Gần 40 năm qua, căn nhà xiêu vẹo được bao bọc bởi lùm cây kín mít giữa cánh đồng hoang là nơi sinh sống của ông Lê Viết Đức (xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An). Cuộc sống của ông tách biệt với thế giới bên ngoài, không điện, không nước sinh hoạt, không tin tức, chẳng khác gì “người rừng”.
Gần 40 năm qua, căn nhà xiêu vẹo được bao bọc bởi lùm cây kín mít giữa cánh đồng hoang là nơi sinh sống của ông Lê Viết Đức (xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An). Cuộc sống của ông tách biệt với thế giới bên ngoài, không điện, không nước sinh hoạt, không tin tức, chẳng khác gì “người rừng”. Đã nhiều lần, chính quyền địa phương vận động đưa vào làng sinh sống nhưng ông cương quyết từ chối. Nguyên nhân gì khiến người đàn ông nhất định sống biệt lập với thế giới bên ngoài như vậy?
Bà Quy bên “người rừng” hơn 40 năm sống tách biệt với thế giới bên ngoài
Biến cố cuộc đời
Cách đường tránh TP. Vinh chừng 100m có một lùm cây rậm rạp, cũng là nơi trú ngụ của vợ chồng ông Lê Viết Đức và bà Trần Thị Quy (57 tuổi) suốt hơn 40 năm qua. Để vào được ngôi nhà đặc biệt đó chỉ có cách duy nhất là đi bộ men theo bờ ruộng. Trời mưa phùn mấy ngày liền khiến cho con đường độc đạo ấy thêm lầy lội, trươn trượt nên phải khó khăn lắm, chúng tôi mới tới được ngôi nhà đặc biệt ấy. Chỉ khi giáp mặt, ngôi nhà hoang vắng, lạnh lẽo mới lộ diện giữa rặng tre dày kín.
Căn nhà được lợp bằng những tấm pờ-rô xi măng, bốn phía được che chắn bằng những tấm phên tre cũ kỹ. Nếu không có lùm tre che chắn bên ngoài, có lẽ chỉ cần một cơn gió thổi đến, căn nhà có thể đổ bất cứ lúc nào. Trong căn nhà ẩm thấp ấy lỉnh kỉnh hàng trăm vật dụng nhưng không có vật gì đáng giá. Có lẽ, tài sản lớn nhất là mấy cái nồi nấu cơm méo mó và bộ bàn ghế nhựa cũ kỹ. Hôm chúng tôi đến, bà Quy đang ra mép sông gần đó giặt chăn màn. Dòng nước đục ngầu do đàn vịt đang bơi lội gần đó là nguồn nước sinh hoạt duy nhất của gia đình này. Thấy có khách đến nhà, người phụ nữ gầy gò với gương mặt khắc khổ liền phân trần: “Trước kia con sông này nước trong, vợ chồng tôi còn múc vào để uống, nhưng giờ thì đục ngầu, ô nhiễm lắm. Không giấu gì các cô, đây là nguồn nước sinh hoạt duy nhất của nhà tôi đấy”. Nói đoạn, bà nhanh tay giũ chiếc chăn dày cộm dưới làn nước đục ngầu…
Dù thời điểm chúng tôi ghé thăm là vào ban ngày nhưng vì không có điện nên căn nhà tối om, bà Quy cúi lom khom chạy đi thắp hai cây nến to xin được từ đền ông Hoàng Mười cách đó chừng 1 cây số để tiếp đón khách. Trong không gian ẩm thấp ấy thi thoảng xuất hiện những con chuột cống to bằng bắp chân ung dung chạy khắp nhà. Bà Quy xùy một tiếng thật lớn để đuổi chuột rồi nói: “Chuột ở đây thì nhiều vô kể. Giữa cánh đồng hoang vắng, tự nhiên có lùm cây um tùm mọc lên rồi có ngôi nhà, chuột không vào mới lạ. Lúc mới ra đây sống cùng ông ấy, tối đến tôi không dám chợp mắt vì chuột trèo cả lên giường, bò khắp người. Nhưng giờ thì quen rồi”. Nói đoạn, bà đưa tay phủi phủi mấy cục phân chuột to bằng đầu ngón tay út đã khô khỏi chiếc ghế nhựa cũ để mời khách ngồi. Dưới ánh nến chập chờn, bà bắt đầu kể về cuộc sống khổ cực, có phần khác người của vợ chồng mình. Theo lời người phụ nữ này, bản thân bà sống tại nơi hoang vắng, biệt lập này chừng được 20 năm, còn người chồng năm nay đã qua tuổi 80 của bà thì sinh sống ở đây đã hơn 40 năm. Hàng ngày để mưu sinh, bà sang đền Hoàng Mười “xin lộc” (ăn xin) người đi thắp hương. “Hôm thì được 10 nghìn, hôm thì 30 nghìn. Có tiền thì có tiêu, không thì hai vợ chồng nhịn đói. Các cô thấy đấy, ông ấy già cả, hom hem có làm được việc gì nữa đâu. Suốt ngày cứ nằm trên giường, đói thì dậy ăn, có khi nằm ngủ suốt ngày”. Nói đoạn, bà lớn tiếng gọi ông Đức đang nằm co ro trên giường dậy.
Một lát sau, người đàn ông gầy gò mới khó nhọc ngồi dậy. Đưa bàn tay phải với những ngón tay co quắp lại, móng tay dài về phía chúng tôi, ông nói: “Khổ lắm các cô ơi, đã già yếu rồi còn bị ngã gãy tay nên giờ tôi không làm được việc gì cả. Cứ trái gió, trở trời là chân tay lại đau ê ẩm. Cũng may có bà ấy lo cơm nước, chứ không tui cũng chết đói ở đây rồi”. Mấy năm trở lại đây do sức khỏe yếu, ông Đức chủ yếu sinh hoạt trên chiếc giường. Mỗi ngày, ông chỉ bước chân xuống đất vài lần để đi vệ sinh cá nhân, còn lại nằm co ro trên giường, không hề bận tâm thế giới bên ngoài.
Khi chúng tôi đề cập đến lý do ông sống biệt lập với mọi người, ông cười trừ rồi nói: “Sống trong làng bức bối quá nên chị em tôi di cư ra đây sống thôi. Dần thành quen rồi, không muốn đi đâu nữa cả”. Lý do này xem ra không thuyết phục bởi không ai tự nhiện lại chọn cách sống kỳ dị như vậy. Về điều này, bà Quy nói riêng với chúng tôi: “Nghe đâu lúc xưa, ông ấy yêu say đắm cô gái nào đó nhưng bị khước từ tình cảm nên sinh ra bất mãn, tính cách cũng thay đổi”. Nhưng cũng có người nói rằng, do một biến cố lớn trong gia đình nên chị em ông Đức mới sống biệt lập như vậy. Tuy nhiên cho đến nay, bà Quy vẫn tin chồng vì buồn tình nên sinh phẫn uất nhiều hơn. Bản thân bà Quy từ khi về làm vợ ông cũng không muốn khơi lại vết đau quá khứ ấy nữa.
Nhớ lại những ngày mới sống cuộc sống “nguyên thủy”, ông Đức cho biết: “Thời xưa chưa có đường tránh TP. Vinh tấp nập như thế này, dân cư thì thưa thớt. Thấy giữa cánh đồng mênh mông lại có gò đất nổi lên, chị em tôi tìm khúc gỗ, bao bạt để dựng lên túp lều trú mưa, tránh nắng. Sống được một thời gian, chị tôi qua đời. Tôi tiếp tục sống tại đây cho đến bây giờ”. Hỏi về cuộc sống lúc đầu mới đến với hiện tại, ông trả lời: “Cũng vậy thôi, không có chi thay đổi nhiều. Lúc xưa không điện, không nước, bây giờ cũng thế. Chỉ có cái khác là căn nhà vững chắc hơn nhờ có mấy phiến gỗ nhặt được ở sông Lam sau những trận lũ và có thêm bà ấy cùng đứa con sống cùng thôi”.
“Tôi mắc lừa ông ấy”
Không thừa nhận lựa chọn cuộc sống kỳ dị vì thất tình nhưng ông Đức cũng không ngần ngại nói về con đường tình duyên trắc trở của mình. Ông cho biết trước khi ra đây sống, ông có yêu một cô gái làng bên nhưng khi tỏ tình thì bị từ chối. Việc đó khiến ông rất buồn. Từ khi sống biệt lập tại gò đất này, ông cũng đã 3 lần đi hỏi vợ nhưng đều bị người ta thẳng thừng từ chối. Nguyên nhân cũng chỉ vì ông sống ở một nơi quá tồi tàn, nếu không muốn nói là không phải dành cho con người. Thời điểm đó vì còn chị gái nên sau 3 lần bị từ chối, ông Đức không suy nghĩ đến chuyện hỏi vợ nữa. Tuy nhiên sau khi chị qua đời, cuộc sống cô đơn lại khiến ông khao khát có một người phụ nữ để bầu bạn.
Khoảng năm 1994 khi nghe tin ở xã Hưng Thịnh có cô gái quá lứa lỡ thì đang có ý lấy chồng, ông quyết định lần mò sang hỏi vợ. Cô gái đó chính là bà Trần Thị Quy. Sau vài lần gặp mặt, cả hai quyết định nên duyên vợ chồng. Nói là vợ chồng nhưng ông bà chưa hề có giấy đăng ký kết hôn. Nhớ lại cái ngày trọng đại nhất của đời con gái, bà Quy cho hay: “Nói đám cưới cho oai thôi, chứ nào có gì đáng kể. Chỉ là vài mâm cơm do nhà ngoại tổ chức để ra mắt hai bên. Mà lúc đó, phía bên họ hàng ông ấy cũng có ai đâu. Rước dâu thì đi bộ đoạn đường dài, khi gần đến nhà phải đi thuyền vì bốn bề đều là nước. Nhìn cảnh tượng đó, tôi ngao ngán vô cùng”.
Khi được hỏi lý do tại sao lại đồng ý lấy một người đàn ông nhiều tuổi (lúc đó ông Đức đã hơn 60 tuổi - PV) lại có cuộc sống lập dị như vậy, bà Quy liền cười to. Bà nói: “Tôi bị ông ấy lừa. Trước khi lấy, ông hứa sau khi lấy về sẽ về làng sinh sống. Ai ngờ 1 tháng rồi cả năm trôi qua, ông vẫn không chịu từ bỏ nơi này. Ông nói ở đây quen rồi, không muốn sống nơi khác nữa, với lại về làng thì phải có tiền, mà không có tiền thì đành chịu. Không còn cách nào khác, tôi đành chấp nhận sống với chồng tại nơi hẻo lánh này. Cũng từ khi lấy ông ấy, tôi gần như cắt đứt với cuộc sống bên ngoài, ít liên lạc với cha mẹ, anh em họ hàng vì con đường đi lại rất khó khăn. Nhiều người thấy tôi lấy người đàn ông quoái gỡ làm chồng liền liền bàn tán, nói tôi vì tiền. Nhưng có phải đâu, tiền bạc ông ấy không có một xu. Suốt ngày nằm ru rú trong nhà thì lấy đâu ra tiền. Đã nhiều lần, tôi định cuốn gói ra đi vì quá chán nản cuộc sống thiếu thốn như thời nguyên thủy nhưng nghĩ lại tình nghĩa vợ chồng lại không nỡ”.
Vậy là trong căn nhà ẩm thấp, tối om, thiếu thốn mọi bề đó, đôi vợ chồng ấy nương tựa vào nhau mà sống. Có lẽ niềm vui lớn nhất của họ là khi đứa con cất tiếng khóc chào đời. Năm 1997, sau mấy năm mong mỏi, bà Quy đã sinh cho ông Đức một con gái xinh xắn. Lần ấy vì sức khỏe yếu, mẹ con bà Quy được họ hàng bên ngoại đưa về làng để tiện bề chăm sóc. Tuy vậy, ông Đức vẫn nhất quyết không về sống cùng vợ con. Canh chừng khi con đầy tháng, ông âm thầm tìm đến nhà ngoại bế chạy một mạch về nhà. Sau gần một ngày trời tìm kiếm, bà Quy mới nghĩ ra rằng chồng đã mang con về. Trước sự cương quyết của ông Đức, bà đành chấp nhận gói gém đồ đạc tiếp tục ra nơi hoang vu sống.
Bà Quy tâm sự đến bây giờ, bà vẫn nhớ như in những khó khăn mà gia đình nhỏ của mình phải trải qua. Đó là những lần hạn hán, ruộng đồng khô nẻ, bà phải cuốc bộ hơn 2 cây số vào nhà dân xin từng bát nước; là những năm mưa bão, căn nhà bị ngập sâu trong biển nước, cả gia đình phải leo lên nóc nhà đợi nước rút; là những đêm mùa hè nóng bức, mọi người thay phiên nhau quạt đến mỏi nhừ tay; là từng cơn gió mùa thổi về, cả nhà tránh lạnh bằng những chiếc chăn mỏng được bà nhặt về giặt sơ lại để dùng… Nhưng điều khiến bà trăn trở nhất là cô con gái Lê Thị Xuân Xinh. Suốt 9 năm đi học, em ít khi dẫn bạn về chơi vì gia cảnh mình quá nghèo. Sau khi hết cấp 2, Xinh đành phải nghỉ học vì không có tiền.
