Gia đình có mẹ Việt Nam anh hùng không biết quyền ưu tiên này. Họ cũng không nắm rõ những chính sách ưu đãi của Nhà nước với gia đình mình như thế nào?
Nghe chúng tôi nói đến chuyện “Mẹ Việt Nam anh hùng” được cộng 2 điểm thi đại học, vợ chồng ông Trung (52 tuổi, ở Minh Khai, Từ Liêm, Hà Nội) giật mình, ngơ ngác.
Ông Trung bảo, người được gọi là mẹ Việt Nam anh hùng trong gia đình ông đã mất từ lâu, thi cử gì nữa. Mà nếu có bà mẹ Việt Nam anh hùng nào còn sống chắc cũng già lắm rồi, làm sao đi học được.
Ông Nguyễn Viết Trung (52 tuổi) vừa là con, cũng là cháu của liệt sĩ. Ông nội ông Trung hy sinh ở Bắc Giang từ thời kháng chiến chống Pháp. Bố đẻ ông Trung cũng trở thành liệt sĩ khi đang trinh sát ở Đồng Tháp Mười trong chiến tranh Việt - Mỹ. Khi đó ông Trung mới 7-8 tuổi. Bà nội ông Trung là Mẹ Việt Nam anh hùng nhưng đã qua đời từ lâu. Bây giờ, mẹ ông Trung (bà Nguyễn Thị Liên, hơn 70 tuổi) là người duy nhất trong gia đình được hưởng chế độ ưu đãi của nhà nước - vợ liệt sĩ.
Bằng “Tổ Quốc ghi công” do nhà nước truy tặng cho Bố của ông Trung.
Chúng tôi giải thích: Mẹ Việt Nam anh hùng không hẳn chỉ là những người mẹ của liệt sĩ trong chiến tranh mấy chục năm trước. Thời bình, vẫn có thể có những phụ nữ trẻ được phong tặng danh hiệu này nếu con cái họ hy sinh dũng cảm, có công với đất nước, xã hội...
Lúc này vợ chồng ông Trung mới: “À, ra thế”.
Theo ông Trung, sở dĩ chính sách cộng điểm cho Mẹ Việt Nam anh hùng nghe buồn cười, vì ông không hiểu rõ. Trước giờ ông cứ nghĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng phải là người già lắm rồi, phải là người có con hy sinh từ thời chiến tranh. Nếu quy định về danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng mở rộng đối tượng như vậy, chính sách của Bộ GD&ĐT đưa ra cũng là có lý. Bây giờ chắc chắn không thể có mẹ Việt Nam anh hùng thi đại học được. Sau này nếu có cũng chỉ ít mà thôi. Có quy định đó cũng là điều tốt.
Tuy nhiên ông Trung bảo: “Thú thực, trước giờ, chúng tôi có biết những chính sách ưu đãi của nhà nước với Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình liệt sĩ như thế nào đâu.”
Ông Trung giới thiệu cho chúng tôi về Bằng “Tổ Quốc ghi công” của bố và ông nội.
Ông Trung cho hay, hàng năm đến ngày lễ tết, xã huyện thông báo có quà thì gia đình ông nhận. Thỉnh thoảng TP. Hà Nội gửi giấy mời mẹ ông đi đại hội, gặp mặt những người có công. Gia đình chỉ biết vậy rồi chở cụ Liên đi.
PGS. TS. Trịnh Hòa Bình (GĐ Trung tâm nghiên cứu dư luận xã hội, Viện Xã Hội học) cũng cho rằng, đó là do sự thiếu rõ ràng trong chính các văn bản luật, nghị định, thông tư lâu nay. Nhiều văn bản được Nhà nước đưa ra thường gây tranh cãi, thắc mắc. Có những chính sách dễ bị người ta nghi ngờ, hiểu lầm. Ngay cả một câu chuyện nhỏ như “cộng điểm cho mẹ Việt Nam anh hùng” cũng có thể gây phản ứng lớn từ dư luận. |
Người đàn ông này cho biết, gia đình ông lâu nay vẫn thắc mắc một điều mà không biết nên hỏi ai. Ông không hiểu chính sách nhà nước quy định thế nào với gia đình liệt sĩ. Ông nội và bố ông Trung là liệt sĩ. Bà Liên (mẹ ông Trung) còn sống được hưởng chế độ vợ liệt sĩ. Vậy bà có được hưởng thêm chế độ con liệt sĩ hay không, hưởng như thế nào? Bản thân ông Trung cũng là con liệt sĩ, có được ưu đãi gì không?
Ông Trung tỏ ra rụt rè: “Gia đình tôi không dám đòi hỏi. Nhưng nghe nhiều người thắc mắc, thành ra cứ suy nghĩ mãi không biết hỏi ai.”
Một sự việc mà từ lâu gia đình ông Trung vẫn ấm ức là đổi tấm bằng “Tổ Quốc ghi công” của ông nội. Chả là tấm bằng này được cấp từ mấy chục năm trước, nay đã mối mọt, rách góc loang lổ nhưng gia đình ông vẫn cất giữ.
Nghe nói Nhà nước cho phép đổi bằng mới, ông Trung mang lên xã Minh Khai (Từ Liêm). Xã bảo không biết, phải mang lên huyện. Ông Trung lên huyện, huyện bảo không đủ thẩm quyền, chỉ lên Thành phố. Nhưng cụ thể ở đâu trên Thành phố thì đến nay gia đình ông Trung ... ngậm hột bí.
Ông Nguyễn Viết Trung cho rằng, những chính sách của nhà nước nhiều khi không đến được với người dân như ông. Nếu những quy định được giải thích cặn kẽ hơn, chắc không đến nỗi gây tranh cãi như vậy.
Th.S Nguyễn Duy Thắng (Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Xã hội, Viện Xã hội học) cho rằng, chuyện “cộng 2 điểm thi đại học cho Mẹ Việt Nam anh hùng” gây tranh cãi bởi những khái niệm, định nghĩa chưa được làm rõ. Lâu nay chúng ta đều nghĩ rằng Mẹ Việt Nam anh hùng phải là mẹ những liệt sĩ chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ. Chiến tranh đã qua rất lâu, bỗng dưng Bộ GD&ĐT lại đưa đối tượng này vào nên dễ gây sự phản cảm.
Chính sách ưu tiên đã có đối với con em liệt sĩ, thương binh, gia đình cách mạng. Chẳng có lý do gì lại đưa “Mẹ Việt Nam anh hùng” ra khỏi danh sách những đối tượng ưu tiên đó. Đây là một điều bình thường.
Để tránh sự phản ứng, trước hết các nhà làm chính sách phải làm rõ khái niệm và những quy định cụ thể liên quan đến “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Nếu khái niệm được làm rõ để người dân hiểu thì không ai tranh cãi về chính sách ưu tiên này.