ĐBQH: Khi chúng ta nghỉ lễ rất dài thì cả thế giới đang làm việc

Ngày 15/03/2015 08:36 AM (GMT+7)

“Việc nghỉ lễ dài ngày phải được tính toán trên cơ sở hài hòa lợi ích, không lý gì vì ích lợi của một bộ phận lại kéo theo tác động tiêu cực tới các bộ phận khác trong xã hội”.

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.Hồ Chí Minh) chia sẻ quan điểm với PV Infonet về các kỳ nghỉ lễ, Tết liên tục nối tiếp nhau và kéo dài nhiều ngày.

Theo thông báo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, dịp lễ 30/4 và 1/5 tới đây người lao động sẽ được nghỉ tổng cộng 6 ngày. Theo ông, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 9 ngày lại sắp tới kỳ nghỉ dài 6 ngày nữa có hợp lý?

Quan điểm của tôi là các ngày nghỉ chính thức phải được tính toán một cách hợp lý, hài hòa giữa hiệu quả kinh doanh và hiệu quả đối với người lao động. Vì đôi khi không phải người lao động nào cũng muốn nghỉ quá dài ngày. Với đối tượng lao động thu nhập ăn theo sản phẩm, nghỉ dài ngày nghĩa là thu nhập sẽ bị giảm sút. Thử hỏi, họ có vui khi túi tiền “vơi” đi?

ĐBQH: Khi chúng ta nghỉ lễ rất dài thì cả thế giới đang làm việc - 1

 ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP. Hồ Chí Minh)

Bên cạnh đó, cũng phải tính toán để hài hòa lợi ích giữa các đối tượng. Nếu chỉ thấy lợi ích người lao động mà bỏ qua lợi ích doanh nghiệp thì lại không công bằng. Nghỉ lễ kéo dài nhiều ngày đương nhiên hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, doanh thu rồi lợi nhuận sụt giảm thì đương nhiên sẽ tác động ngược trở lại người lao động.

Ngoài ra, khi bố trí nghỉ lễ còn phải tính tới tác động của các lĩnh vực khác nhau của xã hội. Có thể người lao động họ thích vì nghỉ mà vẫn được hưởng lương. Nhưng nếu khu vực công nghỉ quá nhiều này sẽ kéo hệ lụy, ảnh hưởng dây chuyền tới các khu vực kinh doanh khác. Không lẽ nào một doanh nghiệp muốn làm thủ tục thông quan hàng hóa chẳng may lại rơi đúng vào dịp nghỉ lễ, mà cán bộ hải quan nghỉ rồi, ai làm cho đây… như thế hoạt động của doanh nghiệp bị đình trệ. Hay như tác động của chuyện nghỉ lễ dài đối với hàng triệu người nông dân đã được tính đến? Nếu trùng với mùa vụ hàng chục triệu nông dân vẫn phải ra đồng thu hoạch, không lẽ nào họ bỏ mặc vì … nghỉ lễ. Mà thu hoạch về rồi sẽ bán cho ai, vì “đầu ra” đã nghỉ lễ hết rồi còn đâu?

Rồi toàn bộ dịch vụ công đóng cửa trong dịp nghỉ lễ, ảnh hưởng như thế nào đối với tất cả những người sử dụng dịch vụ công như thế nào, chúng ta đã tính toán hết?

Tôi muốn nhắc lại, việc nghỉ lễ hàng năm phải được tính toán trên cơ sở hài hòa lợi ích, không lý gì vì ích lợi của một bộ phận lại kéo theo tác động tiêu cực tới bộ phận khác trong xã hội. Tiếc là hiện nay chúng ta chưa làm được như vậy.

Hiện năng suất lao động của người Việt vốn đã được đánh giá là thấp ngay cả trong khu vực ASEAN, chỉ bằng 1/15 Singapore… Ông có cho rằng, nếu những kỳ nghỉ lễ diễn ra quá dày và kéo dài trong nhiều ngày sẽ ảnh hưởng tới năng suất lao động?

Đúng như vậy. Chắc chắn việc duy trì các ngày nghỉ lễ dài ngày sẽ ảnh hưởng tới thời gian lao động và kéo theo đó năng suất lao động cũng giảm sút. Thường trước và sau mỗi kỳ nghỉ lễ phải mất một khoảng thời gian nhất định người lao động mới “bắt nhịp” lại với công việc. Tại nhiều doanh nghiệp sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán cứ phải qua Rằm tháng Giêng nhiều lao động mới trở lại làm việc đầy đủ, bình thường tại doanh nghiệp.

ĐBQH: Khi chúng ta nghỉ lễ rất dài thì cả thế giới đang làm việc - 2

  Các bến xe, bến tàu thường đông nghẹt người mỗi dịp nghỉ lễ, Tết

Hay có hiện tượng, công nhân tại nhiều khu công nghiệp về quê ăn Tết nhưng rồi ở lại và không trở về nhà máy làm việc. Vì thế mới có cảnh sau Tết các doanh nghiệp ồ ạt giăng biển tuyển dụng lao động, mà tuyển được đủ người cũng vô cùng khó khăn.

Trong khi năng suất lao động của người Việt hiện đang được đánh giá là khá thấp, thì đây là một sự lãng phí. Ở các nước việc nghỉ lễ được họ điều tiết khá hợp lý, họ chỉ cho nghỉ 3-4 ngày, chứ không quá dài. Còn chúng ta, dường như mới chỉ quan tâm tới một số đối tượng nhất định, đặc biệt là chưa chú ý tới yếu tố hội nhập quốc tế.

Nếu vẫn tiếp tục duy trì các đợt nghỉ lễ dài ngày, chưa kể người lao động có thêm 12 ngày nghỉ phép trong năm, ước tính 1 năm 12 tháng làm việc nghỉ 1 tháng… sẽ khiến Việt Nam mất đi cơ hội cạnh tranh để bắt kịp so với các nước trong khu vực và thế giới?

Điều này tất nhiên là có. Chúng ta đã hội nhập, mở cửa thị trường, thu hút đầu tư thì những hoạt động sản xuất kinh doanh cũng phải nhanh chóng bắt nhịp với hội nhập. Tôi quan sát thấy, những dịp nghỉ lễ, Tết gần đây trong khi chúng ta nghỉ rất dài thì cả thế giới vẫn làm việc. Trong khoảng thời gian này, những hợp đồng giao dịch, những mối quan hệ kinh doanh với các nước trên thế giới đương nhiên là bị đình trệ, ảnh hưởng.

Vậy theo góc nhìn của ông, việc bố trí các kỳ nghỉ lễ sẽ như thế nào để hài hòa lợi ích giữa các đối tượng, khu vực kinh tế trong xã hội?

Tôi nhấn mạnh lại, chúng ta cần phải xây dựng phương án về nghỉ lễ phù hợp với tình hình kinh tế, đặc điểm xã hội Việt Nam, nhưng trong điều kiện hộp nhập thế giới.

Tổng số ngày nghỉ bao nhiêu, nghỉ đợt nào, có nên hoán đổi ngày làm việc để cho nghỉ kéo dài hay không… phải trên cơ sở có tính toán khoa học, có kế hoạch và hoán đổi phù hợp. Các bộ, ngành phải cùng nhau xây dựng, không nên thay đổi quá nhiều ảnh hưởng trực tiếp tới kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Làm doanh nghiệp, kinh doanh họ sợ nhất là mỗi khi kế hoạch cả năm đã lên rồi, nhưng trong phút chốc buộc phải thay đổi để chạy theo chính sách.

Xin cảm ơn ông!

Theo Nguyễn Hoài
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot