Hình ảnh những học sinh lớp 4-5 khiêng những chiếc bàn xuống cầu thang đã bị một phụ huynh ghi lại. Sự việc này nhanh chóng thu hút sự quan tâm của các bậc phụ huynh.
Hai luồng ý kiến trái chiều cũng ngay lập tức được xác lập. Trong đó, đa số phụ huynh đều cho rằng việc lao động là cần thiết, là chuyện bình thường như Hiệu trưởng của trường này đã giải thích. Một số ý kiến khác thì tỏ ra đồng tình với phụ huynh đã ghi hình lại cảnh tượng trên. Bởi theo họ, lao động với học sinh là việc bình thường, nhưng cũng cần chọn việc phù hợp với các em. Di chuyển bàn ghế ở địa hình cầu thang trúc trắc, dễ khiến cho các em gặp tai nạn.
Tôi không biết học sinh ở thành phố như thế nào. Tuy nhiên đối với chúng tôi, những học sinh ở vùng nông thôn thì quả thực, lao động ở trường là một việc hết sức bình thường.
Tôi nhớ lần kỷ niệm 60 năm thành lập trường, một học sinh cũ của trường giờ đã trở thành một người thành đạt, trong bài phát biểu của mình đã nhắc đến giai đoạn trường mới thành lập. Cơ sở vật chất thiếu thốn, địa hình mấp mô. Người học sinh đó đã kể lại những ký ức không quên về những ngày lao động, những buổi học sinh phải trằn mình trong nắng để bê đất đá, lấp chỗ trũng, cạo chỗ lồi. Việc lớn cho tới việc nhỏ, ai cũng đều trải qua. Lúc đó, chắc trong mỗi người cũng không ai xét đoán xem đó có phải là việc phù hợp không, nhưng nó mãi là ký ức, ký ức đối với người học sinh kia là ký ức đáng tự hào, vì những việc làm ấy của lứa học sinh ngày ấy đã góp phần tạo dựng trường hôm nay.
Tôi cũng không quên được những ngày lao động dọn mương, thông đường thủy lợi ở một địa điểm cách trường cả chục km. Những kênh rạch bốc mùi hôi thối vì rác thải, bùn ngập đến ngang đầu gối. Chúng tôi phải làm đến quá trưa mới hoàn thành nhiệm vụ. Thầy giáo chủ nhiệm dẫn đám học sinh đi ăn kem như một phần thưởng xứng đáng.
Học sinh phải khiêng bàn ghế là chuyện bình thường? (Ảnh internet)
Lao động ở trường ngoài hoạt động thường niên, nó còn là một hình phạt có tính chất răn đe khá hiệu quả. Thời đó, đối với những học sinh vi phạm kỷ luật sẽ bị bắt đi lao động. Những công việc được thầy cô ưa thích áp dụng cho học trò là rào lại cây, quét vôi lớp…
Có thầy giáo vui tính còn nghĩ ra một trò lao động khá hài hước. Ông thầy này bắt học sinh phải tưới cột điện bằng thìa. “Cứ tưới đến khi nào cột điện nó no nước thì thôi”, thầy yêu cầu. Dĩ nhiên, cột điện đến bao giờ mới no nước, khi đến khi thầy cảm thấy hình phạt đã đủ sức răn đe, cho nghỉ mới thôi.
Trường hợp những học sinh lớp 4, lớp 5 bị bắt khiêng bàn ghế kể trên bên cạnh lý lẽ cho rằng lao động là bình thường, là cần thiết thì lý lẽ ngược lại bày tỏ, lao động cần phải phù hợp với lứa tuổi cũng đáng lưu tâm.
Chuyện phù hợp với lứa tuổi thật ra cũng khó có tiêu chí nào để đánh giá. Thậm chí nó còn phải có một nghiên cứu khoa học mới có thể kết luận được chính xác. Nhưng trong trường hợp kể trên thì một yếu tố rủi ro có thể xảy đến với các em đó là việc trượt ngã trên bậc cầu thang. Hơn nữa, ở lứa tuổi này các em thường xuyên trêu đùa nhau, rất dễ dẫn đến chấn thương cho các em.
Nhưng ngược lại, trong tình huống cần di chuyển một lượng bàn ghế như vậy thì trường có giải pháp nào không? Thuê mướn lao động tự do? Không khả thi vì trường không phải là đơn vị dồi dào kinh phí cho những việc như vậy. Huy động thầy cô tự khiêng bàn ghế? Không phù hợp lắm, vì nếu chỉ mang tính chất nêu gương, thầy cô khiêng một hai chiếc còn được.
Vậy nên lựa chọn những học sinh lớp cuối cấp chắc chắn cũng đã được tính toán đến yếu tố phù hợp. Bởi vậy theo cá nhân người viết, trong tình huống này chỉ cần có sự giám sát của giáo viên, để đảm bảo có thể khiến các em tập trung vào công việc, ngăn chặn kịp thời những trường hợp rủi ro có thể đến, gia tăng số lượng các em để làm sao sức nặng được chia đều… thì hoàn toàn có thể chấp nhận được.
Lao động là vinh quang hay sự đày ải, lựa chọn hai cái này cũng giống như lựa chọn về phương pháp giáo dục con cái. Có người chọn bao bọc con cái trong vòng tay của mình, có người lại muốn ném con em ra xã hội để tự trưởng thành. Quan điểm sẽ tạo ra góc nhìn là vì thế.