Dịp sơ kết học kỳ I, chưa kịp biết con xếp loại học sinh gì thì nhiều phụ huynh đã “méo mặt” vì các khoản quỹ phải đóng cho học kỳ II.
Quỹ phụ huynh cả trăm triệu
Mới đi dự họp buổi sơ kết học kỳ I của con cuối tuần qua, chị Nguyễn Thị Huyền (tập thể Thanh Xuân Nam, Hà Nội) có con học lớp 1 ở một trường tiểu học công lập vẫn chưa hết bức xúc về các khoản đóng góp cho con. Chị Huyền chia sẻ: “Trong buổi họp phụ huynh, cô giáo thông báo khoản tiền học tháng 1 gần 1,5 triệu đồng. Đó đều là những khoản cố định của nhà trường thôi, nhưng đến khi đại diện Ban phụ huynh của lớp đọc các khoản thu - chi trong học kỳ qua chúng tôi mới thấy “sốc”.
Ảnh minh họa
Trong học kỳ I, quỹ phụ huynh thu mỗi cháu 400.000 đồng. Cả lớp thu được gần 20 triệu đồng và số tiền này đã được chi hết sạch cho các khoản như: trang trí lớp học dịp Noel, dịp 20/11, mua bánh kẹo, phần thưởng cho các cháu, phong bì cho giáo viên và Ban giám hiệu nhân ngày 20/10, 20/11… Cộng thêm khoản thu 400.000 đồng vừa rồi cho quỹ phụ huynh học kỳ II, cùng với tiền đóng đầu năm 1 triệu đồng/học sinh để mua điều hòa, bổ sung bàn ghế, rèm cửa… thì từ đầu năm học đến nay, Ban phụ huynh của lớp đã thu được gần 100 triệu đồng rồi”.
Nói về tiền quỹ phụ huynh của con, anh Trần Tuấn Anh (đường Lương Thế Vinh, Hà Nội) có con học lớp 2 trường Tiểu học Đ.T.C chia sẻ: “Họp phụ huynh xong mà tôi cứ ấm ức mãi. Sau phần phát biểu, nhận xét của giáo viên, đại diện Ban phụ huynh của lớp đọc một danh sách dài của những khoản tiền đã chi trong học kỳ vừa qua, sau đó yêu cầu đóng thêm 400.000 đồng/học sinh tiền quỹ học kỳ II. Cũng có một số phụ huynh đưa ra ý kiến về khoản này, khoản nọ chưa hợp lý cần giải thích, nhưng rồi đều bị đại diện Ban phụ huynh gạt đi với lập luận “chúng tôi làm cũng chỉ vì các con”, rồi cô giáo cũng đứng ra nói đỡ. Vậy là chẳng ai muốn ý kiến nữa”.
Bấm bụng đóng tiền dù biết vô lý
Anh Nguyễn Quang Hải (đường Phúc Tân, Hà Nội) có con học lớp 11, trường THPT Q.T cho biết: “Gần đến Tết, biết bao khoản chi tiêu, vậy mà hôm họp phụ huynh vừa rồi, tôi phải đóng gần 2 triệu đồng tiền học cho con, bao gồm tiền học phí 200.000 đồng/học kỳ, tiền học thêm các buổi chiều của tháng 1, tiền quỹ 500.000 đồng (gồm cả tiền quỹ lớp và quỹ cha mẹ học sinh trường). Quỹ này lập ra chủ yếu là dùng để thăm hỏi, tiền cho cán bộ, giáo viên dịp 20/10, 20/11... Tôi thấy các khoản tiền quỹ phụ huynh học sinh thu cao mà chi vô lí quá. Ví dụ như khoản tiền thuê người quét dọn vệ sinh lớp học. Các cháu lớn rồi, vậy mà vẫn phải thuê người quét lớp, dọn vệ sinh ư?”.
Khi cái Tết đã cận kề, các gia đình có rất nhiều khoản phải chi tiêu nhưng vẫn bấm bụng trích ra một khoản tiền dành dụm để nộp tiền học cho con, trong đó có các khoản quỹ Ban phụ huynh. Có khoản thu - chi không minh bạch, thiếu khách quan khiến một số phụ huynh cảm thấy ngại họp, ngại gặp đại diện Ban phụ huynh học sinh, thậm chí đã có ý kiến nên giải tán Ban này vì cho rằng, nó tồn tại dường như chỉ có mục tiêu chính là thu tiền.
Nhiều năm nay, để đối phó với các khoản tiền tự nguyện, tiền quỹ thu vô tội vạ, ngành GD&ĐT các quận, huyện ở Hà Nội đã có quy định khống chế mức trần của quỹ Ban phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, sang năm học 2014-2015, nhiều địa phương vẫn chưa có chỉ đạo cụ thể về tiền quỹ này dẫn đến tại một số trường vẫn xảy ra tình trạng thu quỹ cao, gây bức xúc cho phụ huynh học sinh. Trong khi đó, nhà trường và giáo viên lại đứng ngoài cuộc, để việc thu quỹ diễn ra tùy theo Ban phụ huynh học sinh định đoạt.
Theo điều lệ Ban phụ huynh học sinh (do Bộ GD&ĐT ban hành tháng 11/2011), Ban phụ huynh học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện như: bảo vệ, vệ sinh lớp học, vệ sinh trường, khen thưởng cán bộ, giáo viên, mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học… Thế nhưng, theo phản ánh của nhiều phụ huynh, tiền quỹ của Ban phụ huynh học sinh vẫn dùng chủ yếu để phục vụ các hoạt động này.
“Tổ chức, cá nhân có hành vi cố ý cản trở việc thực hiện điều lệ Ban phụ huynh học sinh, vi phạm các quy định của điều lệ Ban phụ huynh học sinh và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến hoạt động của Ban phụ huynh học sinh thì tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật”. (Trích điều lệ Ban phụ huynh học sinh do Bộ GD&ĐT ban hành) |