Doanh nhân bay hàng chục tiếng từ Đức về Việt Nam chỉ để làm một việc “né tháng cô hồn”

Ngày 01/08/2019 16:00 PM (GMT+7)

Mặc dù đã định cư ở nước ngoài nhiều năm nhưng bà Thu Hà vẫn có những quyết định ít ai ngờ tới: Bay từ nước ngoài về chỉ để chuyển trụ sở làm việc tránh phạm húy trong tháng 7 Âm lịch (tháng cô hồn).

20 năm sống ở Đức vẫn "kiêng"

Bà Nguyễn Thu Hà (SN 1958, định cư tại Berlin, Đức) - người sáng lập một đơn vị chuyên về tuyển sinh và đào tạo du học nghề tại Việt Nam sang Đức (đặt tại Hà Nội) mới đây ít ngày đã tức tốc bay về Việt Nam chỉ để chuyển trụ sở công ty trước tháng 7 Âm lịch. Với bà Hà, gần 20 năm sinh sống tại Đức nhưng gần như những phong tục tập quán truyền miệng từ xa xưa vẫn khiến bà ghi nhớ, nhất là những điều kiêng kỵ trong tháng 7 Âm lịch.

Bà Hà chia sẻ: "Bản thân tôi thuộc làu những điều hạn chế hoặc không nên làm trong tháng cô hồn. Vì là người được sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, bên cạnh đó gia đình chồng tôi cũng đang sinh sống tại Hà Nội nên những điều cần biết trong tháng cô hồn gần như đã "ăn sâu" vào con người gốc Việt như tôi. Mặc dù, chẳng biết là những câu chuyện đó có đến bao nhiêu phần trăm là thật. Tuy nhiên, "có kiêng có lành", tạm thời cứ làm theo quan niệm của các cụ để bản thân yên tâm và cảm thấy thoải mái".

Doanh nhân bay hàng chục tiếng từ Đức về Việt Nam chỉ để làm một việc “né tháng cô hồn” - 1

Bà Nguyễn Thu Hà (giữa) cùng bạn bè tại Đức (ảnh nhân vật cung cấp).

Cũng theo bà Thu Hà, mặc dù chuyến bay từ Đức về Việt Nam kéo dài hàng chục giờ đồng hồ, cộng thêm sức khoẻ của người lớn tuổi, nên khi đặt chân tới Hà Nội, bà Hà gần như kiệt sức. Tuy nhiên, ngay sau khi về nhà, bà Hà cũng không thể ngồi yên với công việc đang bề bộn. "Tôi tin tháng 7 Âm lịch làm gì cũng khó thành công, lận đận đủ bề nên tôi cố gắng chuyển trụ sở làm việc trước tháng cô hồn. Nói đúng ra là "chạy" tháng cô hồn để mong mọi việc thuận lợi", bà Hà chia sẻ.

Tương tự, bà Vũ Thị Mừng (54 tuổi, cũng ở Berlin, Đức) cho biết: "Người phương Tây không có những kiêng kỵ giống như ở Việt Nam. Nhiều người Việt Nam ở nước ngoài đã hoà nhập với văn hoá sinh sống bên Tây nên không còn để ý tới những điều cấm trong tháng cô hồn. Tuy nhiên, vẫn có người rất lưu tâm những điều cấm kỵ trong tháng này. Tôi cũng vậy. Vì là người Việt ở nước ngoài nên chúng tôi muốn giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống Việt Nam. Đó không chỉ là câu chuyện gói bánh chưng ngày Tết cổ truyền, đi chùa lễ Phật ngày đầu năm, hay lì xì, chúc nhau những điều tốt đẹp trong năm mới, mà còn có những quan niệm dân gian được ghi nhớ như những việc kiêng kỵ trong tháng cô hồn, kiêng chuyển nhà, kiêng mua xe, kiêng đi lại vào ban đêm….".

