“Giờ này mới đi mua thì làm gì có hàng nào còn. Nhà tôi 8 giờ đã hết nhẵn không còn miếng thịt nào rồi. Nay bán hàng sướng quá cơ, mai có khi lại ế sưng ấy”.
Đó là chia sẻ của chị Thuý, tiểu thương bán thịt tại ngõ Thổ Quan (Đống Đa, Hà Nội) trước bàn thịt trống trơn lúc hơn 8 giờ sáng nay, 6/9/2024.
Hàng thịt lợn của chị Thuý hết hàng ngay từ sáng sớm
Chị Thuý cho biết, bằng giờ này mọi khi, nhà chị vẫn còn quá nửa con lợn. Nhiều khi 12 giờ trưa vẫn còn hàng, phải gọi nhờ khách quen ăn hộ với giá rẻ hơn buổi sáng từ 10-20 nghìn đồng/kg. Hôm nay thì mọi người kéo nhau đến mua sạch từ sáng sớm.
Một hàng bán thịt bò ở ngõ chợ Khâm Thiên (Đống Đa, Hà Nội) cũng hết sạch hàng từ 8 giờ sáng.
Không chỉ hàng thịt của chị Thuý, hầu hết các quầy bán thịt lợn tại chợ Thổ Quan, ngõ chợ Khâm Thiên, chợ Văn Chương, chợ Nguyễn Phúc Lai (Đống Đa, Hà Nội) đều bán hết sạch trước 10 giờ sáng nay.
Khu vực bán thịt lợn của một số siêu thị lớn cũng không còn hàng để bán ngay từ 9 giờ sáng.
“Tôi bán gà mà cũng vạ lây đây. Sáng sớm nay mọi người đến mua thịt lợn, tranh cãi nhau chí choé, xô ngã cả vào hàng nhà tôi để mua. Mấy hàng thịt bò họ cũng mua sạch, không còn miếng nào. Sợ thật, y như hồi Covid-19”, một tiểu thương bán thịt gà ở ngõ chợ Khâm Thiên nói.
Đa số quầy thịt chỉ còn xương và một số loại thịt gà, quầy bày bán thịt lợn hầu như không còn hàng.
Ngồi trước quầy hàng chỉ còn 3 bắp ngô và vài quả dưa chuột, bà Lụa, tiểu thương bán rau tại chợ Văn Chương cho biết, chưa khi nào bà chứng kiến mọi người mua hàng ồ ạt như sáng nay khiến bà trở tay không kịp.
Quầy rau của bà Lụa hết sạch không còn mớ nào ngay từ 9 giờ sáng.
“Tôi vừa mang hàng đến, còn chưa kịp xếp lên kệ thì mọi người ào đến mua sạch, tranh nhau mua hơn cả thời Covid-19. Trước thì phải ngồi đến chiều có khi còn ế đầy, giờ thì còn gì nữa đâu, hết sạch luôn”, bà Lụa cho hay.
Theo bà Lụa, bà bán hàng ở khu chợ này từ năm 1996 với đủ các loại rau, củ, quả. Gần 30 năm, hôm nay bà mới thấy mọi người “vét sạch” xe hàng của bà nhanh đến mức bà vẫn chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Một số quầy hàng bán thịt tại siêu thị cũng trống vì sức mua tăng.
“Mỗi người ôm cả đống, tôi không biết có tính nhầm hay chưa thu tiền của ai hay không. Mọi người mua đông quá. Hỏi ra mới biết là họ mua tích trữ trước khi bão đến. Thấy bảo bão to lắm, ai cũng lo đi mua đồ”, bà Lụa nói thêm.
Theo quan sát của PV, hầu hết các hàng thịt lợn, thịt gà, bò, cá, trứng, rau củ quả tại các chợ dân sinh trên địa bàn một số quận nội thành TP.Hà Nội đều “cháy hàng” từ sáng sớm do người dân đổ xô đi mua thực phẩm tích trữ đề phòng mưa bão.
Nhiều người mặc dù đi sớm nhưng vẫn không mua được món đồ mình cần vì "cháy hàng".
Trong khi đó, hầu hết các siêu thị trên địa bàn TP. Hà Nội, mặc dù sức mua có tăng so với những ngày trước đó nhưng trên các kệ hàng vẫn đầy ắp thực phẩm, hàng hoá.
Khác hẳn với cảnh "cháy hàng" ở các chợ dân sinh thì một số siêu thị lớn không xảy ra tình trạng này, hàng hoá vẫn rất dồi dào.
Lượng khách ghi nhận trong 2 ngày hôm nay đông hơn trước.
Rau củ quả và các loại thực phẩm thiết yếu trong siêu thị vẫn rất nhiều với giá cả ổn định.
Mặc dù nhu cầu tăng nhưng một số siêu thị lớn vẫn khá dồi dào hàng hoá, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Hàng hoá đầy kệ phục vụ nhu cầu của người dân tại siêu thị Big C sáng nay.
Trao đổi với PV, đại diện siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội) cho biết, ngày hôm qua và sáng nay, lượng khách đến siêu thị mua sắm thực phẩm thiết yếu tăng đột biến. Riêng tối qua, siêu thị đã phải mở cửa thêm 1 giờ để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
“Thông thường thì 22 giờ siêu thị đóng cửa nhưng hôm qua 23 giờ mới dừng đón khách vào mua sắm. Tuy lượng khách đến mua sắm đông hơn một số ngày bình thường khác nhưng hàng hoá vẫn đủ đáp ứng hết nhu cầu của người dân, không có tình trạng hết hàng xảy ra”, đại diện siêu thị Big C cho hay.