BHXH nên xem người lao động là đối tác và phải sòng phẳng, bình đẳng trong việc thực hiện trách nhiệm cũng như nghĩa vụ.
Bộ La động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) vừa hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật BHXH sửa đổi, trong đó đáng lưu ý có nội dung đề xuất: Nếu người lao động (NLĐ) chưa đến tuổi nghỉ hưu, sau 1 năm nghỉ việc không tham gia BHXH và đề nghị hưởng BHXH 1 lần thì mức hưởng cho mỗi năm đóng BHXH bằng 1 tháng tiền lương bình quân tính đóng BHXH. Đề xuất này của Bộ LĐ-TB-XH lập tức gây tranh cãi.
Phải có sự đồng thuận của người lao động
Theo khoản 2 điều 8 Nghị định 115/2015/NĐ-CP thì mức hưởng BHXH 1 lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau: 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014; 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi; trường hợp thời gian đóng BHXH chưa đủ 1 năm thì mức hưởng BHXH 1 lần được tính bằng 22% của các mức tiền lương tháng đã đóng BHXH, mức tối đa bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Bà Nguyễn Thị Thu Huệ - quản lý nhân sự một doanh nghiệp (DN) tại huyện Hóc Môn, TP HCM - chia sẻ: "Tôi 33 tuổi, đã tham gia BHXH được 12 năm. Nếu chính sách BHXH thay đổi theo đề xuất giảm 50% mức hưởng BHXH 1 lần thì tôi sẽ làm thủ tục hưởng BHXH. Bởi theo quy định hiện hành, lao động nữ tới 60 tuổi mới được nghỉ hưu, nếu tôi rút BHXH 1 lần rồi đóng tiếp thì vẫn đủ thời gian để hưởng lương hưu. Trong khi đó, nếu tôi nghỉ việc và không tiếp tục tham gia BHXH nữa thì 27 năm sau mới được rút BHXH 1 lần. Khi đó, số tiền nhận được không biết đủ mua mấy tô phở!".
Bà Huệ cho biết không riêng bà mà nhiều NLĐ hiện nay không đồng tình với việc chính sách BHXH liên tục thay đổi theo hướng siết quyền lợi NLĐ và NLĐ hoàn toàn bị động trước những thay đổi này. Theo bà Huệ, BHXH nên xem NLĐ là đối tác và phải sòng phẳng, bình đẳng trong việc thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ. Thời điểm NLĐ bắt đầu tham gia chính sách BHXH thế nào thì nên duy trì trong suốt cả quá trình. Mọi thay đổi phải được sự đồng thuận của NLĐ, tương tự như khi giao kết hợp đồng lao động. Nếu buộc phải thay đổi thì chỉ nên áp dụng với những người tham gia từ thời điểm chính sách mới có hiệu lực.
Tại dự thảo tờ trình về Luật BHXH (sửa đổi) đang được công bố lấy ý kiến, Bộ LĐ-TB-XH cho rằng nguyên nhân khiến số người hưởng BHXH 1 lần ngày càng tăng là do điều kiện hưởng BHXH 1 lần hiện nay khá dễ dàng, mức hưởng cao, trong khi số năm đóng để đủ điều kiện hưởng lương hưu quá dài (20 năm). Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Thanh Thắng, Đoàn Luật sư TP HCM, những lý do này chưa chỉ ra được yếu tố cốt lõi của vấn đề, đó chính là sự thiếu hấp dẫn của chính sách hưu trí, dẫn đến không thể giữ NLĐ ở lại hệ thống BHXH. "Qua tìm hiểu, tôi nhận thấy người nhận BHXH 1 lần đa phần là NLĐ làm việc trong khu vực ngoài nhà nước.
Luật BHXH năm 2014 quy định NLĐ có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian. Với mức đóng phổ biến mà các DN thực hiện hiện nay là mức lương cơ bản (bằng hoặc cao hơn không đáng kể so với mức lương tối thiểu vùng) thì khi về hưu, NLĐ nhận được mức lương hưu rất thấp.
Để được hưởng mức lương hưu khá hơn (tối đa 75%), NLĐ phải đóng BHXH lên đến 30 năm, điều này khó thực hiện vì tuổi nghề của NLĐ hiện nay ngày càng bị DN rút ngắn, nhiều lao động mới hơn 35 tuổi đã lâm vào cảnh thất nghiệp. Trong khi đó, nếu lựa chọn tham gia BHXH tự nguyện tiếp thì tỉ lệ đóng hiện nay còn khá cao (22%) cũng khiến NLĐ lực bất tòng tâm" - luật sư Nguyễn Thanh Thắng phân tích thêm.
Nếu vì mất việc, không xin được việc làm mới hoặc quá khó khăn mà NLĐ muốn rút BHXH hưởng 1 lần thì cần tôn trọng quyết định đó của họ. Ảnh: AN KHÁNH
Ráo mồ hôi là hết tiền
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết việc điều chỉnh các quy định, hạn chế tình trạng rút BHXH 1 lần được xem là cần thiết, giữ vững vai trò của BHXH trong bảo đảm an sinh xã hội về lâu dài. Tuy nhiên, từng điều chỉnh cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng, bảo đảm quyền lợi để giữ chân NLĐ ở lại hệ thống. "Tôi rất băn khoăn về đề xuất cắt giảm tỉ lệ 50% mức hưởng so với quy định hiện nay nếu NLĐ rút BHXH 1 lần. Đây là đề xuất chưa có bước đi và lộ trình thích hợp. Trong thời gian này, những chính sách tạo ra cú sốc như thế có thể tạo làn sóng NLĐ phải chạy chính sách, như vậy sẽ không bảo đảm được an sinh xã hội" - ông Quảng nói.
Cũng theo ông Quảng, việc siết chặt các quy định hưởng BHXH 1 lần cần phải được cân nhắc kỹ và tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp. Quan trọng nhất là phải thu hẹp được khoảng cách về thu nhập giữa các nhóm lao động. Giải pháp căn cơ nhất là làm sao để NLĐ thu nhập đủ sống và tích lũy thì khi họ buộc phải dừng công việc sẽ có tiền duy trì cuộc sống, lúc đó sẽ giảm tình trạng rút BHXH 1 lần như hiện nay. Ông Quảng cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc NLĐ chọn hưởng BHXH 1 lần. Trước tiên, phải kể đến điều kiện thu nhập, đời sống của NLĐ hiện nay còn quá khó khăn. Qua điều tra, khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam về tiền lương, thu nhập của NLĐ hằng năm cho thấy hầu hết NLĐ có thu nhập vừa đủ hoặc phải hết sức tằn tiện, làm thêm giờ mới có thể đủ trang trải cuộc sống, "ráo mồ hôi là hết tiền" (chỉ khoảng trên 15% NLĐ làm việc có tích lũy). Cuộc sống quá khó khăn, nên khi phải nghỉ việc, hầu hết NLĐ lựa chọn hưởng BHXH 1 lần để có một khoản tiền lo cho sinh hoạt trước mắt. Đây là sự lựa chọn mà không phải NLĐ nào cũng mong muốn. Trong lúc đó, tình trạng nhiều DN tìm cách "thải loại" công nhân trên 35 tuổi để giảm thiểu chi phí, khiến nhiều NLĐ trong hoàn cảnh này khó tìm việc ở khu vực có quan hệ lao động.
Bà Trần Thúy Nga, nguyên Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB-XH), cho rằng sửa Luật BHXH là cần thiết, song một số đề xuất còn chưa dựa trên nguyên tắc khi xây dựng Luật BHXH. BHXH xây dựng trên nguyên tắc đóng - hưởng. Có đóng có hưởng. Đóng ít hưởng ít, đóng nhiều hưởng nhiều, không đóng không hưởng. Nếu dựa trên những căn cứ, nguyên tắc đó thì không thể đề xuất giảm tiền hưởng BHXH 1 lần của NLĐ như trên. Nếu vì mất việc, không xin được việc làm mới hoặc quá khó khăn mà họ muốn rút BHXH 1 lần thì cần tôn trọng quyết định đó. Mức hưởng cần tính toán phù hợp, cân bằng tránh NLĐ phản ứng" - bà Nga nêu.
Không phải giải pháp triệt để Bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động và Xã hội, cũng cho rằng đề xuất giảm 50% mức hưởng nếu rút BHXH 1 lần, không phải là giải pháp triệt để điều chỉnh hành vi rút BHXH 1 lần của NLĐ, đồng thời cũng không giải quyết được tình trạng NLĐ ra khỏi hệ thống BHXH. "Một khi NLĐ muốn rút BHXH thì dù ít hay nhiều họ vẫn rút. Theo tôi, giải pháp điều chỉnh có thể là thay vì cho họ rút thì cho họ vay dựa trên khoản tiền NLĐ và DN đã đóng vào quỹ BHXH. Nếu cho rút thì chỉ được rút một phần tiền NLĐ đã đóng, số còn lại cần giữ để lo cho tương lai về già của họ" - bà Hương góp ý. |