Bụng bầu cũng không cưới tháng 7 Âm lịch

Doanh nhân bay hàng chục tiếng từ Đức về Việt Nam chỉ để làm một việc “né tháng cô hồn” - 2

Chuyên gia phong thuỷ Lê Xuân Phương chia sẻ với PV. Ảnh: B.Loan

Không chỉ Việt kiều làm kinh doanh mớ lưu tâm tới những điều cấm kỵ tháng "cô hồn" mà nhiều người cũng gác lại những việc cần phải làm ngay, để "né" tháng 7 Âm lịch. Anh Nguyễn Đức Tuấn (30 tuổi, là lập trình viên, trú tại phường Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội) gác lại ý định cưới "chạy bầu" để "né" tháng cô hồn. Mặc dù, chính anh Đức Tuấn cũng khẳng định, không có cơ sở để khẳng định nếu cưới tháng 7 Âm lịch thì vợ chồng không hạnh phúc. Tuy nhiên, các cụ nói kiêng thì cứ theo. Cưới xin là việc hệ trọng của đời người nên anh Đức Tuấn kiêng cho yên tâm.

"Do lỡ kế hoạch nên vợ chưa cưới của tôi đã bầu 3 tháng, lẽ ra tổ chức cưới ở thời điểm này là thích hợp nhất vì cô ấy muốn bụng chưa lớn mặc váy cho đẹp. Nhưng khi tôi trình bày câu chuyện của mình và xin với cha mẹ chuyện cưới xin, lập tức mẹ tôi gạt đi vì kiêng tháng 7 Âm lịch. Đám cưới sẽ tổ chức trong tháng 8 Âm lịch. Lúc đó bụng bầu của vợ tôi đã khá to, khó có thể giấu được dưới lớp váy cưới bồng bềnh nhưng quyết không cưới chạy để "né" tháng cô hồn", anh Tuấn cho biết.

Cũng theo anh Tuấn, không chỉ gia đình anh tránh tổ chức chuyện trăm năm vào tháng 7 Âm lịch bởi niềm tin về những chuyện xui xẻo dễ xuất hiện, mà kể cả bạn bè đồng trang lứa của anh đều "nói không" với chuyện đại sự trong tháng cô hồn.

Lý giải những thông tin trên với PV Báo Gia đình & Xã hội, TS Lê Xuân Phương, chuyên gia phong thuỷ, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển doanh nhân và doanh nghiệp Đông Nam Á giảng giải: "Theo quan niệm từ xa xưa thì tháng 7 Âm lịch là tháng mưa ngâu, tháng Ngưu Lang và Chức Nữ được gặp nhau mỗi năm một lần, gặp nhau rồi lại phải xa cách. Vì vậy, để có điều kiện gắn bó với nhau suốt chặng đường đời còn lại và tránh giống với tình cảnh của Ngưu Lang, Chức Nữ người ta tránh cưới vào tháng 7 Âm lịch. Tháng 7 thời tiết không thuận lợi hay mưa không phù hợp cho đám cưới. Hơn nữa, tháng 7 Âm lịch thường được gọi là tháng "cô hồn" nên kiêng chuyện cưới xin".

Tuy nhiên, ông Lê Xuân Phương cũng lý giải rằng, chính ngày 7/7 Âm lịch còn gọi là ngày Ngưu Lang, Chức Nữ gặp nhau (ngày Thất tịch), căn nguyên để nhiều người kỵ chuyện cưới xin, lại là ngày đẹp: "Bởi ngày này, chòm sao Chức Nữ sẽ rất sáng và người ta tin rằng, các đôi yêu nhau cùng nhau ngắm sao Chức Nữ vào ngày này sẽ mãi ở bên nhau".

Xót xa cảnh mẹ chết không có ảnh thờ chỉ vì... kiêng tháng cô hồn
Cả nhà xót xa, ân hận vì mẹ không có được tấm ảnh thờ bởi tháng cô hồn kiêng chụp ảnh...
Theo Bảo Loan
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tháng cô hồn