Điều gì xảy ra khi cách ly thành phố hàng triệu dân trong thời gian dài vì nCoV?

Ngày 12/02/2020 00:08 AM (GMT+7)

Trung Quốc được cho là đang thực hiện những biện pháp quyết liệt tại thành phố Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc, để ngăn virus Corona lây lan thêm ra bên ngoài. Tuy nhiên, việc cách ly cũng dẫn đến những hệ quả không dễ giải quyết.

Theo SCMP, số người nhiễm virus Corona và con số tử vong vẫn tăng đều hàng ngày ở Vũ Hán và cả tỉnh Hồ Bắc. Ngày càng nhiều người bị ốm nhưng một phần trong số họ không nhận được sự chăm sóc y tế và điều trị cần thiết vì các bệnh viện quá tải.

Hồ Bắc là tỉnh miền trung Trung Quốc có khoảng 60 triệu người sinh sống và là vung tâm dịch.

 Đường phố Hồ Bắc vắng vẻ kể từ khi bị phong tỏa hôm 23.1.

Đường phố Hồ Bắc vắng vẻ kể từ khi bị phong tỏa hôm 23.1.

Nhà kinh tế độc lập Hu Xingdou hồi tuần này đã gửi thư ngỏ đề nghị chấm dứt phong tỏa. “Cần phải chấm dứt phong tỏa càng sớm càng tốt”, ông Hu nói. “Chúng ta cần mở cửa các thành phố ở Hồ Bắc để hàng cứu trợ y tế có thể tiếp cận đến người bệnh”.

Cư dân ở Vũ Hán, Hoàng Cương và Hiếu Cảm nói các bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải. Nhiều người phải chờ đợi nhiều ngày mới gặp được bác sĩ. Họ còn phải đợi kiểm tra virus Corona và sau đó chờ đợi kết quả. Nếu dương tính với virus, người bệnh tiếp tục phải đợi đến khi có giường bệnh.

Fan Weihua, 41 tuổi, cư dân Vũ Hán, nói cô không còn đọc tin tức cập nhật hàng ngày về tình hình dịch bệnh. “Tôi không còn dám nhìn vào những con số. Tôi nghĩ cách ly sẽ giúp tình hình sớm tốt hơn, nhưng dường như không phải vậy”, Fan nói. “Những ngày qua tôi chỉ nằm trên giường và cố gắng không nghĩ về những điều tồi tệ”.

Fan hiện đang sống nhờ các thùng mì ăn liền mà cô dự trữ được từ hai tuần trước. Fan không muốn rời nhà đi mua thêm thực phẩm vì cả nhà chỉ còn 2 khẩu trang chưa dùng đến và ở ngoài đường không còn ai bán khẩu trang.

Ông Hu cho rằng, người Trung Quốc sẵn sàng hi sinh vì đất nước, nhưng cần giải quyết vấn đề hàng triệu người thiếu thốn vì sự thiếu chuẩn bị chống dịch.

Theo các chuyên gia, chỉ khi nào không có thêm trường hợp lây nhiễm mới ở Vũ Hán thì dịch bệnh mới thực sự chấm dứt và lệnh phong tỏa khi đó mới được dỡ bỏ.

Năm 2018, một khuyến nghị của WHO từng nói rằng “nhiều phương pháp phòng chống dịch truyền thống đã không còn hiệu quả, trong đó nhắc đến biện pháp phong tỏa, vì số dân ngày nay là quá lớn”.

Phong tỏa là biện pháp chính áp dụng trong đại dịch càn quét châu Âu thời Trung Cổ và vẫn tiếp tục được áp dụng cho đến đầu thế kỷ 20.

Tuy nhiên, về việc áp dụng biện pháp này cho dịch Corona, giới chuyên gia cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Nicholas Evans, một chuyên gia về y khoa tại Đại học Massachusetts Lowell, nói việc cách ly hàng triệu người trong một thời gian dài là phản ứng thái quá, không hiệu quả trong khi số ca lây nhiễm vẫn tiếp tục tăng.

Evans nhắc đến việc chỉ nên áp dụng cách ly ở quy mô nhỏ và trong khoảng thời gian giới hạn. Các nghiên cứu chỉ ra rằng cách ly người thân và bạn bè của người nhiễm virus Corona là đủ để ngăn bệnh dịch lây lan.

Evans nhắc đến hạn chế của cách ly kéo dài là khiến cho người bị cách ly cảm thấy căng thẳng, sợ bệnh viện, y tế và sau này không muốn chữa bệnh.

Trong khi đó, Alberto Giubilini, chuyên gia tại Đại học Oxford cho rằng, phong tỏa là cần thiết vì con người cho đến nay chưa rõ virus Corona nguy hiểm đến mức nào, dù biện pháp này có thể không phải là hữu hiệu nhất.

Người phụ nữ bỏ trốn khỏi khu cách ly nCoV: Em còn một đống hàng, chưa về được ngay đâu
Tối ngày 11/2, Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết, người phụ nữ trốn khỏi khu vực cách ly hiện đã quay lại Trung Quốc, người này cho biết quay lại vì nhớ...
Theo Đăng Nguyễn
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19