Tôi còn nhớ có câu nói rất hay, lên án sự vô cảm của con người như một căn bệnh quái ác: “Nơi lạnh lẽo nhất không phải ở Bắc Cực, mà ở nơi không có tình thương”.
Những người được sống hôm nay...
Cố soạn giả cải lương Trọng Nguyễn (Nguyễn Phú Xuân) - nguyên Chủ tịch Hội văn học - Nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu, sinh năm 1933, quê ở Cà Mau, là tác giả bài ca cổ “Giọt sữa cuối cùng” (viết năm 1997) về gương hy sinh anh dũng, đầy cảm động của liệt sỹ Nguyễn Thị Tư và đã trở thành một ca khúc nổi tiếng vang mãi trong lòng người mộ điệu. Ông đã mất trưa ngày 25-1-2018.
Sinh thời, ông kể lại: “Có lần tôi nghe người bạn kể về sự dũng cảm anh hùng của chị Nguyễn Thị Tư ở xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Lần theo lời kể, tôi đã tìm đến căn nhà lúc chị hy sinh, gặp bà Hà - người chứng kiến giây phút quyết tử của chị Tư. Bà Hà nói: “Bọn lính hằn học: “Chồng mày đâu, đồng đội mày đâu?”.
Tác giả bức ảnh.
Chị Tư dõng dạc trả lời không biết và mắng vào mặt bọn phản dân hại nước. Họng súng đen ngòm chĩa thẳng vào chị. Chị vẫn ung dung cho bé Mỹ Linh bú, chị biết đây là những giọt sữa cuối cùng dành cho con. Súng nổ từ phía sau lưng, chị Tư ngã xuống. Đứa bé khóc thét bên bầu sữa mẹ... Nghe chuyện, tôi xúc động. Bài ca cổ “Giọt sữa cuối cùng” đã ra đời với xúc động rưng rưng làm lay động hàng triệu trái tim...
Đứa bé 10 tháng tuổi trong bức ảnh bú những giọt sữa cuối cùng 46 năm về trước, nay là bà Lê Mỹ Linh, 47 tuổi. Cách nay 8 năm, chị đã theo chồng về sống tại tỉnh Sóc Trăng. Mừng xuân Mậu Tuất 2018, chị sửa soạn lại tươm tất bàn thờ người mẹ anh hùng là liệt sỹ Nguyễn Thị Tư tại quê chồng thuộc xã Vĩnh Lợi, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng. Vợ chồng chị Linh có 2 con, đứa trai út đang học THPT còn cô con gái lớn đang học ngành sư phạm.
Hồi ức về người mẹ dũng cảm, anh hùng thì chị được nghe từ ngoại và các cô dì chú bác kể lại. Từ khi có bài ca “Giọt sữa cuối cùng”, mỗi lần nghe là chị lại ngồi khóc nhớ về người mẹ kính yêu mà chưa bao giờ hình dung nổi bằng trí nhớ của đứa trẻ mới tròn 10 tháng tuổi. Mỹ Linh lớn lên với cuộc sống nghèo khổ trong vòng tay bà ngoại. Năm 23 tuổi, cô lấy chồng, mở tiệm tạm hóa nhỏ buôn bán, chồng làm ruộng chắt chiu dành dụm nuôi con học hành. Căn nhà cũ bên Vĩnh Lợi giao lại cho người chị hai thờ mẹ.
Ba cô, ông Lê Văn Dõng (Năm Dõng) năm nay đã 82 tuổi. Cựu xã đội trưởng kiên gan, dũng cảm ngày xưa nhớ như in ngày trở về đơn vị thì nghe tin giặc giết vợ: “Bọn giặc hèn hạ, chúng lùng sục tìm bắt tôi và lãnh đạo xã Vĩnh Hưng không được, chúng quay sang tìm bắt vợ cán bộ để uy hiếp, buộc phải khai ra hầm bí mật của chồng và đồng đội. Do không khai thác được gì, chúng đã bắn từ phía sau lưng vợ tôi khi ấy mới 36 tuổi. Sống trong cảnh mồ côi, Mỹ Linh chưa bao giờ nguôi ngoai nỗi thương người mẹ anh hùng”. Cứ mỗi lần nghe lại bài “Giọt sữa cuối cùng” tới câu “Con hỏi mẹ đâu, sao không ai nói nên lời” là lòng tôi cứ nghẹn ngào tràn dâng...
Chị Mỹ Linh và các nhà tài trợ tại buổi khởi công xây dựng căn nhà tình nghĩa.
Cố soạn giả Trọng Nguyễn đã xây dựng hình tượng người phụ nữ - một người mẹ - một chiến sĩ cách mạng đẹp đẽ: “Bọn giặc gầm lên: Chồng mầy đâu, đồng đội mầy đâu? Chị lắc đầu: “Tôi không biết!”. Thằng chỉ huy hất hàm ra lệnh: “Bắn!”.
“Khoan! Hãy chờ tôi giây lát”. Rồi chị gượng đứng lên giành lại đứa con từ trong tay giặc. Nước mắt tuôn trào, chị thầm gọi: “Con ơi, bú nhanh lên kẻo không còn kịp nữa. Ơi con tôi, ơi bầu sữa. Giọt sữa cuối cùng, con bú cạn nghe con...”.
Năm 1998, bà Nguyễn Thị Tư được Nhà nước truy tặng danh hiệu liệt sỹ và tỉnh Bạc Liêu xây tặng căn nhà tình nghĩa ngay trên nền nhà cũ ngày xưa ở Vĩnh Hưng, Vĩnh Lợi. Cám cảnh trước cuộc sống nghèo khó của chị Linh, cô bé 10 tháng tuổi được mẹ cho bú những giọt sữa cuối cùng trước khi hy sinh, cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã vận động các doanh nghiệp, các “Mạnh Thường Quân” ủng hộ 60,5 triệu đồng xây tặng gia đình chị Mỹ Linh căn nhà tình nghĩa tại quê chồng.
Ông Năm Dõng, chồng liệt sỹ Nguyễn Thị Tư.
Không gì có thể so sánh được sự thiêng liêng cao cả, vĩ đại của tình mẫu tử. Rất nhiều thế hệ phụ nữ Việt Nam đã hy sinh, cống hiến cho hòa bình, độc lập dân tộc những mất mát vô cùng to lớn, cả thiên chức cao quý nhất của người phụ nữ là quyền làm mẹ. Tổ quốc và nhân dân Việt Nam đời đời ghi tạc công lao những người phụ nữ, những người mẹ rất đỗi anh hùng, cao cả như liệt sỹ Nguyễn Thị Tư.