Không chỉ đưa hàng loạt các tên tuổi của showbiz Việt như: Ngọc Trinh, Sơn Tùng-MTP, Bà Tưng… Mới đây, “Hậu duệ mặt trời”, “Vợ người ta” cũng được đưa vào đề thi.
Thậm chí, đề thi học kỳ II môn Ngữ văn lớp 12 ở một tỉnh tại Tây Nguyên khiến không ít người cảm thấy sốc vì đề thi có phần khó hiểu, “hại não” học sinh.
Đề thi Ngữ văn của Sở GD&ĐT Gia Lai dành cho học sinh khối 12 có trích đoạn được cho là “hại não”. Ảnh: TL
Đua nhau ra đề thi “hại não”
Gần đây, hiện tượng “soái ca” trong phim “Hậu duệ mặt trời” được đưa vào đề thi Văn đã dấy lên làn sóng tranh luận sôi nổi trên cộng đồng mạng. Cụ thể, đề thi môn Văn học kỳ II, lớp 12 của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (tỉnh Quảng Trị) có liên quan đến bộ phim “Hậu duệ mặt trời” chiếm 4 điểm, có nêu rõ: “Với niềm cảm hứng được gợi lên từ bộ phim cùng những gì văn bản này thể hiện, hãy viết một đoạn văn (không quá 15 dòng) với chủ đề: Nếu tôi là đạo diễn…". Nhiều học sinh ngán ngẩm bởi chưa từng xem phim này, thời điểm ra đề thi, phim này cũng chưa lên sóng truyền hình trong nước.
Cũng mới đây, đề thi học kỳ II, môn Ngữ văn lớp 12 của Sở GD&ĐT Gia Lai cũng gây “bão” trên mạng vì bị cho rằng “kỳ quặc”, “hại não”. Trong đề thi trích dẫn 1 đoạn: “Lửa là kết quả của số nhiều. Cô bé bán diêm là số đơn. Cô đã chết vì thiếu lửa… Nước Việt hình chữ “S”, hiện thân của số nhiều, lẽ nào không biết nuôi lửa và truyền lửa, lẽ nào thiếu lửa? Không có lửa, con rồng chẳng phải là rồng, chỉ là con giun, con rắn...”. Đề thi yêu cầu xác định phương thức biểu đạt trong đọan trích, thao tác lập luận, nêu nội dung chính, viết đoạn văn ngắn nói về sự cần thiết “nuôi lửa” ở lứa tuổi học sinh.
Thời gian gần đây các hiện tượng âm nhạc, thể thao, thậm chí những nhân vật tai tiếng trong showbiz Việt cũng được đưa vào đề thi của học sinh. Những đề thi này được đánh giá là “lạ”, tuy nhiên nó dường như đã trở thành trào lưu và bị lạm dụng khiến không ít học sinh, phụ huynh ngán ngẩm. Trước đó, không ít người bất ngờ khi hình ảnh nam ca sĩ “không phải dạng vừa đâu” Sơn Tùng M-TP vừa hát vừa ngậm kẹo được đưa vào đề thi thử môn Hóa học. Thậm trí, hai tên tuổi khá tai tiếng là “Nữ hoàng nội y” Ngọc Trinh và “Bà Tưng” có tên trong đề thi học sinh giỏi môn Văn lớp 12.
Một số chuyên gia giáo dục lý giải, sở dĩ các Sở GD&ĐT, một số trường học “đua nhau” ra đề thi theo hướng “mở” (chủ yếu là ở môn Ngữ văn) đó là do Bộ GD&ĐT khuyến khích. Đặc biệt, do thay đổi cách đánh giá chất lượng học tập của học sinh trong môn Ngữ văn theo hướng “phát triển năng lực”, tránh tình trạng “học vẹt”, “học tủ”. Thay vào đó, các câu hỏi để kiểm tra năng lực thực tế của thí sinh, bao hàm cả kiến thức các môn học khác, kiến thức về xã hội. Trong kỳ thi THPT Quốc gia, luôn có các câu hỏi “mở” xuất hiện ở các môn xã hội.
Chỉ hợp với học sinh thích “chém gió”
Đánh giá về cách ra đề thi “mở” trong môn Ngữ văn trong thời gian gần đây, TS Trịnh Thu Tuyết (nguyên giáo viên Ngữ văn Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội) cho rằng: “Đề thi môn Ngữ văn, đặc biệt là ở kỳ thi THPT quốc gia luôn có phần “mở”, điều này tương đối phù hợp với thực tế hiện nay. Học sinh phải biết cách đọc, hiểu văn bản và thể hiện năng lực trình bày, nhận xét của mình. Điều này đòi hỏi học sinh phải nắm chắc kiến thức sách giáo khoa, dành chút thời gian mỗi ngày nắm bắt cập nhật thông tin mới của cuộc sống, của quê hương đất nước. Giáo viên cũng tập dượt cho các em làm quen để không bị lúng túng”.
Trong kỳ thi THPT Quốc gia, Bộ GD&ĐT đã áp dụng hình thức ra đề “mở” ở các môn như: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý. Học sinh và xã hội đón nhận khá tích cực, nhiều thí sinh hào hứng khi làm các bài thi khơi gợi nét đẹp trong cuộc sống, tình yêu quê hương, biển đảo… Song, việc ra đề thi ở phạm vi cấp trường, cấp tỉnh, thành lại bộc lộ khá bất cập. Việc lạm dụng đưa các nhân vật “có tiếng” trên phim, sân khấu hay đoạn văn nào đó khiến nhiều học sinh khó hiểu, dễ có cái nhìn sai lệch vì chưa được định hướng.
Trên thực tế, những đề thi “mở” luôn khó cho người nghĩ ra nó, càng khó hơn khi đề thi có được học sinh hưởng ứng, một đề thi “lạ”, gắn với tên tuổi nổi tiếng chưa chắc đã là một đề thi hay. Đi tìm cái mới mẻ không nhất thiết cứ phải đưa các kiến thức của xã hội, thời sự, giải trí vào đề thi. Nếu mượn hình ảnh ca sĩ, người nổi tiếng trong showbiz có khi phản tác dụng, học sinh cho rằng người đó được xã hội ghi nhận, được tung hô… từ đó học theo những cái chưa tốt.
Từng nhiều năm dạy môn Ngữ văn, NGƯT Đặng Đình Đại - Hiệu trưởng Trường THPT Wellsping - Mùa Xuân Hà Nội cho rằng, đề thi ra theo hướng “mở” phù hợp với điều kiện hiện nay, nhằm khơi gợi khả năng tự học của học sinh. “Đa phần học sinh thích thú, vì được “chém gió” trên giấy thi. Song, đề thi “mở” cần phải bám sát với khả năng học, vận dụng kiến thức của học sinh. Nếu khi học trên lớp các em được làm quen thì đến lúc thi sẽ không bị rối. Đề “mở” cần có đáp án và cách chấm “mở”. Người chấm phải đón nhận góc nhìn riêng của học sinh thay vì máy móc chấm theo barem” - NGƯT Đặng Đình Đại chia sẻ thêm.
Theo Bộ GD&ĐT, cấu trúc, độ khó của đề thi THPT Quốc gia 2016 sẽ tương tự năm trước và đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ những năm gần đây. Với các môn học xã hội, đề thi theo hướng mở, yêu cầu thí sinh phải vận dụng những hiểu biết xã hội, kiến thức các môn liên quan để làm bài, hạn chế việc học thuộc lòng các sự kiện. |