Đề kiểm tra giữa kỳ môn Văn của học sinh lớp 11 trường THPT Hai Bà Trưng (Huế) đã nhận được ý kiến trái chiều từ dân mạng.
Mới đây, đề kiểm tra lớp 11 môn Ngữ văn của trường THPT Hai Bà Trưng ở thành phố Huế đã làm cư dân mạng tranh cãi nảy lửa, trong đó nội dung gây phản ứng trái chiều nằm ở câu 1 của "Phần 2: Làm Văn".
Câu hỏi 2 điểm này có nội dung như sau:
"Anh/chị sẽ chọn tấm biển nào để treo trước cửa phòng mình?
A. Đây là vùng lãnh thổ của con, bố mẹ không được vào!
B. Cửa phòng con không khóa. Bố mẹ cứ vào nhé!
C. Trước khi vào, bố mẹ nhớ gõ cửa nhé!
Hãy viết một đoạn văn (khoảng 150 chữ) lí giải sự lựa chọn của anh/chị".
Đề kiểm tra văn giữa kỳ lớp 11 của học sinh Trường THPT Hai Bà Trưng
Đề bài này có thể thấy không quá đánh đố đến mức dân mạng tranh cãi về độ dễ/khó mà mọi người phàn nàn chuyện có thể có những chi tiết "phi thực tế" đằng sau câu chữ. Một số ý kiến cho rằng không phải nhà ai cũng có điều kiện cho con ở một phòng riêng, đặc biệt với những người đi thuê trọ thì họ sẽ phải ở chung trong một căn phòng, vì thế con sẽ không có cảm giác chính xác nhất chuyện "vùng lãnh thổ" riêng hoặc thế giới riêng sẽ như thế nào.
"Nhà tôi đang ở phòng trọ hơn 15m2, cả nhà phải sinh hoạt chung chứ không thể ngăn phòng riêng cho con, chắc sau này có nhà riêng thì lúc đó con mới có phòng riêng. Nếu như con tôi gặp đề bài này, chắc chắn cháu cũng khó có thể nói hết được suy nghĩ của mình vì không thực tế", cư dân mạng H.T bình luận.
Chung quan điểm, không ít phụ huynh cho rằng đề tài không đúng với đại đa số học sinh bởi không phải nhà ai cũng có điều kiện. Thay vì nói về phòng riêng thì nên nói về một thứ gì đó mà tất cả các gia đình khác đều có như phòng khách, phòng ngủ... Còn đề bài này có thể khiến cho những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mơ có phòng riêng nhưng chưa bao giờ thành hiện thực chắc chắn sẽ cảm thấy chạnh lòng.
Tuy nhiên, ở góc độ khác, nhiều người cho rằng trong môn làm văn hoàn toàn có thể chấp nhận sự tưởng tượng và hư cấu ở mức độ hợp lý và phù hợp. Điều đó cũng là cách giúp cho học sinh có được trí tưởng tượng phong phú, không bị bó hẹp trong khuôn mẫu nhất định.
"Từ khi tôi còn đi học đã học được những cách sáng tạo trong tác phẩm làm văn, có những đề bài còn đòi hỏi trí tưởng tượng... Nếu như đề bài này con của các phụ huynh không có phòng riêng vẫn có thể làm được bằng khả năng tưởng tượng đó, hoặc tạo phong cách riêng bằng cách nói lên quan điểm từ một người không có phòng riêng... chắc chắn thầy cô sẽ đánh giá năng lực của các em ở tính sáng tạo trong từng đề bài. Môn văn không thể cố định câu chữ như chấm các môn tự nhiên, nên học sinh hoàn toàn được sáng tạo một cách hợp lý", cư dân mạng P.A nêu ý kiến.
Bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng phụ huynh đang quá cứng nhắc trong chuyện dạy con mà quên đi việc mở ra cho trẻ cách sáng tạo để có thể bay đến với những ước mơ của bản thân.
"Nhiều phụ huynh làm quá với đề bài này là sao nhỉ? Hãy mở rộng trí tưởng tượng của con cái, không lẽ nếu bắt buộc viết bài về chuyến du lịch nước ngoài, nếu chưa được đi nước ngoài cũng trả lời với thầy cô là em không biết hay không làm bài hay sao", cư dân mạng G.T bày tỏ.
Bạn Ph.Q cho rằng: "Nhiều phụ huynh thay vì phản đối đề bài thì hãy học cách cố gắng tạo được sự riêng tư cho con. Thông thường có nhiều phụ huynh ít khi coi trọng thế giới của trẻ, tò mò, muốn biết tất cả những gì con đang làm bằng cách can thiệp, theo dõi mà không hề tâm sự hay trò chuyện để con có thể nói được hết nỗi lòng của mình".
Những phụ huynh ủng hộ đề bài này cho rằng hãy vượt qua suy nghĩ là một căn phòng bình thường với 4 bức tường mà đó là thế giới riêng của con cái trong nhà cần được cha mẹ thấu hiểu, tôn trọng nhằm tạo ra được không gian riêng tư trong khả năng có thể.
Trước những ý kiến trái chiều, trao đổi trên báo Dân Trí, thầy Ngô Đức Thức (Hiệu trưởng trường THPT Hai Bà Trưng) cho biết đã nắm được các ý kiến trái chiều về đề văn kiểm tra giữa kỳ cho học sinh khối 11. Ban Giám hiệu nhà trường sẽ hội ý thêm với tổ Ngữ văn để làm rõ câu chuyện trên.