Hơn 100 năm qua, từ một lời nguyền kỳ lạ xuất phát từ tranh chấp dòng sông Thiên Phái, trai gái hai làng không dám nên duyên vợ chồng vì sợ “nửa đường đứt gánh”.
Trải qua hơn 100 năm, cảnh sắc hai làng Tiêu Bảng Hạ (nay là làng Thông, Yên Trung) và An Nhân (Yên Tân) thuộc huyện Ý Yên, Nam Định đã thay đổi nhiều.
Nhưng lời nguyền kỳ lạ từ thế kỉ trước do tranh chấp dòng sông Thiên Phái vẫn được truyền tục: “Nếu trai gái hai làng lấy nhau sẽ đứt quãng, gãy gánh giữa đường, không ai được hạnh phúc đến đầu bạc răng long”.
Gốc tích lời nguyền
Không ai ở làng Thông và làng An Nhân nhớ chính xác lời nguyền ấy đã có từ bao giờ, chỉ biết rằng hơn 100 năm qua, lời nguyền ấy đã được truyền lại qua các thế hệ.
Mường tượng trong trí nhớ của mình, ông Lại Văn Đức, người làng An Nhân kể lại, ông không biết rõ lời nguyền ấy có từ bao giờ nhưng từ khi sinh ra ông đã được nghe bố kể lại.
Sông Thiên Phái bắt nguồn từ núi Đọi Sơn, tỉnh Hà Nam chạy vòng vòng qua đất Ý Yên rồi đổ ra cống Hoàng Đan, hòa vào dòng sông Đáy. Con sông Thiên Phái là ranh giới tự nhiên giữa làng Thông và làng An Nhân (nay thuộc xã Yên Tân).
Dòng sông Thiên Phái, minh chứng lời nguyền vẫn còn hiện hữu.
Sông Thiên Phái cung cấp nước tưới tiêu cho mọi sinh hoạt hàng ngày. Sông đầy cá tôm, lại thêm đất phù sa ven sông cực kỳ tươi tốt, rất thuận lợi cho việc trồng cấy.
Bình thường, người dân hai làng Tiêu Bảng Hạ và An Nhân vẫn cùng nhau bắt cá trên sông một cách hòa thuận hoặc san sẻ cho nhau con tôm, con tép khi đói kém, mất mùa.
Nhưng đến khi người Pháp đắp cống ở thượng nguồn khiến cho lòng sông hẹp lại, dẫn đến việc cá tôm ngày càng khan hiếm. Trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, nguồn thức ăn lại bị cạn kiệt khiến cho những người nông dân càng phải thắt lưng buộc bụng.
Hai làng An Nhân và làng Thông làng nào cũng muốn giành con sông về mình để đánh bắt tôm cá. Từ đó diễn ra một cuộc tranh chấp phân chia ranh giới dòng sông, khiến nhiều cuộc “đụng độ” đã xảy ra.
Ông Lại Văn Đức kể lại gốc tích lời nguyền mà ông nghe được từ các cụ
Thanh niên trai tráng làng nào cũng ngày thì lo ra đồng cày cuốc, đêm đến lại chuẩn bị gậy guộc để đi đánh nhau. Dù chưa nghe đến chuyện có án mạng nhưng sứt đầu mẻ trán thì nhiều vô kể.
Thôn An Nhân đất chật người thưa nên quyết định bàn bạc “đánh nhanh rút gọn”. Phía bên kia là làng Thông đất rộng người lại đông nên thừa thế tha hồ càn quét, dùng ghe thuyền chở các thanh niên trai tráng vác gậy gộc qua lấn át. Thôn An Nhân biết bên mình ít người và yếu thế hơn nên đã viết đơn khởi kiện lên quan tri huyện.
Tại phiên xét xử, quan tri huyện mới đặt ra một câu hỏi cho cả hai làng: “Nếu cho rằng dòng sông ấy là của làng mình thì dòng sông ấy có tên là gì?”. Dân An Nhân nghe quan tri huyện hỏi mới ngớ người ra. Xưa nay người làng chỉ biết thả đăng, kiếm cá chứ có ai để ý xem con sông tên gì? Lúc ấy, người dân làng Thông mới trình bày: “Sông ấy là sông Thiên Phái”.
Nghe câu trả lời thấy hợp lý, quan xử dân làng Thông dành phần thắng. Người làng An Nhân không phục kết quả trên, cộng thêm lý do lúc tranh chấp dòng sông làng Thông không chỉ muốn lấy dòng sông mà còn đòi cả phần ruộng bên kia sông mãi tới tận lũy tre làng nên các cụ làng An Nhân đã có một lời thề độc: “Từ nay về sau, trai gái hai làng nếu lấy nhau thì sẽ đứt quãng, gãy đòn gánh, không ai được hạnh phúc tới đầu bạc răng long”.
Dòng sông Thiên Phái nay chỉ còn là một con kênh nhỏ phục vụ việc tưới tiêu.
Nhiều cặp đôi hiện đã mạnh dạn bước qua lời nguyền để se duyên
Cụ Nguyễn Cao Phong (85 tuổi), người làng An Nhân nhấp một ngụm trà rồi trầm ngâm nhớ lại: “Trai gái 2 làng từ đó tới giờ nên duyên vợ chồng cũng được khoảng hơn chục đôi. Nhưng không có đôi nào được “thuận buồm xuôi gió”. Đôi thì mất vợ, người mất con, kẻ thì mất chồng, nếu không thì cũng ốm đau bệnh tật liên miên.
Hiện nay, nhiều người tâm lý cũng đã thoải mái hơn nên cũng nhiều đôi cố vượt qua lời nguyền xưa để tìm hiểu, yêu thương lẫn nhau và kết duyên. Tuy vậy, không ít người vẫn lo lắng về lời nguyền sẽ ứng nghiệm vào cuộc sống của vợ chồng mà e dè”.
Vụ kiện tranh chấp dòng sông ấy đã qua cách đây hàng trăm năm, dòng sông Thiên Phái ngày ấy giờ đây đã không còn như xưa mà chỉ còn là một con kênh nước tưới tiêu cho đồng ruộng. Không biết tranh chấp đã được hoá giải chưa nhưng cả hai làng đã đều chung sống hoà thuận với nhau, yên ấm và hài hoà.