Sau đó, em vào TP. Vinh bán hàng thuê cho người ta, cuối tuần đạp xe về thăm nhà một lần, cũng là cung cấp thức ăn cho bố mẹ. Bà Quy cho biết suốt 3 năm làm việc ở thành phố, con gái cũng chưa bao giờ dẫn một người bạn nào về thăm gia đình vì sợ bị cười chê. “Cách đây không lâu, nó nói với tôi: “Mẹ muốn con lấy chồng thì chuyển vào làng sống đi chứ ở ngoài này có ma nào dám lấy con đâu”. Thương con nhưng một mình tôi không thể giải quyết được vì tất cả phụ thuộc vào ông ấy”. Tuy nhiên cho đến thời điểm này, ông Đức vẫn cương quyết không chịu rời khỏi bụi cây rậm rạp và căn nhà biệt lập này.
“Ông ấy ở đâu tôi ở đó”
Sống biệt lập với mọi người nên cuộc sống của gia đình ông Đức rất khó khăn. Năm vừa rồi, bà Quy có nuôi được đàn gà 5 con để cải thiện cuộc sống nhưng bị kẻ trộm bắt đi lúc nào không hay. Rồi hơn 200 nghìn con gái gửi về cũng bị kẻ trộm lấy sạch. Hiện, nguồn sống duy nhất của ông bà là sự thương xót của những người đi đền. Nói về mong ước của mình, bà Quy tâm sự: “Giờ tôi cũng nhiều tuổi rồi, con gái cũng đã lớn, được về làng sống là điều không còn gì bằng. Nhưng khổ nỗi, ông nhà tôi không đồng ý thì cũng chịu. “Thuyền theo lái, gái theo chồng”, thôi thì ông ấy ở đâu tôi ở đó. Đợi đến sau này rồi tính tiếp…”.
Chính quyền bó tay với người đàn ông luôn ám ảnh bị đầu độc Về trường hợp của gia đình ông Đức, bà Trịnh Thị Vân (Trưởng xóm 8, xã Hưng Lợi) cho hay: “Gia đình ông Lê Viết Đức sống trên đất thuộc quyền quản lý của xóm đã nhiều năm nay. Nhưng về mặt pháp lý, vợ chồng họ không phải là công dân do địa phương quản lý. Nguyên nhân là nhiều năm nay, họ không có hộ khẩu cũng chẳng đăng ký tạm trú tạm vắng. Cuộc sống của vợ chồng ông ấy, nói thật lòng, chẳng khác nào “người rừng” giữa xã hội hiện đại”. Bà Vân cũng cho biết thêm: “Nhiều năm qua, chúng tôi không ít lần đến động viên, thăm hỏi để tìm cách giúp đỡ. Nhưng vừa thấy bóng dáng đoàn cán bộ địa phương, ông Đức đã có những phản ứng hết sức khó hiểu. Ông ấy không tiếp xúc, nói chúng tôi đến để đầu độc, hãm hại gia đình mình rồi lớn tiếng quát nạt, đuổi mọi người về. Chúng tôi thấy thật tội nghiệp cho vợ con ông ấy. Họ phải sống trong cảnh thiếu thốn trăm bề, những nhu cầu thiết yếu nhất cũng không có”. Ông Trịnh Quốc Khế (Chủ tịch UBND xã Hưng Lợi) cũng cho biết: “Thực ra, gia đình ông Lê Viết Đức không thuộc quyền quản lý của xã vì ông ấy không có chứng minh thư, cũng chẳng có hộ khẩu hay đăng ký tạm trú, tạm vắng. Tuy nhiên vì ông này sống trên phần đất của xã nên chúng tôi quản lý chung luôn. Xã đã nhiều lần mời ông Đức về làm thủ tục nhập hộ tịch, hộ khẩu nhưng ông ấy không đến. Chúng tôi cũng không biết vì lý do gì mà ông Đức lại sống lập dị như vậy”. “Chúng tôi muốn ông Đức nhập về xã nhưng ông ấy không đến làm việc nên cũng đành chịu. Cuộc sống “người rừng” đã ảnh hưởng tới sức khỏe, làm ông Đức ngày càng gầy gò, ốm yếu. Địa phương cũng đã quan tâm và có giúp đỡ gia đình ông. Nhiều người đi qua khu vực đó thường để lại thức ăn, ít tiền để gia đình có cái sống qua ngày. Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục tìm mọi cách thuyết phục ông cùng gia đình trở về làng sinh sống”, ông Khế nói. Trần Long |