Dư luận tranh cãi xoay quanh việc cộng điểm cho bà mẹ Việt Nam anh hùng dự thi đại học, đại diện Bộ GD cho rằng, thông tư 24 ra đời hướng tới quyền lợi của các đối tượng được ưu tiên và hoàn toàn phù hợp với hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam.
Bộ GD-ĐT vừa ban hành thông tư điều chỉnh các trường hợp được ưu tiên trong tuyển sinh năm 2013. Theo đó sẽ cộng điểm thi đại học cho bà mẹ Việt Nam anh hùng. Quy định này khiến dư luận xã hội tranh cãi và cho rằng Bộ GD-ĐT làm chính sách một cách máy móc, không khả thi vì khó có bà mẹ Việt Nam anh hùng nào có thể là thí sinh dự thi đại học, cao đẳng.
Ông Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục cho biết, thông tư 24 ra đời là để cụ thể hóa Pháp lệnh về người có công với cách mạng, Nghị định 31 của Chính phủ về việc ưu tiên cộng điểm đối với người có công.
“Thông tư bổ sung một số đối tượng được ưu tiên trong tuyển sinh, trong đó người có công và con của họ được ưu tiên trong tuyển sinh. Như vậy, thông tư này là phù hợp với hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam”, ông Khôi nói.
Thí sinh dự thi đại học năm 2013
Ông Khôi giải thích, bà mẹ Việt Nam anh hùng giờ không chỉ là những bà mẹ 80 tuổi, 90 tuổi mà bây giờ theo quy định mới người mẹ có con duy nhất đi bộ đội hy sinh thì cũng được Nhà nước xem xét phong là bà mẹ Việt Nam anh hùng. Những người trong diện này được hưởng ưu tiên nói chung và trong đó có công tác tuyển sinh đào tạo nói riêng. Mặt khác, các quy chế tuyển sinh không có quy định hạn chế tuổi để mọi người được học suốt đời. Do vậy, quy định này phù hợp với hệ thống văn bản của Nhà nước.
Theo ông Khôi, trước khi có thông tư, Bộ cũng đã có tính toán và cân nhắc kỹ đến đối tượng được ưu tiên là các thí sinh, các đối tượng được thụ hưởng là con của người có công với cách mạng theo nghị định 31 Chính phủ. Do đó, từ thời gian này đến 20/8, thí sinh sẽ được công bố điểm thi đợt 1 và từ ngày 21/8, các trường xét tuyển sinh, những thí sinh nào thuộc diện ưu tiên là con của người có công với cách mạng thì sẽ được cộng điểm ngay.
333 thí sinh bị kỷ luật
Trong buổi họp báo kết thúc kỳ thi tuyển sinh đại học vào chiều nay, Bộ GD-ĐT cho biết, cả hai đợt thi, toàn quốc có 258 trường đại học tổ chức thi. Tổng số thí sinh dự thi là 1.673.628, số thí sinh đến dự là 1.298.522, đạt tỷ lệ 77,60%, giảm 0,70% so với năm 2012.
Trong cả 2 đợt thi đại học năm 2013, cả nước 333 thí sinh bị xử lý kỷ luật, trong đó khiển trách 62, cảnh cáo 17, đình chỉ 254. 6 thí sinh đến muộn không được dự thi. 10 cán bộ tham gia công tác tuyển sinh bị xử lý kỷ luật trong đó khiển trách 7, đình chỉ 3.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho hay, chậm nhất đến ngày 31/7, các trường đại học hoàn tất chấm thi. Trên cơ sở kết quả của các trường, hội đồng điểm sàn sẽ họp bàn tính toán điểm sàn, nguyên tắc là bảo đảm chất lượng đầu vào, bảo đảm cơ cấu vùng miền, dựa trên kết quả thi của thí sinh.
Thứ trưởng Ga cho biết thêm, từ nay đến năm 2015, vẫn giữ “3 chung”, sau đó mới tính toán tiếp.
“Tuy nhiên, theo tinh thần của Luật giáo dục đại học, nếu các trường có phương án tuyển sinh phù hợp thì Bộ sẽ đưa ra lấy ý kiến dư luận, nếu được đồng tình thì Bộ sẽ cho phép trường tuyển sinh riêng”, ông Ga nói.
Thông tư số 24 sửa đổi, bổ sung đối tượng ưu tiên quy định tại quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/8/2013. Cụ thể, các trường hợp được bổ sung vào đối tượng 03 gồm: Bà mẹ Việt Nam anh hùng; người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; Người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; Các trường hợp khác như: Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học; Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; Người có công giúp đỡ cách mạng... cũng được bổ sung vào đối tượng 03. |