Người thân của hai bị cáo đều đau khổ trước sự việc. Họ không thể ngờ, con cái của mình có thể dính lao lý chỉ vì quá đói.
“Bị cáo quá đói”
Ngày 20/7, đứng trước vành móng ngựa, Ôn Thanh Tân (quận 9) và Nguyễn Hoàng Tuấn (cùng 18 tuổi, huyện Củ Chi, TP HCM) ngại ngùng cúi gầm mặt trước ánh mắt của mọi người. Tân sinh ra tại quận 9, gia đình thuộc dạng khó khăn, sau khi tốt nghiệp phổ thông, do rớt đại học và cao đẳng nên xin vào học trung cấp nghề.
Vào khoảng tháng 7/2015, trong một lần đi chơi game, Tân gặp Tuấn. Do Tuấn cũng nghiện game nên hai người trở nên thân thiết. Hàng ngày, Tân thường dùng xe chở Tuấn đi lòng vòng rồi ghé quán internet chơi game.
Trong khi đó, Tuấn học hành quá yếu, chỉ hoàn thành chương trình lớp 5 thì nghỉ, hàng ngày ở nhà chơi bời chứ không phụ giúp gì nhiều cho gia đình. Trước đây, Tuấn từng trộm nhiều xe máy và một xe đạp điện ở huyện Củ Chi. Sau đó, Tuấn bỏ xuống quận 9 để kiếm việc làm nhưng không ai nhận.
Khuya 17/10/2015, cả hai rủ nhau đến tiệm internet ở phường Tăng Nhơn Phú (quận 9) chơi. Trưa hôm sau, do hết tiền, Tân mượn xe máy của một người bạn chở Tuấn đến một quán cơm để xin việc. Trên đường đi, do quá đói, cả hai lên kế hoạch cướp đồ ăn.
Tân dừng xe tại một quầy tạp hóa. Tuấn giả vờ mua hai bịch chuối sấy, ba bịch me đường, một bịch đậu phộng rang muối cùng bánh mì ngọt. Chủ quán đưa hàng, Tuấn liền giật, vội vàng lên xe để Tân chở đi. Tuy nhiên, chủ quán cùng người dân đuổi theo bắt lại được giao cho cơ quan công an. Theo giám định, số tài sản hai thanh niên cướp khoảng 45 nghìn đồng.
“Là thanh niên sức dài vai rộng, sao không kiếm công việc làm mà suốt ngày chơi game?”, chủ tọa hỏi. Tuấn lí nhí: “Lúc đầu, bị cáo chơi game để giải trí. Tuy nhiên, về sau, bị cáo bị nghiện. Bị cáo cũng có ý định xin việc làm nhưng xin nhiều nơi không ai nhận”.
Hai bị cáo trong phiên tòa
Chủ tọa hỏi tiếp: “Trước đây, bị cáo từng bị công an huyện Củ Chi phát lệnh truy nã vì tội trộm cắp xe máy và xe đạp điện. Tại sao bị cáo lại chạy trốn?”. Tuấn vẫn cúi gầm mặt: “Bị cáo biết mình bị truy nã. Chỉ khi bị bắt vì cướp thức ăn, công an thông báo thì mới biết”.
Vị chủ tọa chuyển sang hỏi Tân: “Tại sao bị cáo lại cướp thức ăn?”. Bị cáo Tân rầu rĩ: “Dạ. Do bị cáo đói quá!”. Chủ tọa lại hỏi: “Nhà bị cáo ở quận 9, khá gần với nơi gây án. Tại sao bị cáo không về nhà ăn mà lại cướp thức ăn?”. “Bị cáo chơi game thâu đêm, đói quá nên không nghỉ được gì. Lúc ấy, bị cáo quá đói, chỉ nghỉ đến việc làm sao để chống đói”, bị cáo thành thật.
Nỗi đau người thân
Do khi gây án, Tân và Tuấn còn là vị thành niên nên cha mẹ của bị cáo có mặt với tư cách là người giám hộ hợp pháp. Ông Ôn Văn Th (cha của Tân) nghẹn đắng: “Trong vụ án này, con tôi có lỗi. Tôi cũng thừa nhận, cháu nó như thế là có một phần lỗi tôi không dạy dỗ tốt. Với tư cách là một người cha, tôi xin lỗi và gửi lời cảm ơn đến bị hại vì đã làm đơn bãi nại cho con tôi. Ngoài ra, tôi cũng mong HĐXX xem xét cho tôi được bảo lãnh con về”.
Ngồi cách đó không xa, chị Nguyễn Thị Ngọc Ph (mẹ Tuấn) rấm rức kể, gia đình trước đây ở quận 9. Mẹ chị buôn bán bún bò mưu sinh. Lúc còn nhỏ, chị thường ra quán phụ mẹ. Năm tròn 15 tuổi, chị gặp gỡ và có tình cảm với một người đàn ông. Chị tin vào những lời hứa ngọt ngào của người đàn ông này. Khi biết chị mang thai, người này vội “truất ngựa truy phong”.
Lúc ấy, chị bị nhiều lời đàm tiếu của mọi người. Người thân khuyên chị nên từ bỏ cái thai vì chị còn nhỏ tuổi và chưa có chồng. Tuy nhiên, sau cùng, đứa trẻ vẫn được sinh ra.
Ngay từ khi còn nhỏ, Tuấn đã sống cùng với bà ngoại. Về sau, chị Ph lấy chồng. Mẹ chị không muốn Tuấn sống cảnh cha dượng – con vợ nên đề nghị tiếp tục nuôi cháu ngoại và được chị đồng ý. Sau đó, bà chuyển về sống tại Củ Chi thì Tuấn cũng theo cùng.
Chị kể thêm, trong lúc mang thai, chị có sử dụng thuốc chữa bứu cổ nên khi sinh ra, Tuấn hơi khù khờ. Cũng vì điều này, trong quá trình đi học, Tuấn tiếp thu bài vở khá kém. Mặc dù chỉ hoàn thành chương tình lớp 5, nhưng Tuấn từng học lại nhiều lần.
Sau khi nghỉ học, bà ngoại xin cho Tuấn đi bán vé số. Thấy Tuấn khù khờ, nhiều lần kẻ xấu lấy xe, giật vé số. Lắm khi, Tuấn bán thiếu nhưng không nhớ khách nên cũng bị thiếu vốn hoài.
Năm 15 tuổi, Tuấn không đi bán vé số nữa mà được bà ngoại xin làm công nhân. Tuấn chỉ làm mỗi nơi được vài tháng là lại nghỉ. Cũng trong khoảng thời gian này, Tuấn được bạn bè chỉ bảo chơi game và nghiện từ lúc nào không hay.
Trong phiên tòa, hai luật sư bào chữa cho Tuấn và Tân cùng có ý kiến, nên tuyên mức án bằng thời gian tạm giam. Bởi, khi thực hiện vụ án, hai bị cáo còn nhỏ, nông nổi, kiến thức pháp luật kém. Các bị cáo đi cướp chỉ có ý định duy nhất là ăn no bụng. Họ không hề có ý định cướp tài sản có giá trị để đem bán kiếm tiền. Khi được nói lời sau cùng, cả hai đều thể hiện ăn năn, hối hận, mong nhận được án treo. Họ mong muốn được nhận mức án nhẹ để sớm trở về làm lại cuộc đời. Khi nghe điều này, cha và mẹ của hai bị cáo đều bật khóc. Sau giờ nghị án, HĐXX nhận định, hành vi của hai bị cáo có thể cấu thành tội Cướp tài sản. Trong đó. Tân là người khởi xướng, Tuấn là người trực tiếp phạm tội. TAND quận Thủ Đức (TP HCM) quyết định tuyên phạt, Tuấn 10 tháng tù giam, Tân 8 tháng 20 ngày tù giam. Tân đã chấp hành xong hình phạt, được trả tự do tại tòa. Riêng Tuấn vẫn tiếp tục thi hành án. |