Khi phát hiện người bị đột quỵ, nếu biết sơ cứu và đưa đi cấp cứu kịp thời thì người bệnh sẽ không bị tử vong hoặc không để lại biến chứng nguy hiểm.
Các thống kê ở Việt Nam cho thấy, hiện nay số người mắc và tử vong do đột quỵ ở Việt Nam đang ngày càng gia tăng và trẻ hóa. Theo đó, mỗi năm có khoảng hơn 200.000 người bị đột quỵ được ghi nhận ở Việt Nam, trong đó có khoảng 100.000 người tử vong vì căn bệnh này. Như vậy, tính bình quân mỗi tháng có hơn 800 người và mỗi ngày có khoảng 277 người tử vong vì căn bệnh này. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng, đột quỵ hoàn toàn có thể nhận biết bằng những dấu hiệu được cảnh báo trước. Đặc biệt, nếu người bệnh được sơ cứu đúng cách thì nguy cơ biến chứng, tử vong sẽ giảm đi đáng kể. |
PGS.TS Mai Duy Tôn – Trưởng phòng Cấp cứu 1 (Khoa Cấp cứu – BV Bạch Mai) cho biết, khi phát hiện nạn nhân bị đột quỵ cần chuyển ngay đến bệnh viện. Nếu chuyển đến bệnh viện trước 4,5 giờ thì các bác sĩ (ở 1 số bệnh viện lớn) có thể dùng phương pháp tiêu sợi huyết để điều trị và không để lại biến chứng.
Tuy nhiên, trong thời gian chờ xe cấp cứu chở bệnh nhân đến viện, người nhà phải thực hiện một số động tác sơ cứu để giảm những biến chứng cần thiết sau:
Khi phát hiện thấy người bị đột quỵ, cần đưa người bệnh ra nơi thông thoáng, nới lỏng quần áo.
Sau đó lấy gối (vật dụng mềm) xung quang kê cao lưng, cổ người bệnh lên cao khoảng 30cm.
Tiếp theo kiểm tra miệng người bệnh xem có dị vật hoặc đờm nhãi, thức ăn gì hay không.
Dùng khăn sạch đưa vào miệng người bệnh lau sạch đờm nhãi bên trong.
Sau đó cho người bệnh nằm xoay sang một bên, để phòng trường hợp người bệnh bị sặc vào phổi.
Tiếp theo, lấy một chiếc đũa, quấn khăn xung quanh...
...rồi đặt nằm ngang miệng người bệnh, tránh tình trạng người bệnh cắn vào lưỡi.
Trường hợp xe cấp cứu xa chưa đến kịp, thấy người bệnh có dấu hiệu bất thường thì kiểm tra động mạch cảnh bên cạnh cổ của người bệnh.
Nếu người bệnh ngừng tuần hoàn thì tiếp tục sơ cứu ngừng tuần hoàn bằng cách ép tim, kiểm soát đường thở, thổi ngạt...
Đặc biệt lưu ý, trong quá trình sơ cứu, đợi xe cấp cứu tới tuyệt đối không cho người bệnh, ăn uống bất kể thứ gì.
Theo PGS Tôn, thông thường đối với những người cao huyết áp, tiểu đường…thường xảy ra đột quỵ. Tuy nhiên, để những người xung quanh nhận ra dấu hiệu điển hình thì không phải đơn giản.
“Người bệnh thường xuất hiện triệu chứng đột ngột, như đột ngột hôn mê, mất ý thức, mất thăng băng, không phối hợp động tác. Ví dụ như khi phát hiện một người nghi ngờ đột quỵ, những người xung quanh hãy bảo người bệnh giơ tay lên, nếu không giữ được thăng bằng thì đó là một biểu hiện.
Hoặc, khi bảo bệnh nhân huýt sao nhưng không được, hoặc mồm méo thì đó là dấu hiệu bất thường thứ 2. Một dấu hiệu nữa là khi nói chuyện với người bệnh hoặc bảo người bệnh nói câu gì đó, nếu người bệnh không nói được, hoặc méo tiếng thì cũng là một dấu hiệu rất cảnh bảo. Trong trường hợp, người bệnh có 3 dấu hiệu cảnh báo trên thì 90% đó là đột quỵ”, PGS Tốn cho biết.
Để phòng ngừa căn bệnh này, PGS Tôn khuyến cáo, mọi người hãy từ bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia, tăng cường tập thể dục. Đặc biệt, những người béo phì, cao huyết áp, tiểu đường cần phải lưu ý chỉ số cân nặng, huyết áp…thường xuyên để điều chỉnh cho phù hợp. Ngoài ra, khám sức khỏe định kỳ cũng vô cùng quan trọng.