Lời giải thích của người phụ nữ này đã khiến các chuyên gia cúi mặt xấu hổ vì lời nhận định sai của mình.
Trong những năm qua, rất nhiều chương trình thẩm định đồ cổ đã nổi lên tại Trung Quốc nhằm đáp ứng nhu cầu và sự hiếu kỳ lớn về thị trường đồ cổ của nước này. Trong những chương trình đó, người không thể thiếu là các chuyên gia có chuyên môn, kiến thức và tầm hiểu biết sâu rộng về các loại cổ vật, bảo vật liên quan đến lịch sử, văn hóa. Tuy nhiên, không phải bất cứ lời nhận định nào của chuyên gia cũng là chính xác 100% và câu chuyện dưới đây là một minh chứng.
Vài năm trước, một người phụ nữ trung niên họ Ngô với khí chất lịch sự và tao nhã đã xuất hiện trên chương trình thẩm định bảo vật. Bà Ngô cho biết mình đến từ tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, là một giáo viên dạy hội họa truyền thống Trung Quốc. Trước đây, bà từng giảng dạy tại một trường đại học ở thành phố Chicago, thuộc bang Illinois, Mỹ, còn bây giờ đã nghỉ hưu. Hôm nay, bà Ngô mang đến một bức tranh cổ, muốn nhờ các chuyên gia thẩm định.
Khi nghe đến lai lịch của bà Ngô, các chuyên gia hết sức ngạc nhiên và có phần ngưỡng mộ. Họ cho rằng một người có tri thức về hội họa như bà Ngô thì chắc chắn món đồ bà mang đến cũng không tầm thường, rất có thể là đồ cổ hiếm có.
Sau đó, bà Ngô bắt đầu giới thiệu về bức tranh cổ mà mình mang đến. Bà tuyên bố rằng đây là bức tranh mang tên "Tam Dương Khai Đài" của Ngô Hoàn Chương, một nhà thư pháp và họa sĩ nổi tiếng trong lịch sử.
Các chuyên gia bắt đầu mở bức tranh ra xem thì thấy đây là một bức tranh cảnh vật khá sống động, cuốn hút. Nó vẽ một người nông dân ăn mặc giản dị, phía xa xa là 3 con cừu đang thong thả gặm cỏ trên sườn đồi, tuy nhiên ánh mắt của người nông dân lại không hướng về 3 con cừu của mình mà nhìn xa xăm về một ngôi trường. Chuyên gia cho biết nét vẽ này đúng là rất giống tranh của Ngô Hoàn Chương. Tuy nhiên, khi nhìn thấy những dòng chữ viết bên dưới bức tranh, chuyên gia lại có suy nghĩ khác. Chuyên gia cho rằng tranh của Ngô Hoàn Chương thường không có chữ bên dưới như vậy, do đó đây rất có thể chỉ là hàng giả.
Nghe thấy vậy, bà Ngô không hề tỏ ra bất ngờ mà chỉ cười nhẹ, sau đó hỏi chuyên gia: "Bạn có biết bố tôi là ai không?". Sau đó, bà Ngô đã tiết lộ danh tính của mình, khiến tất cả mọi người không khỏi choáng váng.
Hóa ra, người phụ nữ này tên đầy đủ là Ngô Tuyết Cần, còn Ngô Hoàn Chương chính là bố của bà. Để khiến mọi người thêm phần tin tưởng, bà Ngô Tuyết Cần đã lấy ra giấy chứng nhận tốt nghiệp của họa sĩ Ngô Hoàn Chương tại Học viện Mỹ thuật Trung ương. Bà Ngô Tuyết Cần cho biết thêm rằng đúng là phong cách vẽ tranh của bố mình sẽ không có dòng chữ ở dưới. Những chữ này là do ông Phan Yết Chi, một người bạn của Ngô Hoàn Chương viết lên. Ông Phan Yết Chi cũng là một bậc thầy thư pháp rất nổi tiếng.
Bà Ngô Tuyết Cần nói thêm rằng bà không có ý định mua bán bức tranh của bố mình mà dự định sẽ tặng nó cho bảo tàng để quảng bá hội họa truyền thống Trung Quốc, đồng thời giúp mọi người biết thêm về người bố mà bà rất tự hào.
Nghe điều này, các chuyên gia cũng phải cúi đầu xấu hổ, cuối cùng nhận định bức tranh này là hàng thật.