Từ chiều 6/9 đến nay, rất nhiều gia đình ở Hà Nội đã phải tận dụng nhiều vật liệu để gia cố, chằng chống nhà cửa trước khi bão số 3 (Yagi) đổ bộ vào đất liền.
Ghi nhận của PV Báo Sức khỏe và Đời sống tại khu đô thị Nam An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) sáng ngày 7/9 cho thấy, do lo ngại bão số 3 gây mưa lớn, người dân sống, kinh doanh tại khu vực các dãy nhà liền kề dọc mặt đường Lê Trọng Tấn đã sử dụng nhiều loại vật liệu để gia cố nhà cửa trước khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền.
Theo quan sát, tại khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng ngập úng khi Hà Nội có mưa to nên ngay khi có khuyến cáo của các cơ quan chức năng ứng phó với bão số 3, người dân đã chuẩn bị nhiều phương án để phòng, chống.
Trao đổi với PV, anh Thêm - một người dân ở khu vực này cho hay: "Hầu hết khi mưa lớn, nhiều hộ gia đình tại đây đều bị ngập phần hầm để xe nên để chủ động, các hộ gia đình đã chuẩn bị sẵn tấm thép cỡ lớn để che chắn ngăn nước vào".
Bên cạnh đó, do dự báo hoàn lưu bão số 3 sẽ khiến Hà Nội có mưa rất to, gió giật mạnh nên nhiều gia đình đã sử dụng các vật liệu khác như gạch đá, đất cát cho vào từng bao tải để chặn trước cửa hầm hoặc trước cửa cuốn của căn nhà.
Người dân khu nhà liền kề tại Hoài Đức (Hà Nội) sử dụng các bao tải cát che chắn, ngăn mưa lớn gây ngập hầm
Lo lắng mưa do bão số 3 gây ra rất lớn, nước có thể ngập đổ vào các hầm, nhiều nhà đã chuẩn bị các tấm inox cao hơn 60 - 80cm hay dùng thêm các bao tải cát để che chắn, đắp thành rào nhiều tầng.
Hàng chục bao cát được đắp cao trước cửa hầm một hiệu sách trên đường Lê Trọng Tấn.
Người dân dùng các tấm inox cao 60 - 80cm phòng nước gây ngập hầm.
Các bao cát được đặt bên ngoài có công dụng thấm nước nhằm hạn chế nước tràn vào hầm.
Một vài nhà dân thiết kế riêng những tấm thép có thể mở, đóng mỗi khi cần chống ngập.
Người dân "đắp đê" trước cửa nhà để phòng, chống bão số 3.
Ngoài ra, nhiều nhà dân cũng tận dụng mọi loại vật liệu để gia cố, che chắn mưa ngập.
Theo báo cáo của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, đêm 6/9/2024, bão số 3 đã đi vào Vịnh Bắc Bộ, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 17; từ ngày 7/9, bão sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ gây gió mạnh, mưa lớn (lượng mưa phổ biến 100-350mm, cục bộ có nơi trên 500mm), nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các đô thị, vùng thấp trũng, sạt lở đất, lũ quét ở trung du và miền núi.