Theo chuyên gia, hiện nay Việt Nam có 11 ngày nghỉ, so với thế giới là thấp. Các nước Đông Nam Á hơn chúng ta bình quân khoảng 5 - 6 ngày nghỉ. Do vậy, tính toán tăng số ngày nghỉ lễ trong năm là hợp lý.
Đề xuất tăng thêm 2 ngày nghỉ dịp lễ Quốc khánh 2/9
Mới đây, cử tri các tỉnh Bắc Kạn, Hải Dương, Quảng Nam, Khánh Hòa và Bình Thuận lại tiếp tục đề xuất thêm ngày nghỉ lễ trong năm. Theo đó, cử tri đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm 2 ngày nghỉ lễ dịp Quốc khánh 2/9 (nghỉ từ ngày 2/9 đến ngày 5/9) để tạo cơ hội cho công nhân được đưa con đến trường trong ngày khai giảng.
Nhiều ý kiến cử tri là đoàn viên, người lao động đồng tình với đề xuất tăng thêm 2 ngày nghỉ dịp Quốc khánh (từ ngày 2 đến 5/9 hàng năm) vì số ngày nghỉ chính thức trong năm còn ít và để công nhân có cơ hội được đưa con tới trường dự lễ khai giảng. Cử tri cũng đề nghị xem xét trình Quốc hội sửa đổi Bộ luật Lao động theo hướng bổ sung thêm 1 ngày người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương là ngày 5/9 hằng năm.
Số ngày nghỉ lễ ở Việt Nam đang ít hơn các nước trong khu vực.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan đánh giá tác động kinh tế - xã hội và nghiên cứu, tham mưu trong quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đề xuất mở rộng kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh từ 2/9 đến 5/9, để tạo điều kiện cho công nhân đưa con đi học vào ngày khai giảng – một mong mỏi thiết tha của nhiều gia đình công nhân.
Hiện Việt Nam có 11 ngày nghỉ lễ chính thức gồm Tết Dương lịch (1 ngày), Tết Nguyên đán (5 ngày), Giỗ tổ Hùng Vương (1 ngày), ngày Chiến thắng và Quốc tế lao động (2 ngày), Quốc khánh (2 ngày). Số ngày nghỉ này thấp hơn bình quân chung của khu vực Đông Nam Á và thế giới khoảng 5-6 ngày.
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn chủ tịch, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, hiện nay Việt Nam có 11 ngày nghỉ, so với thế giới là thấp. Các nước Đông Nam Á hơn chúng ta bình quân khoảng 5 - 6 ngày nghỉ. Do vậy, việc tăng thêm 2 ngày nghỉ theo đề xuất của một số cử tri là hợp lý. Ngày nghỉ tăng lên không có nghĩa là năng suất xã hội giảm đi vì kỳ nghỉ dài thì nâng cao đời sống tinh thần, tăng phúc lợi của người lao động, kích cầu du lịch… Khi người lao động có thêm sức khỏe, tinh thần thoải mái thì mới thúc đẩy được năng suất lao động.
Việc tăng thêm 2 ngày nghỉ vào dịp Quốc khánh, gần với năm học mới, các bố mẹ có điều kiện đưa con đến trường khai giảng cũng khá hợp lý. Tuy nhiên, Bộ Lao động, thương binh và xã hội cần phải đánh giá tác động, lắng nghe ý kiến của nhân dân, đặc biệt là của doanh nghiệp, bởi tăng ngày nghỉ lễ doanh nghiệp vẫn phải trả lương cho người lao động.
Ông Lê Đình Quảng, phó trưởng ban chính sách - pháp luật, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, bày tỏ đồng tình với mong muốn của công nhân lao động về tăng ngày nghỉ lễ. Trước đó, khi tham gia ý kiến sửa đổi Bộ luật Lao động, tổ chức Công đoàn đề xuất tăng thêm ngày nghỉ lễ, ví dụ dịp Quốc khánh. Chẳng hạn, Trung Quốc cho nghỉ Quốc khánh 3 ngày, Việt Nam có thể cân nhắc nghỉ thêm, vượt đến ngày 5/9, tức ngày toàn dân đưa trẻ đến trường.
Tuy nhiên, ông Quảng cho rằng, Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021 đã nâng số ngày nghỉ lễ Tết từ 10 ngày lên 11, đảm bảo cân đối ngày nghỉ hằng tuần và ngày nghỉ lễ. Tuy ngày nghỉ lễ Tết của chúng ta thấp so với khu vực, song việc nâng số ngày nghỉ cần được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, phụ thuộc vào điều kiện kinh tế - chính trị - xã hội.
Quy định nào có lợi cho người lao động thì nên làm
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho biết, mỗi quốc gia thường có những ngày nghỉ trong năm để ăn mừng những sự kiện văn hóa, tôn giáo hay chính trị quan trọng. Những ngày lễ đặc biệt, người lao động không phải đi làm mà vẫn được hưởng lương, được gọi là ngày nghỉ lễ. Những ngày nghỉ lễ thường được quy định trong luật lao động của mỗi nước.
So với nhiều nước trên thế giới, 11 ngày nghỉ lễ của Việt Nam không phải là quá nhiều. Những quốc gia có số ngày nghỉ lễ trong năm cao hơn như Ấn Độ nghỉ 21 ngày; Trung Quốc nghỉ 17 ngày; Thổ Nhĩ Kỳ nghỉ 16 ngày; Thụy Điển nghỉ 15 ngày;… So với những nước trong khu vực, Việt Nam cũng có ngày nghỉ lễ ít hơn khi Campuchia nghỉ tới 27 ngày; Philippines nghỉ 18 ngày, Thái Lan nghỉ 16 ngày, Malaysia và Nhật Bản nghỉ 15 ngày, Lào nghỉ 12 ngày...
Thực tế cho thấy, hiện người lao động, đặc biệt là lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, những công nhân lao động thủ công, thường xuyên phải làm việc với cường độ cao, rất vất vả, có khi phải làm cả ca ba do vậy hơn ai hết họ rất cần được nghỉ ngơi để có sức khỏe lao động.
Đề xuất bổ sung thêm ngày nghỉ lễ, bà Hương cho rằng dịp 27/7 khắp nơi trong cả nước vẫn tổ chức các hoạt động thăm viếng nghĩa trang, liệt sỹ, tri ân tặng quà người có công. Ở Việt Nam có hàng triệu gia đình có người thân hy sinh trong các cuộc kháng chiến. Các nghĩa trang ở Việt Nam rất nhiều, nếu không được nghỉ, thân nhân liệt sỹ vẫn nghỉ phép để đi thăm viếng nghĩa trang... sẽ là một ngày nghỉ có nhiều ý nghĩa.
Ngoài ra, hiện Luật Lao động của nước ta cũng đang hướng tới mục tiêu giúp người lao động có chất lượng sống cao hơn, mà một trong số các tiêu chí là thời gian nghỉ dưỡng của công chức, viên chức, người lao động nhiều hơn. Do vậy quy định nào khiến người lao động được hưởng lợi nhiều hơn thì cũng là điều nên làm.
"Ngày nghỉ dài, gia đình cha mẹ, con cái có dịp để quây quần bên nhau trong kỳ nghỉ dài, tạo ra sự gắn kết, trẻ em được vui chơi trước khi bước vào năm học mới đầy vất vả là điều hợp lý, nên nghiên cứu tính toán", ông Nguyễn Túc nói.