Những đứa trẻ trong dòng họ được sinh ra đều được dạy dỗ phải nhớ đến truyền thống, cội nguồn của dân tộc.
Mấy ngày nay, người thân trong gia tộc họ Đoàn tại TP.HCM tất bật dọn dẹp lại nhà từ đường trên đường Nguyễn Văn Nguyễn, phường Tân Định, quận 1, TP.HCM để chuẩn bị cho ngày giỗ tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch. Đến nhà từ đường họ Đoàn, chúng tôi choáng ngợp trước sự trang nghiêm, thấm đẫm hương sắc dân tộc và đặc biệt là chiếc cổ ngai được đặt uy nghi ngay trước chánh điện tượng trưng cho linh vụ đức Hùng Vương.
Ông Đoàn Văn Tài, người được thừa kế ủy quyền nhà từ đường cho biết, diện tích đền thờ quốc tổ Hùng Vương có diện tích 70 m2, hàng năm vẫn được trùng tu nhưng giữ nguyên vẻ cổ kính, nguyên dạng ban đầu. Cha của ông Tài chính là người nảy sinh ý định và xây dựng nhà thờ vua Hùng này.
Ông Tài cho biết lại cảm thấy bồi hồi mỗi khi đến ngày giỗ tổ Hùng Vương
Cha ông Tài có tên là Đoàn Văn Nụ. Vợ chồng cụ Nụ vốn là nghệ nhân thêu thùa ở Hà Nam. Năm 1945, vợ chồng cụ vào Sài Gòn lập nghiệp. Thuở đó, vợ chồng cụ mua được một mảnh đất để sinh sống và lao động. Sau này, khi làm ăn phát hiện và thấy cuộc sống, xã hội ngày càng có nhiều điều đổi khác nên xuất hiện ý tưởng xây nhà từ đường thờ cúng vua Hùng để nhắc nhờ con cái luôn phải hướng về nguồn cội.
Để hoàn thành ý nguyện, vợ chồng cụ Nụ gom góp tiền bạc. Đến năm 1960, ngôi đền này được khởi xây trên mảnh đất có địa thế đẹp nhất trong khuôn viên gia đình.
Ngay từ hồi còn nhỏ, ông Tài đã được cha mẹ khuyên dạy phải biết gốc tích của người Việt. Đối với một con người, bất kì giàu nghèo, thành đạt hay không thì truyền thống của đất nước vẫn phải vun đắp, thờ phụng. Đặc biệt, cụ Nụ luôn nhắc nhở con cái phải nhớ đến nguồn cội, công đức của tiền nhân.
Vợ chồng cụ Nụ sinh được 6 người con. Trong đó, ông Tài vẫn tiếp tục nghề của phụ thân. Sau này, vợ ông cũng là một người hành nghề thêu thùa. Do ở trong khuôn đất nhà thờ, ông được anh em cắt cử thờ phụng, hương khói nhà từ đường. Ông cho biết, sống ở đây mấy mươi năm nhưng mỗi khi mở cửa nhà từ đường là lại có cảm thấy tôn nghiêm, khó tả.
Bên cạnh đó, ông Tài cho hay, mỗi năm dòng họ Đoàn tại TP.HCM hội tụ ở đây bốn ngày là mồng 1 tết nguyên đán, 10/3 âm lịch và ngày giỗ của bậc phụ thân, mẫu thân. Trong đó, ngày 10/3 là để tưởng nhớ, giỗ tổ vua Hùng.
Tất cả con cháu dòng tộc họ Đoàn ngay từ nhỏ đã được truyền các nghi thức cúng bái vua Hùng cũng như tổ tiên. Đối với nam, đặc biệt chú trọng đến trống kèn. Còn nữ lại chú trọng vào việc thông xướng. Bao giờ cũng thế, khi việc rót nước, rót rượu, dâng hoa, thắp hương, dâng lễ vật… được thực hiện một cách nhẹ nhàng, khoan thai nhưng đầy sự trang nghiêm. Người chủ tế sẽ nhắc lại những lời dạy dỗ của con cháu về đạo lý làm người.
Những người nữ trang nghiêm làm lễ trong sắc phục áo dài
Ông Tài cho hay, một nếp sống được hình thành đã khó mà giữ được nó lại càng khó hơn gấp bội. Biết được điều này, ngay từ khi những đứa trẻ trong dòng họ được sinh ra bao giờ các bậc cha mẹ cũng dạy dỗ khuôn phép, lễ giáo trước. Có lẽ, cũng vì điều này, từ trước đến nay, con cháu trong dòng tộc đều sống khá thân thiện, tình cảm, ngày càng phát đạt.
Ông Tài cười tươi, hãnh diện khi nhắc đến hai đứa con của mình. Cậu con lớn đang công tác tại một phòng nghiên cứu khoa học có uy tín. Đặc biệt, anh đã xuất bản một cuốn sách về chuyên ngành của mình. Trong khi đó, cô em gái cũng đậu đại học, ra trường với danh thủ khoa. Hiện giờ, chị cũng đã có công ăn việc làm ổn định. Thế nhưng, điều khiến người cha càng vui mừng hơn là hai đứa con chưa bao giờ quên những ngày giỗ, cúng của dòng họ, đặc biệt là ngày giỗ tổ Hùng Vương.