Đổi đời bên những dòng kênh đen

Ngày 03/05/2015 17:32 PM (GMT+7)

Tôi chơi với Phạm Thanh Tuấn từ ngày anh còn mặc quần xà lỏn lội bì bõm dưới những ruộng rau muống ở xóm Ruộng (P.11, Q.6, TP.HCM).

Giờ thì xóm Ruộng bị giải tỏa trắng vì dự án cải tạo kênh rạch thành phố. Riêng Tuấn phải giã từ căn nhà lụp xụp ven con rạch đen mà leo tót lên căn hộ chung cư bốn bề bê tông, cốt sắt. Âu đấy cũng là hình ảnh của hàng ngàn hộ dân sống ven kênh rạch thành phố bởi dự án sạch hóa dòng kênh đen được TP.HCM triển khai những năm qua.

Nếu không có cái ngày thành phố tổ chức khánh thành công trình kênh Tân Hóa – Lò Gốm, chắc tôi cũng chưa về lại xóm Ruộng. 10 năm rồi từ ngày tiễn Tuấn lên chung cư Lò Gốm còn gì. Chen trong dòng người đến chia vui không khí kênh Tân Hóa – Lò Gốm hoàn thành cũng có Tuấn.

Đổi đời bên những dòng kênh đen - 1

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nhìn từ nhà dân ở quận Bình Thạnh. Nguyễn Lương Hiệu

 Bỗng dưng… cải số

“10 năm rồi mới gặp lại anh. Em nhớ lúc đó đứa lớn của em mới sinh thì cả gia đình dắt díu nhau vào chung cư Lò Gốm nhận căn hộ. Giờ con bé 10 tuổi rồi”- bắt tay tôi Tuấn bùi ngùi.

Tôi còn nhớ, khi chưa bị giải tỏa, xóm Ruộng có hơn 100 hộ dân sống trên con rạch nhỏ nước đen ngòm và bốc mùi xú uế nồng nặc. Giờ xóm Ruộng đã biến mất nhường chỗ cho chung cư Lò Gốm mọc lên. Mẹ Tuấn giờ đã mất, nhưng cứ nói đến mẹ là Tuấn bày tỏ vẻ ngưỡng mộ: “Ngày còn sống, nhờ bà biết nhìn xa trông rộng nên gia đình em mới yên ổn cho đến hôm nay. Lúc ấy, chính quyền yêu cầu các hộ bị giải tỏa hoặc chọn đất, hoặc lấy căn hộ và bà một mực chỉ chọn lấy căn hộ” - Tuấn tâm sự.

Đổi đời bên những dòng kênh đen - 2

Chung cư Lò Gốm nơi có 72 hộ dân đang tái định cư từ dự án cải tạo kênh rạch thành phố.   T.Đ

Mà đúng như vậy, hơn 100 hộ ở xóm Ruộng bị giải tỏa thì chỉ có vài ba chục hộ chọn lấy căn hộ, số đông chọn đất cất nhà để rồi loay hoay với việc thích nghi với môi trường sống mới.

Chọn căn hộ tái định cư tại chổ rộng 40m2, Tuấn không phải đau đáu lo đi làm xa, không phải vất vả lo chở con đi học… và nhất là không khỏi bị bứt ra khỏi không gian sống chôn rau cắt rốn của mình. “Giờ thì dân xóm Ruộng chưa “lên voi” đâu anh, vẫn phải cắc cum lo cái ăn, cái mặc, nhưng môi trường sống thì thấy dễ thở hơn, không còn cảnh lầy lội, bẩn thỉu, hôi thối của cái ngày sống trên kênh ô nhiễm”- Tuấn bộc bạch.

Đổi đời bên những dòng kênh đen - 3

Anh Phạm Thanh Tuấn giờ đã ổn định chỗ ở trong chung cư Lò Gốm sau khi bị giải tỏa.

Tuấn kể, từ ngày kênh Lò Gốm hoàn thành, chiều nào anh cũng đưa hai con ra bờ kênh hóng gió, tập thể dục. Với Tuấn, bờ kênh Lò Gốm giờ đã lột xác, đẹp ngỡ ngàng, chỉ tội nước vẫn chưa trong xanh như hồi những năm 80, cái thuở Tuấn hay tắm kênh mỗi chiều.

Trong khi Tuấn và hàng ngàn hộ dân sống ven kênh Tân Hóa – Lò Gốm lo ổn định chỗ ăn, chỗ ở thì hàng ngàn hộ dân sống ven kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè giờ đã đổi đời từ việc nhà cửa bất chợt thòi ra mặt tiền nhờ dự án cải tạo kênh rạch thành phố.

Từ ngày đường Trường Sa nằm cặp kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè hoàn thành, bà Trần Thị Thanh (đường Phạm Văn Hai, P.4, Q.Tân Bình) như bắt được vàng. Bà thổ lộ, từ ngày ngôi nhà trên đường Trường Sa thòi ra mặt tiền bà đã sửa sang lại thành kiốt rộng 20m2 và cho thuê đủ tiền để cho vợ chồng bà chi tiêu hằng tháng, thậm chí còn gửi tiết kiệm ngân hàng.

“Sau khi cải tạo kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè không còn hôi thối nữa. Nước kênh dần đã xanh lại. Hai con đường Trường Sa, Hoàng Sa giờ rất mát mẻ nên các hộ mặt tiền đều muốn ra buôn bán, kinh doanh. Giờ anh thấy cửa hàng, quán ăn, đèn xanh đỏ xập xình mọc lên san sát”- bà nói.

Đổi đời bên những dòng kênh đen - 4

Ông Võ Văn Phủ nhìn lại căn nhà cũ đã giải tỏa phía bên kia bờ kênh Lò Gốm trong ngày khánh thành kênh Tân Hóa – Lò Gốm.

Vĩ thanh...

Có thể thấy, trong việc triển khai dự án cải tạo môi trường thành phố, hàng triệu người dân được thụ hưởng lợi ích với môi trường trong sạch hơn, cơ hội đổi đời lớn hơn… nhưng cũng không ít người chịu thiệt thòi.

Năm 2013, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đã công bố cuộc khảo sát cho thấy, sau tái định cư, trong tổng số người dân bị thu hồi đất chỉ có khoảng 57,1% người trong độ tuổi lao động có việc làm. Bên cạnh đó, cuộc sống sinh hoạt của người dân sau tái định cư cũng gặp nhiều khó khăn. Tình trạng này đã dẫn đến thực tế là hàng nghìn căn hộ tái định cư đang bị bỏ hoang, trong khi người dân vẫn phải tất tả tìm nơi ăn chốn ở.

Đổi đời bên những dòng kênh đen - 5

Dòng kênh như dải lụa mềm.   Nguyễn Xuân Thanh Sơn

Ông Lê Văn Thành – Trưởng phòng Nghiên cứu văn hóa – xã hội (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM) đánh giá, dự án cải tạo kênh rạch thành phố bước đầu đã mang lại môi trường sống tốt hơn, từng bước thay đổi diện mạo đô thị và nâng cao chất lượng sống cho người dân thành phố.

Tuy nhiên, trong hai phương án tái định cư- tại chỗ và ở xa, thì phương án 1 là tối ưu nhất, thì chính quyền thường chọn phương án 2 và phần lớn người dân ngả theo… lấy đất. “Phải thấy rằng không thể bứt người dân ra khỏi môi trường sống quen thuộc. Những người bị giải tỏa là những người dễ bị tổn thương nhất, vì đa số là diện nghèo.

Chính quyền lo cho người bị giải tỏa chỗ ở là tốt nhưng chưa đủ vì họ có những vấn đề bức xúc hơn chỗ ở như việc làm, nên khi tái định cư xa môi trường sống quen thuộc thì đa số người dân quay lại chỗ ở cũ”- ông Thành cho biết.

