Tháng cuối cùng của năm Âm lịch thường rất bận rộn, vì vậy mọi người hãy cẩn trọng, kiêng cữ một số điều để không ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc.
Từ lâu cứ đến tháng 12 Âm lịch hay còn gọi là tháng Chạp, tháng “củ mật”, mọi người thường nhắc nhở nhau cẩn thận trong việc củi lửa, đề phòng mất cắp hay một số điểm kiêng kỵ để tránh gặp xui xẻo.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, sở dĩ mọi người gọi tháng cuối cùng của năm là tháng “củ mật” bởi xuất phát từ trong chữ Hán. Theo đó chữ “củ” có hai nghĩa, đó là “xem xét, trông coi”, nghĩa còn lại là “vội vã”. Còn chữ mật nghĩa là cẩn mật, đông đúc.
Ông Nguyễn Trọng Tuệ - chuyên gia phong thủy, Viện trưởng Viện nghiên cứu kiến trúc và văn hoá phương Đông cho rằng, việc mọi người nhắc nhở nhau cẩn thận trong tháng cuối cùng của năm là hoàn toàn có cơ sở, bởi gần Tết ai cũng vội vã với công việc, kể cả trong việc đi lại cũng khẩn trương, gấp gáp hơn nên dễ phát sinh những vấn đề trong cuộc sống.
“Khi vội vã sẽ thường hay quên khóa cửa, quên chia khóa xe. Hay ra đường vội vã dễ va quệt, tai nạn. Thậm chí, vội vàng trong công việc dễ sinh ra ẩu đoảng và dễ dẫn tới sai sót”, ông Tuệ nhấn mạnh.
Cần phải tránh cãi nhau, thị phi trong tháng Chạp.
Vị chuyên gia phong thủy này cho rằng, trong tháng Chạp mọi người tốt nhất nên tránh việc thị phi, đó là cãi vã, mắng chửi nhau. Bởi đôi khi từ những việc rất nhỏ nhặt nhưng khi “đấu khẩu” lại thành chuyện lớn và dẫn tới mâu thuẫn, thậm chí là dính líu pháp luật.
“Ví dụ khi va quệt xe, mọi người hãy “chín bỏ làm mười” nếu không quá nghiêm trọng. Bởi khi làm căng lên, cãi chửi nhau sẽ sinh ra đánh nhau, nếu căng thẳng quá có thể gây thương tích, án mạng rất nguy hiểm”, ông Tuệ dẫn chứng.
Một vấn đề nữa ông Tuệ cũng khuyên mọi người nên cẩn trọng đó là tránh việc xuất kho, mở cửa. Bởi từ xa xưa, ông cha ta đã đúc kết khi cuối năm chúng ta chỉ tổng kết, thu về chứ không xuất tiền, mở cửa vì quan niệm để tránh “ngày cùng, tháng tận”.
Đồng thời, cũng không nên cho vay tiền trong tháng cuối năm, vì việc hoàn lại là rất khó khăn, trong khi đầu năm mới có nhiều dự định phải làm, nhưng lúc đó việc đòi tiền sẽ không dễ dàng. “Mọi người thường kiêng đầu năm mới đi đòi tiền vì sợ người vay mất lộc, vì thế tốt nhất không cho vay vào những ngày cuối cùng của năm”, chuyên gia phong thủy nói.
Tương tự, với những việc lớn như đặt móng làm nhà hay các công trình lớn, họ sẽ rất ít khi làm vào tháng Chạp. Bởi thời điểm này là lúc mọi người khẩn trưởng dọn dẹp để chuyển về nhà mới, chuẩn bị đón năm mới. Nếu phá nhà, đặt móng thì sang năm mới vừa không có nơi ở đàng hoàng, vừa không có xong được công trình.
Cần đặc biệt kiêng việc cắm đôi đũa vào bát cơm khi ăn.
Cùng quan điểm trên, chuyên gia phong thủy Song Hà (Hà Nội) cũng cho rằng, tháng Chạp mọi người nên hạn chế hoặc không nên cho người khác vay tiền, đồng thời cũng không nên nhặt tiền rơi ngoài đường.
“Tháng Chạp hay có nhiều nghi lễ về việc giải hạn hoặc giải đen, trong nghi lễ đó hay có tục thả tiền. Do vậy, khi thấy tiền lẻ trên đường mọi người nhắc con cháu hoặc chính bản thân không nên nhặt, vì như thế là nhặt xui xẻo của người khác vận vào mình”, chuyên gia Song Hà chỉ dẫn.
Ngoài ra, mọi người trong gia đình, nhất là nhà có trẻ nhỏ cần phải lưu ý tuyệt đối không nên vừa ăn cơm vừa cắm đũa xuống bát cơm. Đây là điều tối kỵ, nhất là trong tháng cuối cùng của năm Âm lịch.
“Trong tháng Chạp âm khí sẽ tăng lên nên khi ăn cơm, mọi người nên nhắc trẻ nhỏ không nên cắm đôi đũa vào thẳng bát cơm vì nó tăng âm hay trong tâm linh còn gọi là chiêu vong. Điều này là không tốt cho bản thân người đó cũng như gia chủ”, bà Hà chia sẻ.
Để mọi việc được hanh thông cuối năm, các chuyên gia khuyên mọi người cần phải hoan hỷ, vui vẻ đặc biệt nên chú ý đến việc hướng về tổ tiên, gia đạo là tốt nhất. Bởi cuối năm dù công việc nhiều nhưng không quên việc chăm lo mộ phần, dọn dẹp nơi thờ tự. Như vậy vừa làm tròn chữ hiếu, tâm lại thanh tịnh để chuẩn bị chào đón một năm mới an vui.