻn cười, đôi mắt ngây dại như một đứa trẻ.

Rời khỏi chiếc đệm, anh vịn vào tường đứng dậy lê từng bước chân về phía sau nhà đi vệ sinh. Nhìn từng bước chân lê dài trên đất, cổ chân bị chai cứng, thâm tím do bị xích lâu ngày, ai nấy không khỏi xót thương. Một người hang xóm tay bưng hai bát cơm trắng vừa nhanh nhẹn bước tới đặt phần cơm trưa xuống mặt tủ kệ, miệng hỏi anh Sơn “Ăn cơm được chưa nào?”. Xua tay ra chiều chưa muốn ăn, anh Sợn giọng líu chặt đáp “ Mới ăn xong, chưa đói!” rồi lại lẩm nhẩm những câu vô nghĩa.

Đắng lòng mẹ già 20 năm xích con ở chân giường - 1

Quân nhân Vũ Minh Sơn ngây dại như một đứa trẻ

Bác Nguyễn Duy Thăng, SN 1950 cùng lô (khu dân cư-PV) với nhà cụ Nhạn cho biết: Cả lô dân cư này, không ai không biết tình cảnh thương tâm của cụ Nhạn và con trai. Hoàn cảnh cụ rất đáng thương. Sinh được 4 người con trai, cả 4 người đều là quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ và các cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc.

Riêng anh Vũ Minh Sơn, SN 1967, nhập ngũ năm 1987, đóng quân ở biên giới phía Bắc, thuộc Trung đoàn 772 Đặc khu Quảng Ninh, đến năm 1989 thì xuất ngũ về địa phương. Sau khi trở về nhà, từ một cựu quân nhân khỏe mạnh, hiền lành, hoạt bát, ngày ngày đạp xích lô nuôi mẹ, Sơn bỗng trở nên ngây dại. Lắm lúc thần kinh không bình thường, Sơn bỏ nhà lang thang đi khắp đầu đường, xó chợ, đói rách ai cho gì thì ăn đó.

Dường như cậu ta chẳng còn nhận biết được bất cứ điều gì xung quanh, nhiều lúc bất chợt cười điên dại, lúc la hét… khiến ai nấy đều xót thương. Tội nhất, bà cụ đã già nhưng vẫn phải còng lưng ngày ngày chống gậy đi xin về nuôi con dại. Tiếng là có mấy anh em nhưng chúng nó ai cũng khó khăn cả nên không nhờ cậy được gì.

Đắng lòng mẹ già 20 năm xích con ở chân giường - 2

Suốt mấy chục năm, Vũ Minh Sơn phải sống với chiếc xích trong góc nhà

Mây lần Sơn bỏ đi, cả lô lại tất tả chia nhau đi tìm. Vì thế, khi tìm được về, gia đình đã phải dùng biện pháp xích chân Sơn vào một dây cáp, cột vào tường nhà để không cho đi lang thang nữa. Và cũng từ đây, cuộc sống của Sơn gắn với chiếc xích sắt và 3 chiếc khóa còng vào cổ chân, quanh quẩn trong 4 bức tường góc nhà ẩm thấp, chật chội và thiếu ánh sáng. “Một con người chứ có phải con vật đâu mà cứ xích mãi như thế được”. - Ông Thăng xót xa chia sẻ.

Sống nhờ tình làng xóm 

Trước tình cảnh thương tâm của mẹ con cụ Nhạn, ông Thăng tốt bụng dành thời gian lặn lội khắp nơi từ phường cho đến Bộ Chỉ huy quân sự Tp Hải Phòng làm các thủ tục cần thiết cho Sơn với mong muốn Sơn được hưởng chế độ chính sách cũng như sự quan tâm giúp đỡ của các cơ quan đoàn thể, cộng đồng và đặc biệt được đi chữa bệnh.

Tay run run cầm bát cơm đút cho Sơn ăn, cụ Nhạn thều thào: “Tôi bằng này tuổi rồi, hoàn cảnh mẹ già con dại, kinh tế khó khăn, chỉ mong muốn một điều chính quyền hãy tạo điều kiện cho con tôi được đi bệnh viện chữa trị. Tôi sợ sức khỏe không còn, trí nhớ kém, ra đường cũng phải có người dắt thì làm sao chăm sóc được con mình. Nó tâm thần thế, nhỡ có chuyện gì xảy ra thì tôi biết làm sao”. Theo lời người hàng xóm cận kề, cụ Nhạn mắt lòa thế nhưng vẫn cố chống gậy ra chợ nhặt nhanh rau ế, đồ ăn thừa về làm thức ăn cho hai mẹ con.

Thấy hoàn cảnh cụ thương tâm, mấy hộ trong xóm đã chủ động trong mỗi bữa cơm đều nấu dư ra phần cho mẹ con cụ Nhạn. Cứ thế, ngày nọ sang tháng kia, bao năm nay, mẹ con cụ Nhạn đã được cả xóm cưu mang sống qua ngày. Những lúc trái gió trở trời, cụ Nhạn ốm, cả xóm lại thay phiên nhau qua dọn dẹp, chăm nom cụ và anh Sơn. Không chỉ bữa ăn, ngay cả quần áo, chăn màn, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình cụ Nhạn cũng đều do hang xóm quyên góp mang tới.

Đắng lòng mẹ già 20 năm xích con ở chân giường - 3

Cụ Nhạn đau lòng một ước nguyện " được đưa con vào trại tâm thần"

“ Giờ chỉ mong sao, các cấp chính quyền nghĩ cho hoàn cảnh bà cụ mà đưa anh Sơn đi chữa trị. Riêng phần cụ Nhạn, cả xóm tôi sẵn sàng cùng nhau đùm bọc cụ”, ông Thăng nói.

Trao đổi với báo chí, ông Tạ Trung Lương – Bí thư đảng ủy phường Cát Bi cho biết “ Hoàn cảnh gia đình cụ Nhạn là một trường hợp đặc biệt của phường với mẹ già con tâm thần. Vừa qua (năm 2012), chính quyền phường đã phối hợp cùng Liên đoàn Lao động thành phố hỗ trợ kinh phí tu sửa lại toàn bộ căn nhà cấp 4 đã xuống cấp, lụt lội và dột nát cho bà cụ nhằm đảm bảo chỗ ở. Riêng về phần anh Sơn, chính quyền phường sẽ khẩn trương vào cuộc xem xét hoàn tất các thủ tục trong thời gian sớm nhất để đưa anh Sơn đi chữa bệnh.”. 

Theo M.Lý (Gia đình & Xã hội)
Nguồn:

Tin liên quan