Giấc mộng 'đổi đời' và những cái chết của người Việt tại Angola

Ngày 24/03/2016 00:09 AM (GMT+7)

Chỉ vì muốn thoát nghèo, mơ ước có một cuộc sống sung túc cho những đứa con nheo nhóc mà nhiều người đã phải bỏ mạng tại đất nước Angola xa xôi. Những số phận này, có người thì bị chết vì bệnh sốt rét, có người thì bị bọn cướp hung tợn giết chết.

Hầu hết họ là những người nông dân nghèo, quanh năm lam lũ trên dải đất miền Trung cằn cỗi. Chỉ vì muốn thoát nghèo, mơ ước có một cuộc sống sung túc cho những đứa con nheo nhóc mà nhiều người đã phải bỏ mạng tại đất nước Angola xa xôi. Những số phận này, có người thì bị chết vì bệnh sốt rét, có người thì bị bọn cướp hung tợn giết chết...

Rời quê nghèo trong vai “con nợ”

Đầu tháng 3 vừa qua, có hai gia đình ở Hà Tĩnh liên tiếp nhận dược tin dữ từ Angola báo về, người thân của họ bị cướp bắn chết khi đang là trụ cột và là nguồn hy vọng cho cả gia đình. Những nạn nhân này không phải là những người đầu tiên ở Hà Tĩnh thiệt mạng tại Angola, họ là những người trong số hàng chục người Việt xấu số đã tử nạn tại đất nước châu Phi xa xôi này. Họ là những người đã rời quê nghèo với một khoản nợ để lại cho gia đình, mong ước sang Angola sẽ kiếm được nhiều tiền để trả nợ và thay đổi cuộc sống vốn “không thể ngóc đầu lên”.

Gạt dòng nước mắt trên gò má đen sạm, chị Hoàng Thị Mỹ ở thôn Hòa Vân, xã Cẩm Dương, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) kể lại: Năm 2006 chị lấy chồng là anh Nguyễn Văn Bình, đến năm 2014 vợ chồng chị sinh được 2 đứa con. Cuộc sống ở quê quá chật vật, làm lụng vất vả cũng không đủ trang trải gia đình, lại nghe có người giới thiệu đến “mối” đưa đi lao động ở Angola, vợ chồng chị đã quyết định để anh Bình xuất ngoại.

Để có tiền đi Angola, vợ chồng chị Mỹ đã phải bán con trâu là tài sản lớn nhất của gia đình, rồi vay mượn thêm 40 triệu đồng để lo chi phí cho anh Bình ra đi.

Giấc mộng đổi đời và những cái chết của người Việt tại Angola - 1

Chị Hoàng Thị Mỹ rơi vào tình cảnh mẹ góa, con côi khi chồng bỏ mạng tại Angola.

Cũng như vợ chồng chị Mỹ, anh Nguyễn Viết Hậu ở xóm 2, xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) sang Angola với một khoản nợ lớn để lại cho gia đình. Cũng bởi cuộc sống quá khó khăn, cách đây 2 năm, anh Hậu đã cầm cố tài sản, vay mượn được hơn 100 triệu đồng để sang Angola với lời hứa hẹn của một ông chủ người Việt là kiếm được hàng chục triệu đồng mỗi tháng.

Mặc dù biết sang Angola cũng phải lao động cật lực mới có được đồng tiền, nhưng dù sao cũng có thu nhập cao gấp mấy lần ở quê. Với gánh nặng 4 đứa con đang tuổi ăn học, tháng 3/2012, anh Nguyễn Tiến Duật ở xóm 3, xã Kỳ Hoa, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã quyết định vay vốn để sang Angola với hy vọng “đổi đời”.

Dù đã xác định là sẽ vất vả, nhưng những người ra đi từ những miền quê nghèo này không bao giờ hình dung được rằng cuộc sống ở Angola sẽ khốc liệt và gieo nên nỗi kinh hoàng cho họ đến dường vậy.

Những cái chết gây ám ảnh từ đất khách

Anh Nguyễn Văn Bình mới sang Angola được 5 tháng thì chị Hoàng Thị Mỹ bàng hoàng nhận được tin chồng qua đời vì bị sốt rét ác tính.

Đã hai năm nay, chị Mỹ vẫn chưa hết bàng hoàng, nỗi đau này có lẽ không bao giờ vơi đi với chị.

“Khi ở nhà anh ấy rất khỏe, làm lụng suốt ngày nhưng rất hiếm khi đau ốm, không ngờ sang bên đó lại không trụ được. Giờ mẹ góa, con côi, hàng ngày gồng mình với lo cuộc sống và trả nợ”, chị Mỹ ngẹn ngào nói.

Cũng như anh Bình, anh Nguyễn Tiến Duật sang Angola làm nghề phụ hồ cho các công trình xây dựng. Nhưng rồi căn bệnh sốt rét ác tính không buông tha cho anh. Anh Duật qua đời nơi đất khách quê người, bỏ lại vợ và bốn đứa con nheo nhóc ở quê nhà.

Trong vòng 5 năm trở lại đây, người dân Hà Tĩnh dường như đã không còn ngạc nhiên lắm khi nghe tin có người trong tỉnh tử vong tại Angola. Vì những cái chết do bệnh sốt rét, tai nạn lao động đã xảy ra nhiều và được các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin.

Tuy nhiên, thời gian gần đây có nhưng tin báo từ Angola về đã khiến cho người ta bàng hoàng, gieo nên nỗi sợ hãi trong những gia đình có người thân đang lao động tại đất nước này.

Ngày 5/3 vừa qua, ông Nguyễn Viết Hồng (bố của anh Nguyễn Viết Hậu) như bị sét đánh bên tai khi nghe tin con trai bị cướp bắn chết ở Angola

Ông Hồng cho biết, khi sang Angola, anh Hậu làm cho một ông chủ người Việt và được trả lương 15 triệu đồng mỗi tháng. Thấy công việc vất vả mà lương thấp nên anh Hậu tự ra ngoài làm nghề sửa xe, bốc vác hàng hóa, phụ hồ... để kiếm thêm thu nhập.

“Những người ở cùng với nó gọi điện về báo nó bị cướp bắn chết, tôi nghe mà như trời sập xuống. Khổ cho vợ con nó, nợ chưa trả hết, bây giờ lại phải xoay xở tiền để đưa thi thể nó về”, ông Hồng nức nở nói.

Mới chỉ trước đó 3 ngày, chị Nguyễn Thị Thư ở thông Đông Khê, xã Cẩm Nam, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đã chết lặng khi nhận được tin từ Angola báo về, chồng chị là anh Đặng Quốc Nghĩa bị bọn cướp bắn chết khi đang làm việc. Sự uất nghẹn khiến chị Thư không thể nói thành lời, bởi mới vài giờ trước đó, anh Nghĩa gọi điện về cho chị nói sắp nhận lương.

Giấc mộng đổi đời và những cái chết của người Việt tại Angola - 2

Anh Hồ Sỹ Lãm kể lại chuyện bị bọn cướp tấn công tại Angola và vết sẹo trên mặt do bị chúng chém.

Sống trong cảnh nơm nớp lo sợ từng giây, từng phút, và bị ám ảnh bởi những cái chết của đồng hương, có người đã quyết định vứt bỏ “giấc mơ đổi đời”, từ biệt Angola để về lại quê hương.

Anh Hồ Sỹ Lãm ở xóm Trung Hải, xã Kỳ Hải, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) sau hơn một năm lao động tại Angola đã phải gọi điện về cho vợ vay tiền gửi sang để về nước vào đầu tháng 3 vừa qua.

Anh Lãm cho biết, trong tháng 2, anh bị bọn cướp da đen tấn công 2 lần.

“Khoảng 3 giờ sáng 28/2, bốn tên cướp cầm hai khẩu súng và dao đột nhập vào nơi ở của tôi, khống chế anh Lĩnh ở cùng tôi rồi bảo tôi đưa tiền. Do lúc đó chúng tôi không có tiền trong nhà nên bọn chúng tức giận chém tôi một nhát vào mặt, chém anh Lĩnh một nhát ở hông. Sau khi điều trị mấy ngày ở bệnh viện Luanda, tôi liền báo cho người nhà gửi tiền sang để về nước. Tôi không dám ở thêm nữa, vì dù có làm ra nhiều tiền cũng chưa chắc giữ được tiền và tính mạng”, anh Lãm kể lại.

Cũng theo anh Lãm, vì cuộc sống ở Angola quá khắc nghiệt và nguy hiểm nên hiện nay có nhiều người Việt ở đó đã lần lượt về nước.

Quang Cường
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự