Người dân ở các tỉnh ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình những nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu bão số 3 cần tuyệt đối không ra ngoài lúc mưa to gió lớn.
Bão số 3 gây mưa rất lớn từ hôm nay
Sáng ngày 7/9, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, hiện bão số 3 vẫn ở cấp 14, cách bờ biển các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng khoảng 130km về phía Đông. Chiều nay, bão sẽ đi vào đất liền và gây ra gió mạnh cấp 10-12 ở Quảng Ninh, Thái Bình và Nam Định, bão gây gió mạnh cấp 8-10 ở khu vực Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa và các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang.
Bão số 3 sẽ gây mưa rất lớn cho nhiều khu vực.
"Bão số 3 sẽ gây mưa rất lớn ở Bắc Bộ. Thời gian gây mưa lớn ở Đông Bắc Bộ tập trung ngày và đêm nay sau đó mở rộng sang Tây Bắc Bộ. Đợt mưa này sẽ kéo dài đến khoảng ngày 9/9 với tổng lượng mưa từ 150-350mm, có nơi trên 500mm. Khu vực Bắc Bộ khả năng xảy ra một đợt lũ. Ngoài ra các tỉnh vùng núi trung du Bắc Bộ gồm cả Thanh Hóa và Nghệ An có thể xảy ra đợt lũ quét, sạt lở đất diện rộng", ông Nguyễn Văn Hưởng nhận định.
Chuyên gia cảnh báo, khu vực ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ninh cần đề phòng nước dâng do bão cao từ 0,5m (Thanh Hoá)-2,0m (Quảng Ninh) vào chiều và đêm 7/9. Ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng cần đề phòng nước rút khoảng 0,5m vào khoảng sáng và trưa ngày 7/9. Các khu vực neo đậu tàu thuyền, khu nuôi trồng thủy sản, các tuyến đê, kè biển trong vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và nước dâng/rút do bão. Các khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông đề phòng nguy cơ ngập do nước dâng và sóng lớn.
Từ ngày 7/9 đến sáng 9/9, ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-350mm, có nơi trên 500mm (mưa lớn nhất ở phía Đông Bắc Bộ tập trung trong ngày và đêm 07/9; phía Tây Bắc Bộ từ tối ngày 07/9 đến đêm 08/9). Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão rộng, ở khu vực phía Tây Bắc Bộ, khu vực từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế cần đề phòng nguy cơ xảy ra dông, tố, lốc và gió giật mạnh
Cơ quan khí tượng khuyến cáo, người dân ở các tỉnh ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình những nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu bão số 3 cần tuyệt đối không ra ngoài lúc mưa to gió lớn khi hoàn lưu bão ảnh hưởng trực tiếp.
Đối với các tỉnh thành phố vùng núi, trung du Bắc Bộ, khu vực Thanh Hóa là những nơi đối mặt với nguy cơ ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là nhà ở, các công trình (nhà tạm, nhà cạnh các khai trường, hạ lưu hồ chứa...) và tổ chức di dời ngay người dân và tài sản khi thấy không đảm bảo an toàn; kiên quyết di dời người dân đến nơi đảm bảo an toàn. Sau khi bão qua, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất vẫn còn hiện hữu những ngày sau đó nên cần hết sức đề phòng.
Tận dụng mọi trang thiết bị công nghệ để cảnh báo tác động của bão số 3
Sáng ngày 9/7, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, bão số 3 (cơn bão YAGI) hình thành trên vùng biển phía Đông Philippine và đi vào biển Đông từ sáng ngày 2/9, trở thành cơn bão số 3 năm 2024 hoạt động trên Biển Đông. Bão số 3 được nhận định là một cơn bão rất mạnh, hoàn lưu rộng.
Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tận dụng mọi cơ sở dữ liệu và trang thiết bị công nghệ hiện có của Việt Nam để phục vụ cho công tác cảnh báo sớm cơn bão số 3. Vận hành các mô hình phân giải cao có đồng hóa số liệu sử dụng điều kiện biên của Trung tâm Dự báo hạn vừa Châu Âu và kết hợp với các số liệu quan trắc của Việt Nam, chạy trên Hệ thống siêu máy tính CrayXC40 với độ phân giải 3km (so với độ phân giải toàn cầu cao nhất là 9km từ Châu Âu); Vận hành hệ thống dự báo bão tổ hợp 32 thành phần cập nhật 6 giờ/lần.
Các chuyên gia khí tượng đã phân tích bão và dự báo cực ngắn cường độ bão: Dựa trên ảnh vệ tinh cực của Nhật Bản và phương pháp phân tích Dvorak, kết hợp các quan trắc gió vệ tinh cực (một ngày có thể có 6-8 đợt quét qua Biển Đông, độ phân giải cao nhất đạt 12.5km): 30 phút/lần. Kết hợp dữ liệu quan trắc bề mặt 6 giờ/lần; số liệu tự động cập nhật 1h/lần.
Ông Mai Văn Khiêm cho biết, các dự báo viên cũng thường xuyên trao đổi nghiệp vụ giữa các cơ quan khí tượng thủy văn Việt Nam và các cơ quan khí tượng thủy văn trong khu vực như cơ quan khí tượng Trung Quốc, Trung tâm hỗ trợ dự bão khu vực Nhật Bản trong quá trình xác định tâm, hướng di chuyển và cường độ của bão.