Trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, không ít chiến sĩ công an đã bị phơi nhiễm HIV khi bị các đối tượng chống trả.
Bị phơi nhiễm HIV vì tội phạm chống trả quyết liệt
Theo lãnh đạo Cục Phòng, chống AIDS, Bộ Y tế, mỗi năm có hàng nghìn nhân viên y tế, chiến sĩ công an bị phơi nhiễm HIV. Cụ thể: Năm 2013, cả nước có 914 người phơi nhiễm. Năm 2014 có 915 người phơi nhiễm.
Nhiều chiến sĩ công an bị phơi nhiễm HIV trong quá trình truy bắt tội phạm (ảnh minh họa).
Trong số những nhân viên y tế, chiến sĩ công an bị phơi nhiễm, rất ít trường hợp bị nhiễm HIV. Tuy nhiên, những con số trên cho thấy, trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, lực lượng công an gặp rất nhiều nguy hiểm. Ngoài súng, đạn… họ còn phải đối mặt với nguy hiểm đến từ mầm bệnh hiểm nghèo do những tên tội phạm mang trong mình.
Gần nhất, vào chiều ngày 26.6, anh L (sinh viên thực tập tại Công an huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) đã bị phơi nhiễm HIV sau khi cùng lực lượng trinh sát Công an huyện bắt giữ nhóm đối tượng tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy. Trong đó có Đào Thế Cường (SN 1972), một đối tượng bị HIV giai đoạn cuối.
Theo đó, khi bị cảnh sát vây bắt, Cường cùng đồng bọn đã chống trả để bỏ trốn, nên anh L lao vào khống chế, bắt giữ. Tuy nhiên, quá trình khống chế, tay anh L bị bỏng hai ngày trước đó đã vô tình tiếp xúc với phần dịch từ vết thương của Cường. Anh L sau đó phải vào Bệnh viện Đa khoa, Trung tâm Phòng, chống HIV tỉnh Kon Tum điều trị.
Trước đó, giữa tháng 5.2014, chiến sĩ B.D.V thuộc Công an huyện An Dương (Hải Phòng) đã bị phơi nhiễm HIV trong khi vây bắt cặp vợ chồng buôn bán trái phép chất ma túy là Nguyễn Thị Huệ và Nguyễn Trọng Minh (ở An Dương).
Khi phát hiện lực lượng công an vây bắt, vợ chồng Minh và Huệ đã điên cuồng chống trả hòng thoát thân. Tuy nhiên, với tinh thần kiên quyết đấu tranh trấn áp tội phạm, thượng sĩ B.D.V đã dũng cảm lao vào khống chế các đối tượng và đã bị thương.
Thượng sĩ V sau đó phải nhập viện điều trị phơi nhiễm HIV, sau khi cặp vợ chồng Huệ và Minh được xác định đều bị HIV.
HIV - “vũ khí” chống trả
Là người từng có hơn 20 năm đấu tranh với các loại tội phạm, trong đó có 15 năm làm nhiệm vụ đấu tranh với tội phạm ma túy, trung tá Chu Thị Hoa - Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ, quá trình đấu tranh với tội phạm, đặc biệt là tội phạm về ma túy, lực lượng công an luôn đối mặt với nguy hiểm.
Trung tá Chu Thị Hoa - Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ với phóng viên.
“Các đối tượng phạm tội về ma túy thường chống trả quyết liệt, bởi chúng biết rằng nếu để bị bắt thì sẽ đối mặt với mức án nặng. Có những đối tượng manh động đã nổ súng, đâm xe, nổ mìn… chống trả lực lượng chức năng hòng tẩu thoát.
Cũng theo trung tá Hoa, một số đối tượng bị HIV còn cố tình lấy bệnh tật ra làm “vũ khí” để đe dọa, chống trả lực lượng bảo vệ pháp luật.
“Cách đây 1 năm, chúng tôi phát hiện đối tượng tên Dũng tổ chức buôn bán ma túy trái phép trên địa bàn phường Đinh Liệt nên tổ chức vây bắt. Quá trình vây bắt Dũng ở ngõ Trung Hà, đối tượng lớn tiếng thách thức lực lượng cảnh sát: “Tao bị AIDS, chúng mày vào đây, tao cho chết”. Biết đối tượng bị căn bệnh thế kỷ, nhưng chúng tôi kiên quyết không lùi bước. Bởi nếu không bắt và xử lý Dũng thì đối tượng sẽ tiếp tục đi gieo "cái chết trắng" và sẽ có thêm nhiều đối tượng rơi vào hoàn cảnh bệnh tật như Dũng. Sau khi thuyết phục không được, 3 chiến sĩ Đội cảnh sát ma túy quận đã lao vào khống chế Dũng. Dù bị HIV giai đoạn cuối, chân tay đã bị lở loét, nhưng Dũng vẫn rất khỏe, chống trả lực lượng cảnh sát quyết liệt. Rất may, quá trình bắt giữ Dũng, các chiến sĩ vẫn đảm bảo an toàn”, trung tá Hoa kể lại.
Theo trung tá Hoa, trong quá trình lấy lời khai của các đối tượng buôn ma túy mang trong mình bệnh HIV, thường rất khó khăn. Các đối tượng biết mình mang trọng bệnh, lại đối mặt với mức án cao nên thiếu hợp tác với cán bộ điều tra. Thêm nữa, quá trình lấy lời khai của các đối tượng, điều tra viên cũng phải thận trọng tránh trường hợp đối tượng chống trả, hoặc cố tình gây phơi nhiễm.