Giảm giờ làm việc để có thêm thời gian hẹn hò là mong muốn của nhiều người lao động. Một số chuyên gia nhận định, nếu giảm thời gian làm việc, cần có thêm cơ chế chính sách để đề xuất này đạt được mục đích.
Người ủng hộ, người băn khoăn...
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng tỷ suất sinh của Việt Nam đang ở mức thấp nhất ở Đông Nam Á (2 con/phụ nữ). Mức sinh giảm đã đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia có mức sinh thấp, đặt ra nhiều thách thức cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Trước thực trạng này, vừa qua, có đề xuất cho rằng, cần giảm giờ làm xuống còn 40 giờ/tuần để người lao động có thời gian đi hẹn hò, tìm bạn đời. Bên cạnh đó, việc giảm giờ làm còn giúp người lao động có thêm thời gian cho bản thân, chăm lo gia đình, cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Thông tin này đã và đang nhận về nhiều sự quan tâm.
Là nhân viên marketing của một công ty ở Hà Nội, công việc của chị Nguyễn Thanh Thu không chỉ bắt đầu từ 8 giờ sáng đến 17 giờ chiều mà những hôm nhiều việc, chị Thu phải chủ động làm thêm giờ. Trước thông tin giảm giờ làm, thu nhập vẫn được giữ nguyên để tạo điều kiện cho người lao động có thời gian hẹn hò, cân bằng cuộc sống, chị Thu bày tỏ rất ủng hộ.
Chị Nguyễn Thanh Thu.
"Nếu được giảm giờ làm và những người lao động được tận hưởng trọn vẹn khoảng thời gian đó thì là điều tuyệt vời. Tôi thường xuyên trong tình trạng ngập đầu với công việc. Vì chạy deadline, có những ngày nghỉ cuối tuần vẫn phải làm việc để kịp hoàn thành. Do guồng quay công việc, cuộc sống nên đành phải nghĩ, mình còn trẻ thì công việc là ưu tiên hơn cả", chị Thu chia sẻ.
Gắn bó với công việc văn phòng ở Hà Nội được hơn 5 năm từ khi ra trường, anh Hoàng Công Tiến luôn cố gắng hết mình cho công việc. Thế nhưng, nhiều năm phấn đấu cho sự nghiệp, anh Tiến nhận thấy, cuộc sống không chỉ có công việc mà bản thân anh và các mối quan hệ cũng cần phải được quan tâm.
"Tranh thủ những dịp nghỉ lễ, hay số ngày nghỉ phép mỗi năm, tôi thường đi du lịch hoặc tham gia hoạt động từ thiện cùng người yêu và người thân. Nếu giờ làm việc được giảm đi, tôi sẽ có thêm nhiều thời gian cho những hoạt động này, vừa giúp cải thiện sức khỏe tinh thần vừa giúp công việc hiệu quả hơn", anh Tiến nói.
Anh Hoàng Công Tiến.
Trước đề xuất giảm giờ làm việc, anh Nguyễn Kỳ Lân (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng bày tỏ ủng hộ nhưng không khỏi băn khoăn: "Nhiều bạn trẻ hiện nay có xu hướng lạm dụng điện thoại thông minh, mạng xã hội…, rất hạn chế tương tác trực tiếp với xã hội. Tôi tự hỏi, liệu thời gian làm việc giảm xuống, làm thế nào để những người trẻ có xu hướng này tận dụng thời gian hiệu quả và đúng mục đích như đề xuất hướng tới", anh Lân bày tỏ.Cần có thêm nhiều chính sách khác
PGS.TS Phạm Ngọc Trung - Trưởng khoa Văn hóa, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, đề xuất giảm giờ làm xuống còn 40 giờ/tuần để người lao động có thời gian đi hẹn hò, tìm bạn đời này là hợp lý. Việc giảm giờ làm việc cho người lao động không chỉ giúp họ được nghỉ ngơi, nâng cao sức khỏe thể chất mà còn cả sức khỏe tinh thần, tình cảm.
"Chính sách giảm giờ làm cho người lao động xuống 40 giờ/tuần chỉ là giải pháp ban đầu mang tính đột phá, tạo ra những điều kiện thuận lợi. Còn những vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách, hạ tầng xã hội và những điều kiện vật chất nữa thì mới có thể thúc đẩy được mối quan nam nữ thanh niên, mối quan hệ xã hội để họ tích cực hướng tới chuyện xây dựng gia đình bình thường và đồng đều.
Những hạ tầng xã hội chẳng hạn như: rạp chiếu phim, các câu lạc bộ, hay trên những chương trình truyền thông tivi, báo chí… Chúng ta cũng cần phải có những chương trình hay, gần gũi với giới trẻ nhiều hơn, để họ nâng cao nhận thức trách nhiệm xã hội với việc thành lập gia đình và sinh con. Ngoài ra cũng cần phải có giải pháp tăng thu nhập cho người lao động, hoặc có một quỹ nào đó để cho các câu lạc bộ hoạt động. Thông qua các câu lạc bộ, giới trẻ vừa có thể nâng cao thể lực, thể chất vừa có thêm cơ hội để kết nối, mở rộng mối quan hệ và tìm kiếm được ban đời của mình", GS.TS Trung phân tích.
TS. Vũ Thu Hương.
Còn theo TS. Vũ Thu Hương, một chuyên gia giáo dục nhận định, nếu giảm giờ làm, nguy cơ nhiều bạn trẻ độc thân sẽ dùng thời gian này sử dụng điện thoại thông minh hay mạng xã hội nhiều hơn, thay vì tham gia các hoạt động xã hội, tìm kiếm bạn đời cho mình. Để người lao động, đặc biệt là các bạn trẻ sử dụng thời gian được đề xuất giảm đúng mục đích, bên cạnh có cơ chế chính sách khuyến khích cũng cần có quy định quản lý thời gian này.
"Trước đây, nhiều tổ chức xã hội hoạt động cực kỳ mạnh như thanh niên xung kích, đoàn từ thiện và một số hội đoàn thể khác… thì bây giờ lại hạn chế rất nhỏ, ở một bộ phận thanh niên.
Nếu giảm giờ làm việc, chúng ta cần phải quy định thẳng luôn thời gian này để hoạt động xã hội, chứ không phải cho người lao động về và muốn làm gì thì làm. Bên cạnh đó, việc tham gia các hoạt động xã hội cũng cần có những ràng buộc về mặt quyền lợi. Ví dụ như, có thể xét tăng lương với những người lao động trẻ có tham gia những hoạt động xã hội. Lúc đấy, các hoạt động của các bạn sẽ sôi nổi hơn rất nhiều", TS Hương nói.