Khi cô giáo Kyle Schwartz bắt đầu dạy một lớp 3 tại trường tiểu học Doull Elementary ở Denver, bang Colorado, Mỹ, cô muốn biết rõ hơn về từng em học sinh nên đã yêu cầu mỗi em học sinh đặt câu theo mẫu “Em ước cô giáo biết rằng”.
Sau khi đưa ra yêu cầu, cô Schwartz đã nhận lại những câu trả lời hết sức ngạc nhiên. Nhiều em học sinh đã phải vật lộn với sự nghèo khổ (Em ước cô biết rằng em không có bút chì để làm bài tập), nhiều phụ huynh không quan tâm đến con cái (Em ước cô biết rằng thỉnh thoảng sổ liên lạc của em không được ký tên vì mẹ em thường không ở nhà), và nhiều bậc cha mẹ đã không thể ở bên con cái họ nữa (Em ước cô biết rằng em nhớ cha em rất nhiều, ông ấy đã bị trục xuất về Mexico từ năm em 3 tuổi và em đã không được gặp ông trong 6 năm qua).
Tiết học đó đã thúc đẩy cô Schwartz phải hành động. Cô đã bước sang năm thứ 5 trong nghề của mình, để thực sự hiểu được học sinh, cô đã phải gặp từng em sau giờ học để giúp các em tự tin và thành công trong học tập. Khi cô chia sẻ câu chuyện vào năm ngoái, nó đã gây xúc động với nhiều người, từ khóa #iwishmyteacherknew đã lan truyền trên mạng xã hội với tốc độ chóng mặt. Các giáo viên khác cũng đã làm điều tương tự để gần các em hơn.
"Em ước cô biết rằng cha của em phải làm đến hai công việc, và em không có nhiều thời gian để gặp cha".
"Em ước cô biết rằng em yêu gia đình mình".
Trong cuốn sách mới xuất bản của cô, cuốn “I Wish My Teacher Knew: How One Question Can Change Everything For Our Kids” (“Em muốn cô biết rằng: Câu hỏi có thể thay đổi mọi thứ với những đứa trẻ”), cô Schwartz đã cho biết, giáo viên và phụ huynh phải thật sự cùng nhau hành động để giáo dục con trẻ.
Em ước cô biết rằng em và gia đình em phải sống trong một nơi trú ẩn tạm thời.
“Tôi thật sự muốn các gia đình biết cách giáo viên đã làm để tạo mối quan hệ gần gũi với trẻ em. Các em sẽ không học hỏi khi các em không cảm thấy an toàn hoặc việc đó không có giá trị”, cô Schwartz cho biết.
"Em ước cô biết rằng mẹ của em có thể đã bị ung thư vào tuần này và em phải sống không nhà ba lần trong năm nay".
Phụ huynh Melody Molinoff ở Washington, D.C., đã có hai đứa con trai 9 và 11 tuổi đang học trường công lập, đồng ý với lời tâm sự của cô giáo.
“Phụ huynh nên xem giáo viên như người bạn đồng hành trong việc nuôi dưỡng con em mình, đó là một trách nhiệm lớn lao mà chúng ta đang đặt lên vai các giáo viên và nhà trường. Tôi luôn muốn giáo viên của con trai tôi phải đặt ra các tình huống để con biết được mình là ai, mình thích điều gì, và biết thêm về chính mình”, bà Molinoff chia sẻ.
"Em ước cô biết rằng em trai của em sợ hãi nhiều thứ và em rất lo lắng khi phải thức dậy vào giữa đêm".
Mary Clayman, giáo viên lớp 4 tại trường công lập Washington, cho biết cô cảm nhận được những điều tương tự từ bên kia bàn giáo viên. “Tôi đã dạy dỗ hơn 500 trẻ trong suốt sự nghiệp của tôi, và các bậc cha mẹ luôn muốn biết con của họ giao tiếp xã hội và thể hiện tình cảm như thế nào”.
"Em ước cô biết rằng em yêu động vật và em muốn làm tất cả mọi thứ vì động vật. Em muốn được làm việc tại tổ chức MSPCA để có thể giúp đỡ những thú vật bị bỏ rơi".
Trong cuốn sách của mình, cô Schwartz viết về những sai lầm hoàn toàn có thể ngăn chặn được nếu như biết rõ hơn về học trò của mình. Cô có một cậu học trò tên Chris, rất sợ hãi môn khoa học. Cô Schwartz nghĩ sẽ là một cơ hội tốt nếu em Chris chịu theo học khóa rèn luyện hè. Nhưng cô không hề biết rằng gia đình em gặp khó khăn về tài chính, cha mẹ em không thể nghỉ làm để đưa em đến dự khóa học.
"Em ước cô biết rằng cha mẹ em đã ly dị, em là một trong 7 người con. 5 trong số 7 người con là con trai".
Cô Schwartz cho biết, lớp học có thể trở thành một môi trường đầy tính nhân văn nhằm giúp đỡ các em học sinh khó khăn. Nhà trường nên có các quỹ hỗ trợ cho những học sinh đã trải qua cuộc khủng hoảng, như vậy mới giúp các em vững mạnh để đối mặt và vượt qua trở ngại.
“Là những giáo viên, chúng tôi biết cha mẹ là những thầy cô giáo đầu đời và tốt nhất của các em, và chúng tôi muốn họ cùng chúng tôi phát triển trẻ em từng ngày”, cô chia sẻ.