Trong 8 ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2014, tình hình TNGT vẫn diễn biến phức tạp. Gia tăng số vụ TNGT và số người bị thương, đặc biệt là TNGT ở vùng nông thôn.
Gần 100% số vụ TNGT do bia rượu
Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, trong 8 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, toàn quốc xảy ra 530 vụ TNGT, làm chết 253 người, bị thương 563 người. So với 8 ngày Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 tăng 161 vụ, giảm 56 người chết, tăng 230 người bị thương.
Trong đó, đường bộ xảy ra 522 vụ, làm chết 246 người, bị thương 562 người. So với 8 ngày tết Nguyên đán 2013 tăng 158 vụ, giảm 56 người chết, tăng 232 người bị thương. Đường sắt xảy ra 7 vụ, làm chết 6 người, bị thương 1 người. Đường thủy nội địa xảy ra 1 vụ, làm 1 người chết.
“Gần 100% số vụ TNGT trong 8 ngày nghỉ Tết Nguyên đán liên quan đến sử dụng rượu bia rồi tham gia giao thông. Đặc biệt, TNGT xảy ra ở các tuyến đường liên thôn, liên huyện phức tạp”, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia nhận định.
Theo đánh giá, mật độ phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn cả nước trong đó có Thủ đô Hà Nội sẽ gia tăng nhanh chóng trong những ngày tới. Thêm vào đó, người dân sẽ đi du xuân, lễ hội đông đúc, vì vậy TNGT sẽ còn diễn biến phức tạp hơn.
“Tình trạng người tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy ý thức kém, không đội mũ bảo hiểm, kẹp 3, kẹp 4, lạng lách đánh võng, đi ngược chiều, không chấp hành pháp luật. Tình trạng say rượu bia vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông gây mất an toàn diễn ra khá phổ biến ở cả nông thôn và các thành phố lớn”, ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia nhận định.
Để giảm thiểu tối đa số vụ TNGT trong dịp lễ hội đầu năm 2014, Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc đã có công điện gửi Trưởng Ban ATGT các tỉnh, thành yêu cầu, khẩn trương chỉ đạo, triển khai một số biện pháp.
Cụ thể, Công an các tỉnh, thành huy động tối đa lực lượng CSGT phối hợp với các lực lượng công an khác đẩy mạnh tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm.
TNGT gia tăng do rượu bia
Lưu ý, vi phạm quy định về nồng độ cồn khi lái xe, chạy quá tốc độ. Xe khách chở quá số người quy định, đi xe mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, chở 3, chở 4 người.
Bố trí lực lượng ứng trực thường xuyên tại các tuyến, địa bàn có nguy cơ ùn tắc giao thông, nhất là tuyến QL1, QL4, khu vực TP Hà Nội, TP HCM và khu tổ chức lễ hội để kịp thời phát hiện và xử lý khi xảy ra ùn tắc giao thông, không để ùn tắc kéo dài
Nhà xe chặt chém
Qua đường dây nóng mà Ủy ban ATGT Quốc gia cung cấp đã tiếp nhận gần 580 lượt/8ngày, (chủ yếu tập trung vào ngày 28,29,30-1-2014, do thời gian đó người dân về quê ăn tết và ngày 3,4-2 do thời gian này nhiều người đi lễ chùa, quay lại nơi làm việc…). Riêng ngày 5 Tết, tức 4-2, nhận gần 80 lượt phản ánh.
Ông Thái cho hay, nội dung phản ánh chủ yếu là tình trạng tăng giá vé quá cao và xe chở vượt số người quy định. Qua phản ánh của người dân, Ủy ban ATGT đã chuyển lại cho các cơ quan chức năng có nhiệm vụ trực tiếp xử lý ngay.
Cụ thể xử lý một số trường hợp như nhà xe Anh Thu, Hoàng Mai chạy tuyến Nông Sơn, Quế Sơn từ Quảng Nam đi Sài Gòn đều tăng giá 1,1 triệu trong khi giá vé ngày thường từ 400-450.000 đồng/vé.
Giá vé xe của một số nhà xe từ Thanh Hóa; Nghệ An đi Hà Nội tăng giá vé gấp đôi. Bến xe Mỹ Đình không bán vé mà nhà xe bán vé tại xe. Hay, tại ga Yên Trung huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh, trong khi nhà ga thông báo hết vé thì nhân viên mặc áo đồng phục ngành đường sắt rao bán vé với giá gấp 3 lần…
Để chấn chỉnh tình trạng này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành chỉ đạo Sở GTVT siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô, kiểm tra chặt chẽ phương tiện và người lái xe về các điều kiện an toàn trước khi xuất bến.
Kiểm tra và xử lý nghiêm tình trạng tăng giá vé quá quy định, áp dụng biện pháp tước phù hiệu xe hoặc tước giấy phép kinh doanh nếu phát hiện vi phạm nghiêm trọng. Đồng thời xử lý kịp thời thông tin phản ánh của người dân về tình hình trậ tự ATGT và hoạt động vận tải qua số điện thoại đường dây nóng phục vụ Tết.