Đề thi “4 trong 1”: Liệu có công bằng?

Ngày 28/02/2015 08:27 AM (GMT+7)

Đề thi sẽ nằm trong chương trình giao thoa của hai hệ THPT và GDTX, vì vậy đảm bảo những thí sinh học hệ GDTX cũng có khả năng làm được bài.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận vừa chính thức ký thông qua quy chế thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2015. Điểm mới nhất của quy chế là đề thi lần này cùng lúc áp dụng thống nhất cho bốn đối tượng thí sinh: Học viên hệ GDTX, học sinh hệ THPT, thí sinh thi CĐ và thí sinh thi ĐH.

Điều này đã dấy lên mối lo ngại: Làm thế nào đề thi “4 trong 1” cùng lúc đáp ứng yêu cầu khác nhau của bốn đối tượng này. Ngày 27-2, PGS-TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT), đã trả lời Pháp Luật TP.HCM chung quanh vấn đề này.

Đề thi “4 trong 1”: Liệu có công bằng? - 1

PGS-TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT)

Sẽ có những câu hỏi cơ bản

- Phóng viên: Thưa ông, những năm trước có bốn đề thi và bốn kỳ thi cho các đối tượng này nhưng năm nay chỉ còn một đề thi, một kỳ thi. Làm thế nào để đề thi tạo công bằng cho các thí sinh?

PGS-TS Mai Văn Trinh: Trong quy chế vừa được ban hành đã nói rõ kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia gồm hai mục đích. Thứ nhất, xét công nhận tốt nghiệp THPT cho các thí sinh, đồng thời làm căn cứ để các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ tuyển sinh. Do vậy, đề thi là yếu tố rất quan trọng để đạt được mục tiêu này. Bởi vậy đề thi tốt nghiệp THPT quốc gia sẽ nằm trong chương trình THPT, chủ yếu trong chương trình lớp 12.

Để một lúc đáp ứng hai mục tiêu, đề thi sẽ gồm các câu hỏi ở các mức độ từ dễ cho đến khó. Đặc biệt, đề thi sẽ gồm các câu hỏi ở mức độ cơ bản, phù hợp với đối tượng học sinh THPT và học viên GDTX. Các thí sinh chỉ cần trả lời được các câu hỏi đó là có đủ điều kiện để tốt nghiệp THPT. Ngoài những câu hỏi dễ sẽ gồm các câu hỏi khó dần để phân hóa trình độ thí sinh, làm cơ sở để các trường ĐH xét tuyển ĐH, CĐ. Bởi vậy các học viên GDTX không nên quá lo lắng.

- Tuy nhiên, chương trình hệ GDTX tinh giản hơn so với hệ THPT, đề nghị ông nói rõ hơn về đề thi sẽ ra như thế nào để đảm bảo những thí sinh hệ GDTX không bị thiệt thòi?

Đề thi năm nay sẽ tương tự như đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014. Đề thi sẽ tiếp tục tăng cường các câu hỏi ở mức độ vận dụng, câu hỏi mở, không đề cao việc ghi nhớ máy móc các sự kiện hay trả lời theo hướng khuôn mẫu có sẵn. Đề thi như thế này đã được dư luận xã hội ủng hộ, đồng tình ở kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH, CĐ năm ngoái.

Về mặt hình thức, các môn toán, ngữ văn, lịch sử, địa lý sẽ thi bằng tự luận; các môn vật lý, hóa học, sinh học sẽ thi bằng hình thức trắc nghiệm. Riêng môn ngoại ngữ sẽ gồm phần trắc nghiệm và phần viết như đã ra trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Tôi nhấn mạnh đề thi sẽ nằm trong chương trình giao thoa của hai hệ THPT và GDTX, vì vậy đảm bảo những thí sinh học hệ GDTX cũng có khả năng làm được bài.

Vẫn còn cơ hội cho thí sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp

Đề thi “4 trong 1”: Liệu có công bằng? - 2

Năm nay, lần đầu tiên học viên hệ GDTX sẽ thi chung đề với hệ THPT. Trong ảnh: Học viên GDTX thi tốt nghiệp tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa năm 2014. Ảnh: P.ANH

- Những thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp THPT thì có còn cơ hội vào ĐH, CĐ không?

Con đường vào ĐH đối với các thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT hoàn toàn chưa hết. Các em hoàn toàn có thể đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ tuyển sinh riêng. Năm nay số lượng các trường tuyển sinh bằng hình thức này rất lớn, họ tuyển sinh căn cứ vào kết quả học tập của các em trong các trường phổ thông.

- Liệu các trường có ưu ái cho các em điểm cao hơn so với thí sinh thi cụm do các trường ĐH chủ trì?

Câu chuyện này chúng tôi đã đặt ra, hơn lúc nào hết trách nhiệm của nhà giáo, cơ chế quản lý của nhà trường, của các cấp giáo dục được đặt lên trên. Trong thực tế vận hành năm 2014, cho đến thời điểm này, chúng ta đều thấy rằng các trường bằng những giải pháp khác nhau: giải pháp quản lý, giải pháp kỹ thuật công nghệ để khắc phục việc này. Phần lớn các nhà giáo hiểu rằng việc đánh giá đúng chất lượng học tập của các em là trách nhiệm, đồng thời cũng đảm bảo cho trường đấy ổn định và phát triển bền vững.

Cám ơn ông đã trả lời phỏng vấn.

Sẽ sớm quyết định số cụm thi

Việc tổ chức các cụm thi là một trong những nội dung Bộ GD&ĐT rất quan tâm và tính toán. Vừa rồi Bộ GD&ĐT có nhiều phiên làm việc với các trường ĐH, các địa phương, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ. Sắp tới đây chúng tôi sẽ làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Ban Chỉ đạo Tây Bắc để sớm quyết định thành lập bao nhiêu cụm thi.

Tuy nhiên, một điều chắc chắn là thí sinh đi thi để lấy kết quả xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ sẽ thuận lợi hơn so với các năm trước. Bởi các em di chuyển khoảng cách ngắn hơn, không phải di chuyển đến các trường ĐH hoặc đến bốn cụm thi Hải Phòng, Vinh, Quy Nhơn, Cần Thơ như những năm trước đây.

Họ đã nói

Nếu cách đây 5-7 năm, học viên GDTX phải thi chung đề với thí sinh THPT thì còn nhiều lo ngại. Nhưng với điều kiện như hiện nay thì khá bình thường. Đề thi tốt nghiệp hằng năm cũng được ra khá ngang nhau. Tuy nhiên, vấn đề đáng lưu ý là đề thi năm nay vừa dùng để xét tốt nghiệp và vừa xét ĐH nên chắc chắn sẽ có những đổi mới, có thể sẽ gây không ít khó khăn cho cả học viên lẫn nhà trường.

Ông Phạm Anh Ba, Trưởng phòng GDTX Sở GD&ĐT TP.HCM

Sở sẽ bàn tính việc ra đề thi học kỳ 2 có thể thi chung cho cả hai hệ GDTX và THPT. Cách thức ra đề sẽ như một dạng thi thử để các em có thể làm quen.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM

P.ANH ghi

Theo Huy Hà
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan