Nhiều trẻ không được dạy sớm về giáo dục giới tính cùng với sự tò mò bắt chước người lớn đã tạo ra nhiều câu chuyện dở khóc dở cười.
Mẹ đẻ em bé từ... nách
Chị Nguyễn Thùy Liên (quận Cầu Giấy, Hà Nội) thú thật, tuổi thơ của chị luôn nghĩ em bé được ra từ nách hoặc từ rốn theo đúng câu trả lời của mẹ chị. Mặc dù bị cho là ngố nhưng chị Liên tự hào vì mình có một tuổi thơ trong sáng và đến khi trưởng thành mới hiểu hết về chuyện... người lớn. Áp dụng phương pháp này, khi cô con gái đang học lớp 2 hỏi em Tít sinh ra từ đâu, chị Liên trả lời nhanh là "Mẹ sinh em từ... nách".
Đa số trẻ bị cha mẹ "lừa" khi hỏi những câu về giới tính (Ảnh minh họa: Trường Đức Trí, Đà Nẵng).
Không chỉ có con gái chị Liên bị mẹ "lừa", nhiều trẻ khác cũng hiểu "những chuyện nhạy cảm" một cách mù mờ và đưa ra những câu hỏi ngộ nghĩnh cho người lớn. Có em còn đinh ninh mẹ có em bé là do ăn nhiều nên bụng lớn, cầm tay nhau là có bầu, thậm chí có một em nam kiên quyết tư tưởng lớn lên mới mặc quần "sịp" vì bố bảo thế.
Thực tế cho thấy, phần lớn cách giáo dục về giới tính của phụ huynh là chờ con lớn mới trả lời hoặc có phụ huynh ý thức dạy cho con nhưng lại trả lời kiểu đánh lừa như trên. Thế nên đã không ít câu chuyện xảy ra khiến phụ huynh phải giật mình như 2 trẻ mẫu giáo nằm ngủ ôm nhau cho giống bố mẹ, học sinh cấp 2 hôn nhau trong toilet, học sinh cấp 3 rủ nhau vào nhà nghỉ. Và vô vàn những hành động hồn nhiên diễn ra hàng ngày ở trường như bạn khác giới ôm nhau trêu đùa, vuốt má, giật tóc...
Cần giáo dục giới tính từ sớm
Nếu như trong chương trình cũ, lớp 9 học sinh mới hiểu về hệ sinh sản qua môn Sinh học thì bây giờ môn Khoa học lớp 5 đã bắt đầu cung cấp kiến thức này cho các em. Cụ thể, trong 21 bài đầu tiên về sức khỏe và con người, học sinh được học về sự sinh sản, nam hay nữ, cơ thể được hình thành thế nào, từ lúc mới sinh đến tuổi dậy thì, từ tuổi vị thành niên đến tuổi già, vệ sinh ở tuổi dậy thì, phòng tránh xâm hại...
Tuy nhiên, dù cuối cấp 1 các em được học về chuyện tế nhị nhưng theo TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ chương trình học ở lớp 5 là quá ít và quá muộn. Theo vị này, trẻ lớp 1 hoàn toàn phù hợp để cung cấp kiến thức về giới tính.
Học sinh tiếp cận kiến thức giới tính từ lớp 5 là quá muộn.
TS Hương cho rằng, trẻ em cần được giáo dục giới tính từ sớm bởi càng lớn các em càng tỏ thái độ ngượng ngùng khi nhắc đến. Kiến thức cũng phải thật cụ thể chứ không khoa giáo như trong sách giáo khoa hiện nay. Ví dụ như vệ sinh cá nhân như thế nào bởi nhiều trường hợp bé gái ở với bố sẽ không được hướng dẫn điều này. Và mỗi năm chương trình về giới tính cần được nâng cao hơn.
Trong trường, nên có câu lạc bộ giới tính để các em tham gia. Với học sinh lớp 5, lượng kiến thức giới tính cơ bản phải ổn chứ không phải ngu ngơ hay đỏ mặt khi nhắc đến như hiện nay.
Cũng trong buổi tư vấn về giáo dục giới tính cho trẻ mầm non, tiểu học của mình, TS Thu Hương đưa ra quy tắc bàn tay để cha mẹ dạy con cái tránh bị lạm dụng. Quy tắc bàn tay đó là: có 4 vòng tròn, vòng trong là bố mẹ thì được cầm tay; vòng thứ 2 là ông bà, anh chị, bạn bè thì được nắm tay; vòng thứ 3 là bạn bè bố mẹ, hàng xóm thì được bắt tay và vòng ngoài cùng là những người ít gặp thì xua tay.
Bên cạnh đó, TS Thu Hương cũng khuyên bậc cha mẹ không nên cấu véo, thơm hôn vào chỗ nhạy cảm của trẻ; bố với con gái, mẹ với con trai tránh thơm môi và ngủ cùng để trẻ ý thức về khoảng cách với người khác giới.