Tiến sĩ Thoại lưu ý, dù có đun sôi ở nhiệt độ cao vẫn không khử được độc tính của cóc. Người ăn phải thịt cóc có lẫn nhựa cóc thì đa số đều tử vong.
Suýt chết sau khi ăn cóc
Tối 18/10, bệnh viện Nhi Đồng TP Cần Thơ tiếp nhận hai bé gái là Lê Diễm K (10 tuổi) và Lê Tường V (8 tuổi, cùng ngụ tại quận Cái Răng) trong tình trạng đau bụng, mệt lả người, liên tục nôn ói, nhịp tim nhanh, tay chân lạnh. Qua hỏi nhanh, người thân cho biết, trước đó, cả hai có ăn thịt cóc.
Qua khám nghiệm cùng thông tin người thân cung cấp, bác sĩ chẩn đoán, hai bệnh nhi ngộ độc trứng cóc. Ngay lập tức, hai bé được một ekip súc rửa dạ dày, bơm than hoạt tính… Sau đó, cả hai được truyền dịch thải độc, nâng huyết áp…
Cùng đêm, anh trai của hai bé là Lê Vĩnh Kh (16 tuổi) cũng có những dấu hiệu trên và được đưa đến bệnh viện bệnh viện Quân Y 121 cấp cứu. K cũng được bác sĩ thực hiện các biện pháp nhằm “tống” độc ra ngoài để bảo vệ tính mạng.
Cháu K cùng anh trai và em gái nhập viện sau khi ăn cóc
Đến chiều ngày 19/10, cả ba bệnh nhân đã khỏe trở lại, có thể trò chuyện, ăn uống. Tuy nhiên, do sức khỏe vẫn chưa ổn định nên cả ba vẫn đang được theo dõi tại bệnh viện.
Người thân cho hay, chiều 18/10, Kh ra đồng bắt cá và cóc về chế biến thức ăn. Do bắt được một số cá và cóc, K chế biến sơ rồi mang chiên chung. Tối cùng ngày, cả ba anh em K đều sử dụng thức ăn này.
Khoảng một tiếng sau, hai em K và V có triệu chứng nôn ói. Lúc này, Kh cũng có dấu hiệu tương tự và nhớ trứng cóc có thể gây ngộ độc nên nhờ người thân đưa đi cấp cứu.
Bác sĩ tại bệnh viện Nhi Đồng TP Cần Thơ cho biết, thỉnh thoảng vẫn tiếp nhận các bệnh nhân ngộ độc do ăn thịt cóc. Người dân vẫn thường nghĩ, thịt cóc chứa nhiều chất dinh dưỡng hoặc chữa được ung thư nên cho con ăn để bồi bổ, chữa bệnh. Đây cũng là một lý khiến các bệnh nhân ngộ độc. Nếu có triệu chứng ngộ độc, người dân cần đưa bệnh nhân vào bệnh viện, không nên đưa đến thầy lang hoặc tự chữa bằng các phương thức truyền miệng dân gian chưa được kiểm chứng.
Không nên ăn thịt cóc
Tiến sĩ Trần Bá Thoại (Trưởng Khoa Điều trị Quốc tế, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng). Theo đó, cóc vàng thuộc loài lưỡng cư, họ ếch nhái. Khác với ếch nhái, cóc chứa chất độc trong nhựa cóc, nằm trong các nốt sần trên da hoặc tuyến sau mang tai và độc tố trong gan, trứng cóc.
Trong nhựa cóc có nhiều chất độc gọi chung là bufotoxin (độc tố cóc), thành phần chính xác thay đổi tùy theo loại cóc. Trong bufotoxin gồm nhiều độc chất như: bufagin, bufotalin, bufotenine, bufothione, adrenalin, noradrenalin và serotonin. Bufotoxin gây độc cho hệ thần kinh, tim mạch, tiêu hóa, hô hấp... có thể gây tử vong cao. Trong y văn từ xưa đến nay chưa thấy có tài liệu nhắc đến khả năng chữa bệnh ung thư của thịt và nhựa cóc.
Những người ăn thịt cóc chủ yếu đều tử vong
Trong thịt cóc có một lượng đáng kể chất đạm, kẽm, mangan, vitamin A và vitamin D3 và một số yếu tố vi lượng khác. Trong đó, Vitamin D3 giúp quá trình chuyển hóa canxi phôtpho giúp phát triển và chống còi xương, do đó thịt cóc là thức ăn tốt cho trẻ chậm lớn, trẻ suy dinh dưỡng. Tuy nhiên, thịt cóc với điều kiện không lẫn nhựa cóc, cũng chỉ có tác dụng như một loại thức ăn thông thường khác. Còn nếu để lẫn nhựa cóc vào thì sẽ là một loại thức ăn mang độc tố cực độc tương đương với cá nóc.
Tiến sĩ Thoại lưu ý, độc tố cóc dù có đun sôi ở nhiệt độ cao vẫn không khử được độc tính của nó. Người ăn phải thịt cóc có lẫn nhựa cóc thì đa số đều tử vong. Bởi vậy, dù thịt cóc có phần nào đó giá trị dinh dưỡng nhưng nếu đem so sánh với độc tố mà loài cóc mang trên mình thì chúng tôi khuyến cáo không nên mạo hiểm sử dụng loại thức ăn này.
Trong cuốn Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, giáo sư Đỗ Tất Lợi có nhắc đến cách chế biến thịt cóc như sau: chọn những con cóc to, cóc da đen hay da vàng đều dùng được, tránh dùng cóc mắt đỏ. Dùng dao thật sắc chặt bỏ phần đầu ngang phía dưới hai u to vứt đi. Khía dọc xương sống lột sạch da, móc bỏ hết ruột, gan, phổi và trứng cóc vì đây là những nơi chứa độc tố cóc. Trong khi chế biến tuyệt đối không để nhựa cóc ở các khối sần da và tuyến sau tai dính lẫn vào phần thịt. Thịt cóc sau đó có thể rang khô, sấy khô cho giòn và tán thành bột, bảo quản tránh ẩm mốc để dùng dần.
Ở Trung Quốc người ta sấy khô nguyên cả con cóc gọi là “can thiềm” để bảo quản sử dụng dần. Trước đây đông y có dùng nhựa cóc để chữa một số bệnh hiểm nghèo. Nhựa cóc, thiềm tô, là một trong sáu vị đơn thuốc “lục thần hoàn”. Theo tài liệu cổ, nhựa cóc có vị ngọt, cay, tính ôn, có độc vào kinh vị. Nhựa cóc có tác dụng giải độc, tán thủng và giảm đau. Vì rất độc nên đông y cũng lưu ý rất cẩn thận là chỉ những lương y thật kinh nghiệm mới được dùng thiềm tô.