Ông Thành kể, vừa rồi, nhân dịp thành phố khánh thành kênh Tân Hóa – Lò Gốm, ông đã quay lại xem tình hình cuộc sống của các hộ dân tái định cư ở chung cư Lò Gốm. 72 hộ dân bị giải tỏa trên kênh Tân Hóa – Lò Gốm từ những ngày đầu giờ vẫn nguyên vẹn tại chung cư. “Đấy là một thành công của tái định cư, dân không bỏ đi cho thấy đấy là môi trường sống tốt”- ông nhận xét.

Đổi đời bên những dòng kênh đen - 6

Hôm đến dự khánh thành kênh Tân Hóa – Lò Gốm, tôi bắt gặp ông Võ Văn Phủ (P.8, Q.6) đứng tần ngần nhìn xa xăm bên kia bờ kênh Lò Gốm. Nơi ấy trước đây nhà ông ở ven kênh với diện tích rộng khoảng 200m2.

Khi chính quyền giải tỏa để triển khai dự án môi trường, ông được chọn lựa hoặc lấy đất ở Vĩnh Lộc B (Bình Chánh) hoặc chọn căn hộ chung cư để tái định cư tại chỗ. Thế là ông chọn lấy đất cất nhà. Tuy nhiên, sau đó không lâu, ông đã trở về địa phương cũ và thuê nhà ở. “Thật ra, chính quyền đã lo được chỗ ở cho mình, nhưng sống môi trường khác lạ khó quá”- ông than thở.

Trong buổi “trà dư” về “giải tỏa và đền bù”, bà bạn tôi - cán bộ Dự án phát triển cộng đồng (Hiệp hội các Đô thị Việt Nam), đúc kết: “Hiện nay, trong việc chỉnh trang đô thị phải chấp nhận trả một cái giá nhất định. Theo đó, các dự án mà dính đến giải tỏa, những người ra đi là những người hy sinh và chịu nhiều thiệt thòi cho những người ở lại thụ hưởng. Vì vậy, những người có trách nhiệm phải tính đúng, tính đủ để tạo điều kiện sống tốt nhất cho người ra đi”.

15.000 hộ phải di dời

Chương trình di dời và tái định cư 15.000 hộ dân sống ven và trên kênh rạch thuộc Chương trình chỉnh trang đô thị của TP.HCM tập trung chủ yếu ở các tuyến kênh rạch, như khu vực Tân Hóa - Lò Gốm và các chi lưu; kênh Tham Lương - Bến Cát, Vàm Thuật - Rạch Nước Lên; các chi lưu Nhiêu Lộc - Thị Nghè; kênh Đôi - kênh Tẻ, kênh Hàng Bàng, rạch Ụ Cây, kênh Ba Bò… trên địa bàn 14 quận, huyện (quận, 5, 6, 7, 8, 11, 12, Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức và huyện Bình Chánh). 

Trong đó, có các dự án chính: Dự án cải thiện môi trường khu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 1 và 2 với tổng vốn đầu tư 650 triệu USD. Dự án này đã giúp cải thiện đáng kể tình trạng ngập úng, ô nhiễm môi trường cho các quận 1, 3, 10, Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Thạnh, Gò Vấp; Dự án cải thiện môi trường nước khu vực kênh Tàu Hủ-Bến Nghé và kênh Đôi - kênh Tẻ cũng được triển khai giai đoạn 2 với tổng kinh phí khoảng 11 nghìn 282 tỷ đồng; Dự án kênh Tân Hóa – Lò Gốm chảy qua 4 quận: 6, 11, Tân Bình, Tân Phú, có chiều dài 7,5km với tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng gồm: Mở rộng kênh, nắn dòng chảy, nạo vét bùn, xây mới 10 cây cầu qua kênh, chỉnh trang các khu cảnh quan dọc tuyến kênh…

Theo Trần Đáng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot