Dùng bằng lái xe quốc tế có giá trị ở Việt Nam không?

Ngày 22/03/2018 14:12 PM (GMT+7)

Sau clip đăng tải trên mạng xã hội phản ánh 01 người vi phạm luật giao thông có xuất trình Giấy phép lái xe quốc tế nhưng Đội CSGT Cát Lái không chấp nhận, nhiều người đặt câu hỏi: Giấy phép lái xe thế nào thì được sử dụng ở Việt Nam?

Đoạn clip xôn xao trên mạng thể hiện Trung úy CSGT nói với người vi phạm rằng, bằng lái quốc tế vô giá trị tại Việt Nam.

Như tin đã đưa, ngày 20/3, trên mạng xã hội facebook đăng tải và chia sẻ clip kèm hình ảnh một người điều khiển ô tô bị CSGT giữ bằng lái và phương tiện vì cho rằng GPLX quốc tế không phù hợp để tham gia giao thông tại Việt Nam. Người vi phạm cho rằng cán bộ CSGT Đội Cát Lái đã thiếu kiến thức về Công ước 1968 (Công ước về GPLX Quốc tế).

Dùng bằng lái xe quốc tế có giá trị ở Việt Nam không? - 1
Chiến sĩ CSGT xử phạt hành chính người có bằng lái xe nước Đức. (Ảnh: PLO)

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Trương Anh Tú – Trưởng Văn phòng luật sư Trương Anh Tú – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: “Giấy phép lái xe quốc tế có tên tiếng Anh là: International Driving Permit (gọi tắt: IDP)”.

Theo luật sư Trương Anh Tú, Điều 41.2.a.ii Công ước Vienna (bản chỉnh sửa có hiệu lực từ 29/3/2011) quy định: Quốc gia ký kết phải công nhận trường hợp được lái xe hợp lệ trên lãnh thổ của mình là “sở hữu giấy phép lái xe quốc tế phù hợp với nội dung Phụ lục 7 của Công ước, với điều kiện nó phải được xuất trình cùng lúc với giấy phép lái xe nội địa tương ứng”.

Còn theo pháp luật Việt Nam, việc sử dụng IDP được quy định tại Khoản 1 Điều 11 Thông tư 29/2015/TT-BGTVT. Cụ thể: “Người có IDP do các nước tham gia Công ước Vienna cấp khi điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên lãnh thổ Việt Nam phải mang theo IDP và giấy phép lái xe quốc gia được cấp phù hợp với hạng xe điều khiển; phải tuân thủ pháp luật giao thông đường bộ của Việt Nam”.

Như vậy, cả Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia và pháp luật Việt Nam đều thừa nhận giấy phép lái xe quốc tế được phép lưu hành tại Việt Nam và người lái xe phải mang đồng thời cả IDP và bằng lái của nước họ.

Dùng bằng lái xe quốc tế có giá trị ở Việt Nam không? - 2

Tính đến tháng 01/2016, có 73 nước là các bên tham gia của Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968. (Ảnh: Sở GTVT Kiên Giang)

Quay trở lại câu chuyện đang gây tranh cãi trên mạng xã hội, Việt Nam và Đức đều là thành viên của Công ước Vienna năm 1968 về Giao thông đường bộ; Nếu người tham gia giao thông là Việt kiều Đức đã xuất trình cho CSGT đồng thời IDP và bằng lái xe do nước CHLB Đức cấp thì cán bộ CSGT không được phép lập biên bản xử phạt chủ phương tiện về hành vi không có Giấy phép lái xe.

Việc cán bộ CSGT phát biểu “Bằng lái xe quốc tế vô giá trị tại lãnh thổ Việt Nam” như các clip được đưa lên mạng xã hội là không đúng quy định pháp luật.

Thiết nghĩ, sau “sự cố” này, Sở GTVT ở từng địa phương nên lưu tâm và chỉ đạo bổ sung nội dung nói trên vào công tác bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ cho các cán bộ CSGT để các đồng chí nắm vững được kiến thức pháp luật căn bản và có những hành xử chuẩn mực, tránh gây bức xúc và tranh cãi trong dư luận quần chúng như câu chuyện vừa qua.

Theo thông tin trên website Sở GTVT Kiên Giang, Giấy phép lái xe quốc tế có kích thước A6 (148 x 105cm) có ký hiệu bảo mật, bìa màu xám, các trang giấy bên trong màu trắng. Các trang đầu ghi thông tin cơ bản, phạm vi sử dụng bằng tiếng Việt và tiếng Anh, tiếng Nga, Pháp, Tây Ban Nha.

Người có giấy phép lái xe quốc tế phải mang theo người khi lái xe và xuất trình cùng giấy phép lái xe quốc gia trên lãnh thổ của các nước tham gia Công ước Vienna. Bằng lái xe quốc tế do Việt Nam cấp không có giá trị sử dụng trong lãnh thổ Việt Nam do đã có bằng lái quốc gia.

Giấy phép lái xe quốc tế có thể bị tước quyền sử dụng có thời hạn khi vi phạm quy định luật hiện hành nước sở tại nhưng không quá thời gian người lái xe rời khỏi nước đó.

Giám đốc Cảnh sát PCCC nói gì về vụ xe cứu hỏa bị tông trên cao tốc?
Thiếu tướng Hoàng Quốc Định khẳng định, việc xe cứu hỏa chạy ngược chiều trên cao tốc là đúng thẩm quyền, thuộc trường hợp được quyền ưu tiên.
Theo Trần Thủy
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h