Khi nghe những điều này được chia sẻ một cách nửa đùa nửa thật bởi nữ nhiếp ảnh gia Helena Vân - người từng đoạt 100 giải thưởng ảnh quốc...
Gặp gỡ người phụ nữ 20 năm giúp hàng nghìn người tìm lại hạnh phúc
"Tôi muốn chia sẻ rằng, tư vấn tâm lý không phải là trò chuyện hay chơi cùng khách hàng… Nó là cả một quá trình với những “kỹ thuật” trị liệu khác nhau giúp người bệnh từ chỗ u sầu trở nên tích cực, yêu cuộc sống và hạnh phúc với những gì đang có", tiến sĩ Lã Linh Nga chia sẻ.
Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), chúng tôi may mắn được trò chuyện với người phụ nữ có gần 20 năm công tác trong nghề tìm lại hạnh phúc cho mọi người. Đó là Tiến sĩ Lã Linh Nga – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Tâm lý – Giáo dục (Hà Nội). Cuộc trò chuyện giúp chúng tôi hiểu rõ hơn công việc cũng như khó khăn khi làm nghề chuyên gia tư vấn tâm lý.
- Cảm ơn chị đã dành thời gian để gặp gỡ và trò chuyện giữa khoảng thời gian bận rộn như thế này…
Tôi vừa hoàn thành luận án tiến sĩ về sức khỏe tâm thần cộng đồng. Hiện tại ngoài giờ tư vấn tâm lý cho khách hàng, tôi còn tham gia nghiên cứu, giảng dạy và diễn thuyết tại các buổi hội thảo dành cho chị em phụ nữ với những chủ đề khác nhau nhằm tạo ra – tìm lại hạnh phúc. Có thể nói công việc khá bận nhưng có thể chủ động sắp xếp để làm tốt mọi việc.
- Với cường độ làm việc dày đặc, chị có phải phân bổ thời gian “xây dựng” tổ ấm hạnh phúc cũng như giây phút nghỉ ngơi của bản thân?
Gia đình rất quan trọng đối với mỗi người, dù làm nghề gì đi chăng nữa cũng phải cố gắng dành thời gian để “dựng xây”. Người làm tâm lý lại càng phải cân đối thời gian cho người thân hơn nữa.
Gần 20 năm qua, tôi luôn có quan điểm rõ ràng “thời gian ít nhưng chất lượng”, như thế sẽ có ý nghĩa. Tôi thường tan làm từ lúc 18-18h30, sau đó về nhà dành 30 phút nấu cơm rồi thưởng thức bữa tối cùng cả nhà.
Thời gian đó, tôi sẽ trò chuyện với chồng con thật vui vẻ. Tôi luôn hỏi con đi học có vui hay không, chứ không bao giờ nhắc đến điểm số hay gây áp lực chuyện học tập. Ăn xong, gia đình tôi cùng nhau dọn dẹp: các con cùng dọn bàn ăn, ông xã cho bát vào máy rửa… Từ 20h đến 22h, tôi sẽ có thời gian thảnh thơi, xem con học như thế nào hoặc rủ ông xã lượn phố, xem tivi…
Tôi chỉ dành cho gia đình vài tiếng đồng hồ buổi tối nhưng chất lượng: vui vẻ, hạnh phúc!
- Người ta nói, người làm nghề tư vấn tâm lý chính là người “soi đèn” giúp người khác tìm lại hạnh phúc cho chính mình, theo chị điều đó có đúng không?
Nghề của tôi có rất nhiều khó khăn và góc khuất. Song tôi chưa bao giờ có ý nghĩ từ bỏ cả. Tôi luôn nghĩ đến những điều tích cực khi làm nghề - điển hình nhất chính là mình đã góp phần tìm lại hạnh phúc cho người khác, giúp họ có cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống.
Tôi nhớ nhất là chuyện của một bạn nữ rất xinh đẹp bị trầm sảm sau sinh. Bạn ấy cầu toàn đến độ lo lắng, căng thẳng quá mức, liên tục xảy ra mâu thuẫn với mẹ chồng, nghĩ chồng có người phụ nữ khác bên ngoài. Tôi đã lắng nghe những tâm tư của bạn ấy và hướng dẫn bạn ấy cách suy nghĩ tích cực hơn, không còn bị suy nghĩ quá nhiều, bỏ bớt sự cầu toàn trong cuộc sống.
Bạn ấy có người giúp việc, mẹ chồng đỡ đần nhưng không bao giờ tin tưởng, cứ khư khư ôm con. Thậm chí bạn ấy sẵn sàng làm hết mọi chuyện liên quan đến chăm con, đi làm soi camera liên tục. Tôi giải thích rằng: “Nếu em đã hướng dẫn người giúp việc cẩn thận, hãy tin tưởng họ. Em chỉ cần đi làm về thấy con ổn thì mọi chuyện ổn, còn người ta bỏ bê con sẽ khác hẳn”. Cuối cùng bạn ấy đã chấp nhận thay đổi.
Tôi cũng xin gặp gia đình và đồng nghiệp để nhờ hỗ trợ, giúp bạn ấy có thời gian “chữa lành”. Đó chính là nâng đỡ, tạo điều kiện cho họ bình phục… Bạn ấy đã ổn hơn rất nhiều sau vài tháng điều trị tâm lý.
Tôi từng điều trị cho hàng nghìn khách hàng nhưng ấn tượng nhất với bạn nữ này. Bởi chúng tôi vẫn tương tác với nhau qua mạng xã hội dù không còn tư vấn. Thi thoảng bạn lại gửi hình ảnh gia đình cùng nhau đi du lịch, bày tỏ rõ sự hạnh phúc và vui vẻ. Thậm chí có đợt bạn nhắn tin cho tôi rằng: “Chị ơi! Em sang thăm chị một chút, không phải xin tư vấn dù đôi lúc cũng khó khăn. Song em đã vượt qua được bằng cách hình dung chị đang nói chuyện với em. Sau đó em thấy ổn”.
Trong tâm lý đó không chỉ là can thiệp mà còn là đồng hành dõi theo như mình đang ở bên họ. Đó là hành trình rất ý nghĩa, đem lại hạnh phúc cho người làm nghề lẫn khách hàng.
- Được biết, ngành Tâm lý học hiện rất hot với điểm đầu vào đại học dao động từ 27-28 điểm. Có nghĩa đây chính là nghề được xã hội cần và quan tâm?
Tôi có thể quay ngược về quá khứ - thời điểm vừa tốt nghiệp đại học? Ngày đó, có rất ít trung tâm tư vấn tâm lý. Tôi mất thời gian khá dài để “bơi” vì khi ấy nghề tư vấn tâm lý nói riêng và tâm lý học nói chung rất mới mẻ, hầu như không được quan tâm. Tôi mày mò nghiên cứu, trau dồi kinh nghiệm từ bậc tiền bối, trao đổi chuyên môn thường xuyên với các đồng nghiệp khác và chuyên gia nước ngoài.
Thời điểm đó, lớp đại học của tôi không nhiều người bám trụ với tấm bằng cử nhân tâm lý học. Còn lại các bạn tìm hướng đi khác để phát triển sự nghiệp vì có rất ít công việc liên quan đến tâm lý.
Bước ngoặt quan trọng là khi tôi làm cho một tổ chức phi chính phủ, được học tập ở nước ngoài. Tôi mở mang được rất nhiều điều và càng tâm huyết với các hoạt động tư vấn, hỗ trợ tâm lý cộng đồng. Song lúc đó còn ít người biết và tin tưởng vào tư vấn và trị liệu tâm lý, hễ có vấn đề là đi bệnh viện tâm thần.
Sau này xã hội phát triển, con người được tiếp cận với nhiều kiến thức cũng như hiểu biết hơn về sức khỏe tâm thần và tâm lý. Họ dần “mở lòng” với chuyện có một ngành nghề mang tên – tư vấn tâm lý. Nhiều người khi gặp vấn đề gì liên quan đến tâm lý cũng chủ động tìm đến các nhà trị liệu thay vì vào bệnh viện tâm thần thăm khám hoặc âm thầm chịu đựng.
Vài năm trở lại đây, xã hội phát triển mạnh với những thay đổi chóng mặt về kinh tế, nghề này hot, các bạn trẻ cũng lựa chọn gửi gắm tương lai vào nó. Tôi mừng, cảm thấy hạnh phúc vì sự thay đổi đó.
- Có ý kiến cho rằng nghề này rất đơn giản, chỉ cần nói cũng ra tiền. Chị bình luận như thế nào về điều này?
Cũng có người chưa hiểu nên cho rằng tư vấn tâm lý chỉ đơn thuần là chơi – nói chuyện là… ra tiền. Tôi từng tư vấn cho một vị khách hơn năm trời, có tiến bộ nhất định, từ suy nghĩ của một người đầy tiêu cực đã có thể đấu tranh với nó để trở nên tích cực, yêu cuộc sống hơn.
Chị ấy tự thừa nhận rằng cảm thấy bản thân đã ổn nhưng nghĩ rằng do bác sĩ kê đúng đơn thuốc. Tôi phải nhắc lại cho chị hiểu rằng thuốc chỉ góp một phần giúp sức khỏe ổn định hơn, còn chuyện có thể thay đổi suy nghĩ từ tiêu cực sang tích cực là cả quá trình tập luyện suốt thời gian qua.
Tôi muốn chia sẻ rằng, tư vấn tâm lý không phải là trò chuyện hay chơi cùng khách hàng… Nó là cả một quá trình với những “kỹ thuật” trị liệu khác nhau giúp người bệnh từ chỗ u sầu trở nên tích cực, yêu cuộc sống và hạnh phúc với những gì đang có.
- Vậy nghề tư vấn tâm lý có khó khăn gì?
Có một chị là nhân vật khá thành công trong lĩnh vực truyền thông đã đưa con đến trung tâm tư vấn. Chị ấy tự nói rằng: “Nghề của em vất vả nhỉ? Chị chịu đựng con chị rất nhiều. Nói đúng, nó cũng bảo tại sao lại đúng, sai cũng bảo vì sao sai rồi hạnh họe đủ thứ. Nhà chị căng thẳng lắm, chỉ muốn trốn con”. Tôi mừng khi khách hàng của mình nhận ra điều đó.
Nhà trị liệu phải nghe rất nhiều câu chuyện, trải nghiệm tiêu cực từ khách hàng. Đôi khi nó vắt kiệt sức của mình, gây ra sự mệt mỏi. Thậm chí, nhà trị liệu có thể bị ám ảnh bởi câu chuyện của thân chủ.
Khó khăn thứ hai chính là yếu tố độc hại từ nghề nghiệp: hứng năng lượng tiêu cực, lời nói tiêu cực, thù hận xung quanh và nghi ngờ chính mình. Họ tấn công nhà trị liệu dưới góc độ xem chúng tôi chẳng ra gì.
Tôi từng có một khách hàng làm tổng giám đốc doanh nghiệp vừa dẫn con đến đã nói lời xin lỗi: “Con nhà nhà mình tinh tướng lắm! Nó đi đâu cũng coi người ta không biết gì, đi mấy nơi đều chê nhà tâm lý lẫn bác sĩ. Mình muốn nói với bạn rằng nó hỗn thì hãy thông cảm”. Tôi có chút choáng ngợp nhưng không thấy lạ lẫm vì thực tế xảy ra nhiều.
Trường hợp đó tôi làm việc với bé ấy rất hợp tác và có hiệu quả. Thực sự khi mình sẵn sàng giúp đỡ mà khách hàng không hợp tác hoặc tỏ thái độ xem thường thì cũng rất buồn lòng.
Cũng có trường hợp khách hàng có hành vi nguy hiểm. Tôi từng tiếp một học sinh nam đang có xung đột nặng nề với bố. Khi bố đưa đến tư vấn, bạn ấy đang rất tức giận vì hai bố con vừa đi đường vừa cãi nhau. Lúc đó tôi còn rất trẻ, chưa kịp chào hỏi đã thấy bạn ấy ném vèo cái mũ bảo hiểm đi, chạy sồng sộc lên rồi lại xuống cầu thang, mắt đỏ ngầu. Cũng may có chú bảo vệ tham gia cùng để trấn an và đảm bảo an toàn cho bạn ấy và tôi. Cái đó cũng là yếu tố nguy cơ (tức nguy hiểm) trong nghề nghiệp của tôi.
- Trong gần 20 năm làm nghề, chị có bao giờ rơi vào tình cảnh oái oăm nào hay không?
Có chứ (trầm ngâm). Khách hàng vô tình đưa đẩy tôi vào rất nhiều tình huống khó xử nhưng vẫn phải cố hoàn thành trách nhiệm của một nhà trị liệu. Điển hình như trường hợp gia đình biết tình trạng bệnh rất nặng, phải đưa vào viện điều trị nhưng bệnh nhân không chịu vào, đòi đi chuyên gia tâm lý.
Tôi không nỡ từ chối, đành chấp nhận tư vấn xem sao. Song họ đến đây lại la hét, quậy phá nhằm gây khó khăn, cản trở tôi làm việc. Hoặc có trường hợp bệnh nhân không coi họ có vấn đề, gia đình bắt đến thì… đến cho xong. Tôi thấy làm việc với những người đó rất mệt, thách thức nhà trị liệu ghê lắm.
Cũng từng có trường hợp hai vợ chồng đến tư vấn hôn nhân gia đình nhưng người chồng nói riêng với tôi là “Em tư vấn giúp anh làm sao để vợ anh chịu bỏ anh. Anh không chịu nổi nữa”. Trong khi đó, người vợ lại rất yêu chồng và không muốn chia tay vì sợ bố mẹ sốc, không chịu đựng được.
- Nghề tư vấn tâm lý quả thực có rất nhiều khó khăn khiến người ngoài cuộc chẳng thể ngờ tới…
Chưa hết! Tôi muốn chia sẻ thêm câu chuyện có một số học sinh cấp III xin tư vấn online. Các cháu nói rõ nhu cầu muốn tư vấn nhưng không có tiền, không thể chia sẻ với người nhà hay ai khác. Sau đó trẻ xin tôi tư vấn miễn phí.
Tôi rất thương nhưng theo nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp, trẻ vị thành viên tư vấn không có sự đồng ý của bố mẹ/người nhà thì chỉ có thể hỗ trợ một phần nhất định. Sau đó tôi tìm cách xin thông tin để liên hệ với gia đình cháu nhưng có trường hợp không để lại thông tin gì cả. Tôi trăn trở và buồn, cứ văng vẳng bên tai câu “cháu chỉ muốn chết, cháu không muốn sống”. Chỉ biết hy vọng bạn trẻ đó sẽ bình tĩnh hơn, không làm gì dại dột. Sau đó tôi phải trao đổi với kế toán là bản thân giúp trẻ hoặc tự bỏ tiền túi ra trả.
Quả thực gần 20 năm qua, tôi tiếp đón và trị liệu cho hàng nghìn người với muôn vàn tình huống dở khóc dở cười. Thậm chí tôi cũng từng rơi những giọt nước mắt vì khách hàng nhưng đổi lại là rất nhiều niềm vui, hạnh phúc khi chứng kiến người bệnh/người có vấn đề tâm lý tìm lại chính mình, tìm lại nguồn cảm hứng sống!
Cảm ơn chị đã có những chia sẻ về nghề! Chúc chị Ngày 20/10 luôn vui vẻ, vững bước trên hành trình giúp mọi người hướng tới hạnh phúc.
Tin liên quan
Không chỉ là “ngôi sao sáng” trên bầu trời văn học Việt Nam, ông còn là một Danh nhân văn hoá được cả thế giới biết đến và mến mộ. Cuộc đời...
Hiện tại kênh Tiktok của Phương Mai đạt gần 5 triệu lượt thích, hơn 350.000 người theo dõi. Video của cô nàng luôn thu hút sự quan tâm của...
Hai cô nàng được cha đặt cho cái tên chẳng giống ai, thậm chí độc lạ đến ngỡ ngàng.
Tin bài cùng chủ đề Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10
Ngày 20/10, với những người phụ nữ ấy chẳng khác gì những ngày thường trong năm. Họ vẫn miệt mài mưu sinh, lặng lẽ trên những góc phố, gánh trên vai bao lo toan "cơm áo gạo tiền".