Đề xuất bỏ thi giáo viên giỏi do tồn tại bất cập, tiêu cực trong tổ chức thi ở một số nơi… của một giáo viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội mới đây đã khiến không ít giáo viên cảm thấy chạnh lòng.
Với họ, danh hiệu này không mang nhiều giá trị vật chất nhưng là một sự nỗ lực, say mê của những nhà giáo tâm huyết.
Thầy Hoàng Công Cường trong buổi dạy tại hội thi Giáo viên giỏi THPT cấp thành phố năm 2011-2012 tại Trung tâm GDTX Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội). Ảnh: N.H
“Sân chơi” của nhà giáo yêu nghề
Gần 15 năm dạy học, gắn bó tại Trung tâm GDTX quận Ba Đình (Hà Nội), bản thân cũng đã đạt danh hiệu Giáo viên giỏi (GVG) các cấp, đặc biệt là giải Nhất hội thi GVG cấp thành phố (năm học 2011-2012), thầy Hoàng Công Cường (giáo viên môn Sinh học) không khỏi thấy buồn, khi một danh hiệu của nhà giáo được mang ra “cân đong, đo đếm”, thậm chí bãi bỏ theo đề xuất của một tiến sĩ của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Thầy Cường chia sẻ, hội thi GVG các cấp đơn thuần cũng chỉ như thi tay nghề những ngành nghề khác trong xã hội. Hàng năm, các ngành, nghề đều có những hội thi, hội diễn để động viên, khích lệ và tôn vinh người lao động giỏi, có sáng kiến trong lao động, sản xuất. Đối với nghề giáo viên cũng vậy, đây thực chất là “sân chơi” của các nhà giáo, mục đích chính để động viên người giáo viên trong hoạt động dạy và học.
Để đạt được danh hiệu Giáo viên giỏi, theo thầy Cường, người giáo viên phải rất yêu nghề và tâm huyết, say mê chuyên môn. Cuộc thi cũng là cơ hội để các đồng nghiệp học hỏi lẫn nhau. Từ thực tiễn bản thân rút ra được, theo thầy Cường, có được danh hiệu không hề đơn giản. “Học trò của tôi ở Trung tâm GDTX đa phần có học lực yếu, một số em chưa ngoan về đạo đức, gia đình thiếu quan tâm… Nếu không mến yêu các trò, không bình tĩnh, mềm mỏng để cảm hóa, truyền thụ bài học thì không thể đứng trên bục giảng được và cũng chẳng còn tâm trí nào để mà đi thi GVG”, thầy Cường chia sẻ.
“Cần giữ lại thi GVG để những giáo viên tâm huyết yêu nghề còn có đất dụng võ và nếu đạt được danh hiệu GVG, họ được học sinh tin yêu kính trọng, đồng nghiệp mến mộ, uy tín nâng cao. Nếu chỉ vì vài tiêu cực mà bỏ thi GVG thì không nên, mà cái cần quan tâm là những người có trách nhiệm của ngành giáo dục phải nghiên cứu cải cách hình thức cũng như nội dung thi cho phù hợp, sát thực với thực tiễn. Cần loại bỏ tiêu cực chứ không phải loại bỏ việc thi GVG”, thầy Cường chia sẻ thêm.
Vất vả mới có danh hiệu
Nhiều năm là giáo viên, có hơn 10 năm làm Hiệu trưởng ở Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Long Biên, Hà Nội), NGƯT Đặng Đình Đại (hiện là Hiệu trưởng Trường THPT Wellspiring Mùa Xuân) cho rằng, thi GVG mỗi tỉnh, thành chọn một hình thức khác nhau nhưng đều hướng tới công bằng, tránh tiêu cực. Theo NGƯT Đặng Đình Đại: “Nhiều ý kiến cho rằng thi GVG nặng về “biểu diễn”, chưa phản ánh hết năng lực giáo viên, cần thay đổi. Nhưng thay đổi thế nào mới là cái khó”.
NGƯT Đặng Đình Đại chia sẻ thêm: “Để có được danh hiệu GVG, đặc biệt là ở cấp thành phố hết sức vất vả. Cá nhân tôi thấy đều hoàn toàn chính xác, không có chuyện thi qua loa, trao tặng tràn lan như nhiều người lầm tưởng. Một số nơi, truờng hợp chưa chính xác cũng chỉ ở cấp trường, cấp quận, huyện mà thôi. Thi GVG ở Hà Nội mỗi năm chỉ thi ở vài môn, quay vòng cho đến hết, kể cả môn “phụ”. Trước hết phải là cấp trường, lựa chọn trong tổ chuyên môn ra một người thi cấp quận, hay là thi cụm trường rồi lấy tiếp 1-2 người thi cấp thành phố. Hà Nội có cả trăm ngàn giáo viên, cũng chỉ số ít là được GVG cấp thành phố”.
Cũng theo NGƯT Đặng Đình Đại, nhà trường cũng rất tự hào khi có nhiều giáo viên giỏi, chắc chắn trường nào có nhiều GVG thì trường đó chất lượng dạy và học sẽ tốt hơn. Còn đối với giáo viên, tham dự thi GVG là khẳng định chuyên môn, năng lực, được trường, Sở GD&ĐT công nhận. Sau khi được công nhận GVG, người giáo viên phải chú ý giữ danh hiệu trước đồng nghiệp, trước học trò. Để tham gia thi, giáo viên rất vất vả để chuẩn bị bài giảng, mất thời gian để làm trình chiếu, đòi hỏi có sự trợ giúp nhiều từ đồng nghiệp, gia đình.
“Thi GVG là một hoạt động thực sự cần thiết đối với ngành giáo dục, danh hiệu là sự động viên đối với giáo viên, khích lệ phong trào học tập, học hỏi lẫn nhau để nâng cao chất lượng dạy học. Làm thế nào để kỳ thi nghiêm túc, mang đúng ý nghĩa của nó là điều cần thiết, song vì tiêu cực nào đó mà bỏ thi GVG là một ý kiến mang tính cực đoan. Bên cạnh đó, cũng cần phải nghiên cứu tới chính sách đãi ngộ đối với những người đạt danh hiệu GVG, nhất là ở cấp tỉnh, thành và toàn quốc”, NGƯT Đặng Đình Đại đánh giá.
Trên đây chỉ là ý kiến cá nhân của thầy Đặng Đình Đại và thầy Hoàng Công Cường. Báo Gia đình & Xã hội rất mong nhận được các ý kiến của những nhà giáo, những chuyên gia bàn thảo về vấn đề này.
Mới đây, trong một chia sẻ trên báo chí, PGS.TS Nguyễn Hữu Hợp (Khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội) đã nêu những quan điểm của mình về việc không ủng hộ cách tiến hành thi giáo viên giỏi hiện nay bởi nhiều lí do như: Giáo viên chưa sáng tạo, đánh giá qua một tiết dạy là thiếu khách quan, giáo viên dạy trước cho học sinh, cách làm này còn thiếu tính khoa học và thiếu tiết kiệm. Thậm chí, PGS.TS Nguyễn Văn Hợp đề xuất bỏ thi giáo viên giỏi và danh hiệu này. |