Giáo sư đầu ngành kể chuyện bác sĩ cắt nhầm động mạch máu

Ngày 21/10/2015 06:00 AM (GMT+7)

Thỉnh thoảng, ông cũng có nghe đến sai sót khi bác sĩ để quên dụng cụ y khoa trong bụng bệnh nhân sau khi phẫu thuật.

Bác sĩ không muốn tiết lộ sai sót y khoa

Trong cuộc làm việc với báo chí mới đây, GS.TS khoa học Phạm Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, xu hướng chung thế giới là các nhà quản lý, bác sĩ đều không muốn tiết lộ những sai sót y khoa. Ở Việt Nam, số báo cáo sai sót y khoa cũng thấp hơn nhiều so với thực tế. Trong khi đó, các nghiên cứu cho thấy, càng công khai những sai sót trong y khoa thì càng giảm được sai sót.

Ông kể, lúc còn làm Thứ trưởng Bộ Y tế đã chứng kiến một sai sót y khoa dở khóc dở cười. Ông cùng hai giáo sư đầu ngành khác đưa kỹ thuật, chỉ đạo, giám sát ghép thận đến bệnh viện Trung ương Huế. Trong ca ghép thận đầu tiên tại bệnh viện này, bác sĩ bất ngờ cắt vào động mạch chủ của người hiến thận khiến máu bắn lên trần nhà. Nếu bệnh nhân này tử vong, đồng nghĩa với kỹ thuật này sẽ bị khép lại tại Việt Nam.

Giáo sư đầu ngành kể chuyện bác sĩ cắt nhầm động mạch máu - 1

Giáo sư Phạm Mạnh Hùng

Ông Hùng vội kiểm tra rồi cùng hai giáo sư đầu ngành cố gắng thực hiện hết mọi khả năng có thể. Ông nhận định, trong ca phẫu thuật ấy, lỗi nằm ở bác sĩ. Đáng lẽ, trước khi lấy thận, bác sĩ phải lật quả thận lên rồi mới thao tác. Tuy nhiên, người này lại để nguyên và cắt nên trúng vào động mạch chủ.

Vị giáo sư cho biết thêm, sai sót y khoa phổ biến nhất là nhổ nhầm răng. Ngoài ra, sai sót khác cũng dễ xảy ra là phẫu thuật cắt động mạch tử cung. Bởi, động mạch tử cung lớn gần như niệu quản. Lúc phẫu thuật, một số bác sĩ sờ, cắt nhằm động mạch tử cung thay vì niệu quản. Thỉnh thoảng, ông cũng có nghe đến sai sót khi bác sĩ để quên dụng cụ y khoa trong bụng bệnh nhân sau khi phẫu thuật.

Giấu giếm sai sót y khoa vô cùng nguy hiểm

Có nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan dẫn đến sai sót y khoa, nhưng theo ông Hùng, một nguyên nhân không nhỏ là kiến thức không đầy đủ, thiếu kinh nghiệm của bác sĩ. Theo ông, đào tạo bác sĩ tại nước ta hiện nay vẫn chưa ổn. Ở nước ngoài, một bác sĩ được đào tạo trong vòng 9 năm, trong khi đó, nước ta đào tạo chỉ trong vòng 6 năm. Nếu chỉ đào tạo thời gian 6 năm, nước ngoài chỉ cho rằng đó là nhân viên y tế chứ không phải là bác sĩ.

Nhiều người, được đào tạo trong vòng 6 năm, cho rằng kiến thức của mình đã đủ nên khám và chữa bệnh tràn lan. Ông cho rằng, nếu không thay đổi cách đào tạo thì ngành y tế sẽ rất khó phát triển.

Giáo sư đầu ngành kể chuyện bác sĩ cắt nhầm động mạch máu - 2

Sai sót y khoa vẫn còn rất nhiều

Ông nhìn thẳng vấn đề, hiện tại, trong nước vẫn có những “bàn tay vàng”, có trình độ không hề thua kém so với nước ngoài nhưng con số ấy là rất hiếm. Ông đề nghị, đừng nhìn vào những con người này mà cho rằng ngành y của ta ngang bằng với trình độ thế giới.

Giáo sư cũng cho rằng, người hoạt động trong nghề y cần phải đổi mới về văn hóa an toàn cho người bệnh. Việc báo cáo những sai sót y khoa là nhằm hạn chế, khắc phục những sai sót. Do đó, những người làm nghề không nên giấu giếm, điều này là vô cùng nguy hiểm.

Ông cũng trăn trở đối với nghề điều dưỡng. Ông cho biết, tại Singapo, 1 bác sĩ có 9 điều dưỡng, Nam Phi 1 bác sĩ có 20 điều dưỡng. Trong đó, ở Việt Nam, 1 bác sĩ chỉ có 1,5 điều dưỡng. Các công tác của điều dưỡng chủ yếu dựa vào người nhà bệnh nhân. Điều dưỡng là người chăm sóc bệnh nhân. Ông đề nghị mọi người cần cho nghề này có một vị trí xứng đáng.

Mai Trang
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot