Giàn khoan Trung Quốc gây tiền lệ nguy hiểm ở biển Đông

Ngày 24/06/2014 21:47 PM (GMT+7)

Tiến sĩ Ian Storey thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore cho rằng Trung Quốc đang đưa ra tiền lệ chưa từng thấy ở biển Đông bằng hành động triển khai hàng loạt giàn khoan

Chưa đầy 2 tháng sau khi ngang ngược kéo giàn khoan Hải Dương - 981 trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc tiếp tục đưa thêm 4 giàn khoan nữa vào Biển Đông nhằm thỏa mãn sự tham lam nguồn dầu mỏ và khí đốt tại vùng biển này.

Giàn khoan Trung Quốc gây tiền lệ nguy hiểm ở biển Đông - 1

Dàn khoan HD 981 trên Biển Đông, tháng 5-2012 - Ảnh: XinhuaInternet

Cục Hải sự Trung Quốc tuyên bố giàn khoan Nam Hải số 2 và số 5 đã được triển khai ở khu vực giữa bờ biển tỉnh Quảng Đông và quần đảo Đông Sa hiện do Đài Loan kiểm soát. Giàn khoan Nam Hải 4 đã được đưa tới khu vực gần bờ biển Trung Quốc. Còn giàn khoan Nam Hải 9 nhiều khả năng sẽ được kéo vào vịnh Bắc Bộ, nơi Việt Nam và Trung Quốc vẫn đang tiến hành các bước để đàm phán phân định lãnh hải.

Trả lời phỏng vấn báo DW, Tiến sĩ Ian Storey thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore cho rằng việc Trung Quốc triển khai một loạt giàn khoan trên Biển Đông đã phơi bày tham vọng của Bắc Kinh nhằm tuyên bố quyền tài phán của mình trên vùng biển này.

Dưới đây là nội dung chi tiết bài phỏng vấn này:

DW: Có phải Trung Quốc đang đưa ra tiền lệ chưa từng thấy ở biển Đông bằng hành động triển khai hàng loạt giàn khoan?

Ian Storey: Đúng vậy, chúng ta có thể thấy Bắc Kinh sẽ triển khai thêm giàn khoan nữa trong tương lai.

Trung Quốc muốn gởi thông điệp gì tới các quốc gia láng giềng?

Bắc Kinh muốn thể hiện với láng giềng rằng họ muốn khẳng định cái mà họ gọi là “quyền lịch sử” đối với các nguồn tài nguyên đại dương như dầu mỏ, khí đốt và hải sản bên trong “đường chín đoạn” sai trái mà họ tự vẽ ra. Các chuyên gia pháp lý đều cho rằng “đường lưỡi bò” này không tuân thủ bất cứ quy định nào trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Động thái mới nhất này có nhất quán với chiến lược lãnh thổ của Trung Quốc ở biển Đông?

Từ trước tới nay, chúng ta luôn quan niệm rằng “lãnh thổ” phải là đất đai, và trong trường hợp này là các hòn đảo, rặng đá ngầm trên biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc đang có tham vọng biến các giàn khoan này thành những “lãnh thổ di động” trên biển nhằm tuyên bố chủ quyền và quyền tài phán của họ trong các vùng biển tranh chấp.

Các quốc gia Đông Nam Á có cách nào chống lại âm mưu này của Trung Quốc?

Các nước Đông Nam Á có rất ít lựa chọn để đối phó với những động thái này của Trung Quốc.

Các nước này vốn không hề muốn đối đầu với lực lượng quân sự Trung Quốc đang được đầu tư rất lớn về tiền của để hiện đại hóa trong hơn 2 thập kỷ qua.Về mặt ngoại giao, các nước Đông Nam Á có thể yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan, như cách Việt Nam đang làm song có vẻ như Bắc Kinh đang cố tình làm ngơ yêu cầu chính đáng này.

Tôi cho rằng lựa chọn tốt nhất của Việt Nam là khởi kiện việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương- 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam lên Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) tại La Hay. Tuy nhiên, dù cho ITLOS ra phán quyết có lợi cho Việt Nam thì tôi cho rằng Trung Quốc vẫn phớt lờ và không chịu rút giàn khoan dù cho hành động xấu mặt đó có khiến họ phải trả giá về danh tiếng của mình.

Cộng động quốc tế cần làm gì để giảm bớt căng thẳng trên biển Đông?

Mỹ sẽ không mạo hiểm xung đột với Trung Quốc vì sự hiện diện của các giàn khoan trên biển Đông. Cộng đồng quốc tế cần phải tiếp tục lên án những hành động đơn phương và khiêu khích của Trung Quốc, bởi những hành động này có nguy cơ hủy hoại hòa bình và ổn định trong khu vực. Ngoài ra, cộng đồng quốc tế cũng cần phải tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải trên biển Đông, đồng thời gây sức ép để Trung Quốc tauan thủ các điều khoản của UNCLOS.

Theo Đỗ Quyên (Theo DW) (Người Lao Động)

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot