Nói đến chiều cao của từng người, vợ anh Lượng và 2 anh chị của anh cười lớn. Họ bảo chưa bao giờ đi đo cả vì đo cũng vậy, không đo cũng vậy. Riêng anh Lượng ngày trước có đo khi đi khám sức khỏe thì được dưới 1.3m.
Ở xã Tân Phước (Tân Hồng, Đồng Tháp), người dân quá đỗi quen thuộc với cảnh sáng sáng xuất hiện cặp vợ chồng... tí hon đi mời chào khách mua vé số. “Vợ chồng nó tên Lượng ở ấp trên, ai cũng biết cả. Gia đình nó có 5 anh chị em thì có tới 3 người lùn, cả vợ nó là 4. Cả nhà đều lùn nhưng sống lạc quan và vui vẻ lắm”, chú Tư – một người hàng xóm cho hay.
Sau đó chú Tư chỉ cho chúng tôi đến nhà anh Lượng. Căn nhà chỉ rộng vài chục mét vuông nhưng là nơi sinh sống của 5 mẹ con anh Lượng và 2 đứa cháu ngoại.
Gia đình có nhiều người tí hon nhất xứ miền Tây
Thấy chúng tôi, vợ chồng anh Lượng niềm nở đón chào và giới thiệu từng thành viên trong gia đình. “Kia là mẹ tôi, hoàn toàn bình thường. Bà sinh được 5 người con: chị đầu tiên và em út cao lớn giống mọi người, đã có gia đình riêng. Hiện vợ chồng chị lớn và rể út bươn chải xa nhà, riêng nhỏ em làm công ty gần đây.
Còn 3 anh em thứ thì ai cũng lùn cả: chị thứ hai năm nay 38 tuổi, anh thứ ba đã 36, vợ chồng tôi ngoài 30. Xưa giờ mấy mẹ con tôi cứ quẩn quanh ở cái ấp này thôi”, người đàn ông tí hon 32 tuổi nói.
Mẹ anh Lượng cho biết, ngày sinh đứa con gái đầu tiên, gia đình ai cũng hạnh phúc khi con dần lớn khôn. Sau đó vợ chồng bà lần lượt hạ sinh 3 người con. Tất cả đều chào đời với cân nặng hơn 3kg song bà nuôi mãi... nuôi mãi không thấy ai chịu lớn cả. Đến ngày các con lên 5 lên 7 bà ngỡ ngàng nhận ra con mãi chỉ là đứa trẻ lên 3.
Gia đình toàn người tí hon của anh Lượng.
“Tôi cũng chẳng biết vì sao 3 đứa nó lùn nữa. Nội ngoại 2 bên không ai có gen lùn cả. Ngày đó nghèo khổ, cái ăn chẳng đủ nên đâu có dám đi bệnh viện kiểm tra xem nguyên nhân do đâu?
Tuy nhiên vợ chồng tôi ai cũng băn khoăn sao các con lại lùn đến thế. Chúng tôi đánh liều sinh tiếp lần nữa. Cuối cùng bé út trưởng thành cao ráo nhất nhà. Từ ngày đó đến giờ tôi không còn bận tâm đến chuyện các con thấp bé nữa”, mẹ anh Lượng trải lòng.
Mẹ vừa dứt lời, anh Lượng liền vui vẻ chỉ vào 2 đứa trẻ cao gần bằng mấy anh chị em anh. Anh bảo đó là hai đứa con gái của nhỏ út đấy. Chúng kháu khỉnh và đáng yêu lắm, cao gần bằng cậu với dì.
Khi chúng tôi thắc mắc sao 2 đứa nhỏ lại ở đây, anh Lượng cho biết vì em gái làm việc gần nhà nên gửi mẹ và chị thứ hai chăm sóc giúp. “Chị thứ hai bị u nang nên yếu ớt lắm, không chạy được xe đạp hoặc đi bộ quãng đường dài là xỉu. Vì thế chị ở nhà giữ 2 đứa con nhỏ út, cơm nước rồi phụ mẹ tôi chuyện nhà cửa.
Còn anh thứ 3 buôn bán nhỏ. Tôi có mở có anh cái quán ngay trước nhà, khách vào mua thì bán nhưng đến khi thối lại tiền thì mẹ tôi ra giúp. Anh ấy biết mệnh giá từng đồng tiền một song lại không biết cộng trừ gì cả”, anh Lượng tâm sự.
Anh Lượng giới thiệu từng thành viên... tí hon trong gia đình.
Mặc dù là em áp út, anh Lượng lại là trụ cột trong nhà. Bởi anh hoàn toàn bình thường, do đó phải “gồng gánh” lo cho mẹ và các anh chị. “Mẹ tôi bảo, xưa tôi hơn 1 tuổi đã biết đi rồi, còn họ lên 6 lên 10 mới chập chững từng bước. Vì thế từ nhỏ tôi đã lanh lợi, được đi học, đến trường rồi lên Sài Gòn kiếm sống mưu sinh. Thậm chí tôi còn đi thi thể thao nữa, từng đoạt huy chương vàng”, người đàn ông miền Tây khoe.
Sống lạc quan, sống vui vẻ và không bon chen
Nói đến chiều cao của từng người, vợ anh Lượng và 2 anh chị của anh cười lớn. Họ bảo chưa bao giờ đi đo cả vì đo cũng vậy, không đo cũng vậy. Riêng anh Lượng ngày trước có đo khi đi khám sức khỏe thì được dưới 1.3m.
Mang trong mình hình hài như đứa trẻ 6-7 tuổi, mấy chị em trong gia đình ấy đã phải chịu người lời bàn ra tán vào của người đời. “Hồi tôi đi học, chúng bạn chế giễu nhiều lắm. Họ bảo 3 chị em tôi là người ngoài hành tinh nên mới không lớn được. Khi ấy tôi cũng chạnh lùng, tủi thân nhưng biết phải làm gì? Còn chị thứ 2 thì khóc lóc, anh thứ 3 không biết gì nên cứ vui vẻ. Thấy thế tôi đã động viên chị cố gắng vì ngoài xã hội còn bao người khó khăn hơn chúng ta.
Sau này lớn lên, chúng tôi đã không còn bận tâm với những phán xét, chê bai của thiên hạ nữa. Ai nói gì thì mặc kệ họ, họ nói họ nghe. Chúng tôi cứ bảo ban nhau sống tốt, sống đúng đạo đức con người. Bởi tôi tin rằng ông trời luôn có mắt, không đổi xử bất công với chị em tôi. Chúng tôi thiệt thòi về chiều cao sẽ được bù đắp thứ khác. Đó là sự lạc quan, sống vui vẻ, không bon chen”, anh Lượng thành thật.
Phương châm sống của gia đình tí hon này chính là vui vẻ, lạc quan.
Về chuyện riêng của anh Lượng, dường như anh may mắn hơn 2 anh chị của mình. Anh đã có một tình yêu đẹp và cuộc sống hôn nhân viên mãn. Ngày anh ở Sài Gòn đi bán vé số đã tình cờ quen rồi nên duyên với chị Đào – người con gái đất võ Bình Định có hoàn cảnh giống anh.
Sau thời gian tìm hiểu, cả hai đã kết thành vợ chồng vào tháng 10/2015. Họ quyết định trở về quê hương của anh Lượng làm ăn và cùng chăm sóc mẹ già và các anh chị.
“Về Đồng Tháp, vợ chồng tôi vẫn đi bán vé số kiếm sống. Tôi bán ở khu xa xa, mỗi ngày chừng 150.000 – 200.000 đồng. Còn bà xã bán quanh nhà cũng được vài chục. Với số tiền ấy, chúng tôi lo đủ cái ăn cái mặc của cả nhà giữa mùa dịch COVID-19. Dù không phải đồ ăn thức uống ngon như người ta nhưng không phải đói”, anh Lượng trải lòng.
Vợ chồng anh Lượng từng có một đứa con. Tuy nhiên khi chào đời, đứa trẻ bị thiếu oxy nên mất ngay sau đó. Từ ấy, họ không tính đến chuyện mang thai nữa, bởi người lùn tỉ lệ rủi ro khi có con vô cùng cao. Họ chấp nhận cảnh không con để lo cho cuộc sống của những người thân được ấm no.