Người lao động khi bị rơi vào trường hợp bị thôi việc sẽ được hưởng các quyền lợi về trợ cấp xã hội, thất nghiệp theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội. Đặc biệt, thời gian vừa qua nhiều công ty, doanh nghiệp lớn nhỏ đã và đang có kế hoạch cho nhân viên nghỉ việc vì kinh doanh thua lỗ, không có lợi nhuận.
Theo thống kê từ Bộ Lao Động – Thương Binh – Xã Hội, tính đến đến ngày 20/3 cả nước đã có khoảng 77.000 lao động đến nộp hồ sơ nhận bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó, chỉ tính riêng tháng 2/2020, có khoảng 47.000 người đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp, tăng khoảng 60% so với tháng 01/2020, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2019 (gần 28.000 người)… Còn thống kê của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), dịch bệnh COVID-19 có thể làm cho 25 triệu người thất nghiệp trên toàn cầu năm 2020.
Dự báo con số thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch COVID-19 sẽ tăng cao trong năm 2020.
Người lao động có được hỗ trợ khi bị thôi việc
Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo – Giám đốc Công ty Luật TAT Law firm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, tại Điều 38 Bộ luật lao động năm 2012 quy định, trong trường hợp sự kiện bất khả kháng do dịch bệnh hoặc địch hoạ, người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc thì người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động.
Trong trường hợp này, người lao động rơi vào trường hợp bị thôi việc. Theo đó, người lao động sẽ được hưởng một khoản trợ cấp thôi việc do người sử dụng lao động và Bảo hiểm xã hội chi trả. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp.
Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo cho rằng nhà nước cần có giải pháp đồng bộ để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động.
Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo thông tin thêm, khi người lao động bị thôi việc hàng loạt, khó tránh khỏi mâu thuẫn và tranh chấp giữa người lao động và người sử dụng lao động. Đây là thời điểm cần phát huy hết chức năng của Công đoàn cơ sở, trên cơ sở tôn trọng thoả ước lao động tập thể. Đồng thời phải đảm bảo tối đa nhất quyền lợi của người lao động, được nhận đủ các khoản trợ cấp khi mất việc.
“Để khống chế được tình trạng mất việc làm của người lao động dẫn đến bất ổn xã hội, nhà nước cần can thiệp mạnh tay để buộc các cơ quan ban ngành và các tổ chức kinh tế dốc toàn lực chống đỡ”, LS Phương Thảo cho hay.
Giải pháp nào tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động
Luật sư Phương Thảo cho biết, với tình hình hiện nay nhà nước cần phải có giải pháp để tháo gõ khó khăn cho cả doanh nghiệp và người lao động, đó là các chính sách về bảo hiểm, thuế, tài chính ngân hàng…
Với Bảo hiểm xã hội: Luật Bảo hiểm Xã hội quy định nhiệm vụ và chức năng của Quỹ Bảo hiểm Xã hội nhằm đảm bảo, ổn định duy trì đời sống cho người lao động khi gặp rủi ro, khó khăn đồng thời góp phần ổn định sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp hoạt động. Trên cơ sở đó, Nhà nước có nên xem xét việc miễn, giảm đóng bảo hiệm xã hội cho Doanh nghiệp và Người lao động trong khoản thời gian khó khăn này.
Cần có chính sách miễn, giảm đóng bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp và người lao động. (Ảnh minh họa)
Đối với các chính sách Thuế: Thực tế, kể từ khi dịch bệnh bùng phát tính từ tháng 1 đến nay đã có một lượng lớn các doanh nghiệp đã lâm vào tình trạng phá sản. Các doanh nghiệp khác cũng phải “oằn mình” để tồn tại trước những khó khăn “doanh thu thấp, chi phí lớn”, tình hình sản xuất kinh doanh bị trì trệ, đóng băng trong khoảng thời gian khá dài. Vì vậy, cần thiết phải có những giải pháp thiết thực, kịp thời để đảm bảo các doanh nghiệp bị thiệt hại được hỗ trợ để vượt qua khó khăn.
Hiện Tổng cục Thuế đã có công văn về việc gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên theo Luật sư Thảo, ngành Thuế cần phải có thêm những gói chính sách hỗ trợ bằng văn bản cụ thể, miễn hoàn toàn thuế đối với các Doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, giảm mạnh hoặc giảm mạnh đối với các doanh nghiệp bị thiệt hại nghiêm trọng.
Các ngân hàng cũng phải xem xét và cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19. Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước khác cũng cần xem xét hỗ trợ giảm tiền thuê đất và giảm các khoản thuế, lệ phí cụ thể để hỗ trợ các doanh nghiệp, chia sẻ khó khăn như xem xét, hỗ trợ giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, …
Cần có phương án hỗ trợ đào tạo lao động phù hợp và hỗ trợ người lao động bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đồng thời có phương án hỗ trợ doanh nghiệp tìm nguồn lao động thay thế trong trường hợp thiếu hụt lao động, chuyên gia nước ngoài.