Lo ngại nhiều dịch cúm trỗi dậy dịp nghỉ lễ dài ngày

Ngày 27/04/2013 06:37 AM (GMT+7)

Nhiều dịch cúm đang cùng lúc trở lại (như H5N1, H1N1), đúng lúc kỳ nghỉ lễ dài ngày diễn ra khiến nguy cơ dịch lây lan tăng cao.

Nhiều cúm cùng trở lại

Kết quả giám sát cúm trọng điểm quốc gia cho thấy số mẫu dương tính với virus cúm cao hơn hẳn các năm trước.

Những diễn biến trên thực tế cũng đã phản ánh chính xác kết quả giám sát này khi mà số lượng bệnh nhân nhập viện vì nhiễm virus cúm cũng tăng cao đột ngột.

Ông Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, kết quả giám sát cúm trọng điểm quốc gia từ đầu năm 2013 cho thấy trong số gần 1.000 mẫu thu thập đã phát hiện 119 mẫu dương tính với virus cúm (chiếm 12,4%).

Lo ngại nhiều dịch cúm trỗi dậy dịp nghỉ lễ dài ngày - 1
Dịch cúm gia cầm và H1N1 đang cùng lúc quay trở lai. Đây đều là những dịch bệnh dễ lây lan từ động vật sang người và từ người sang người.

Trong đó nổi bật lên là cúm H1N1, sau đó là cúm B và H3N2. Tương tự, trong số 335 mẫu bệnh phẩm của các trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, thì tác nhân cúm chiếm hơn 8%, trong đó cũng ghi nhận sự trội lên của virus H1N1.

Theo ông Dương, vào thời điểm đại dịch năm 2009, chủng cúm H1N1 chiếm đến 90-95%, sau đó có những lúc gần như biến mất, bị cúm B và cúm H3N2 thay thế. Tuy nhiên, giờ chủng cúm này lại phát triển trội lên.

Diễn biến trên thực tế cũng trùng khớp với kết quả giám sát này.

Tại bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương đã ghi nhận nhiều trường hợp mắc cúm A/H1N1 – loại bệnh mà trong vòng khoảng hơn 2 năm trở lại đây hầu như không còn người mắc kể từ sau đại dịch năm 2009.

Tại Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương, ca bệnh H1N1 mới nhất đã tử vong sáng 23/4. Trước đó, tại Bệnh viện Bạch Mai cũng đã có 1 trường hợp bệnh nhân ở Yên Bái tử vong vì nhiễm virus cúm này.

Trong khi đó, dịch cúm gia cầm H5N1 cũng đang bùng phát trở lại, đặc biệt diễn biến phức tạp trên đàn chim yến ở Ninh Thuận. Đây là loại virus cúm có thể lây dễ dàng từ động vật sang người và nguy cơ tử vong cao.

Tình hình càng phức tạp hơn khi “nước láng giềng” Trung Quốc đang phải đối phó với cúm H7N9 cũng có nguồn gốc từ gia cầm.

Hiện nay, Việt Nam chưa có ca nào nhiễm cúm H7N9 nhưng nguy cơ bị xâm nhiễm rất cao.

Không chủ quan

Trước những diễn biến này, Bộ Y tế đã lên phương án đối phó và đặc biệt đề cao cảnh giác trong thời kỳ diễn ra kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày với sự gia tăng các hoạt động đi lại, du lịch, ăn uống, v..v…

Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã yêu cầu các bệnh viện trong toàn quốc phải đảm bảo các điều kiện và chủ động đối phó với tình hình dịch bệnh có thể xảy ra trong dịp nghỉ lễ, đặc biệt là cúm A/H1N1, H5N1 và H7N9.

Cục cũng yêu cầu các bệnh viện chuẩn bị tốt công tác dự phòng, thu dung, cấp cứu và điều trị, cách ly người bệnh theo đúng các quy định hiện hành về phòng chống dịch, không để dịch lây lan.

Theo ông Trần Như Dương, cúm H1N1 lưu hành như một cúm mùa thông thường nhưng người dân không nên chủ quan. Bản chất của cúm là bệnh nghiêm trọng, có thể gây tử vong.

Trên thế giới mỗi năm ghi nhận 250-500.000 ca tử vong vì cúm.

Đa phần các ca nhiễm cúm là nhẹ, tự khỏi bệnh nhưng vẫn có tỷ lệ tử vong nhất định. Nguy cơ tử vong cao hơn ở người già, trẻ em, thai phụ hoặc người mắc bệnh mãn tính.

"Các nghiên cứu gần đây cho thấy chưa có sự biến đổi về độc lực theo hướng mạnh lên của chủng cúm  này. Còn việc có những người trẻ, khỏe nhưng vẫn có thể tử vong là vì đây là những người có cơ địa mẫn cảm nên khi bị bệnh dễ tiến triển nhanh, gây suy hô hấp, suy đa phủ tạng và tử vong", tiến sĩ Dương nói.

Theo N.Anh (Vietnamnet)

Tin liên quan

Sáng nay (10/1), giá vàng nhẫn và vàng SJC tiếp tục tăng nửa triệu đồng/lượng lên mốc 86 triệu đồng/lượng.