Không có tiền chi trả sinh hoạt hàng tháng, cô Nguyễn Thu Huyền đành xoay xở bằng cách ai thuê gì làm nấy, không ngại ngần chạy bàn và rửa bát ở các quán.
Cô giáo làm phục vụ quán, cả ngày không được gặp con
Tốt nghiệp ngành Sư phạm Mầm Non, cô Nguyễn Thu Huyền đã gắn bó với nghề được 7 năm. Vốn dĩ yêu nghề giáo, tính tình nhẹ nhàng lại thích trẻ con nên mỗi ngày cô Huyền đi dạy bằng tất cả đam mê, tình cảm, sự tận tâm, nhiệt tình.
Và cũng từ ngày ra trường đến nay, cô luôn được phân công dạy lớp nhà trẻ 2 tuổi ở một trường mầm non quận Hà Đông, Hà Nội. Đây là lứa tuổi trẻ cần chăm sóc, chăm bẵm cẩn thận, chỉn chu nhất.
Thế rồi dịch bệnh Covid-19 đến liên tiếp suốt 2 năm qua, cô Huyền bao lần chứng kiến cảnh trường mầm non nơi cô đang dạy phải đóng cửa tạm thời. Bản thân cô đang có một công việc ổn định, ngày ngày tíu tít với tiếng trẻ gọi "Cô ơi" thì giờ lâm vào cảnh thất nghiệp chưa biết đến lúc nào.
Cô Huyền xin làm chân dọn dẹp từ sáng đến tối tại các quán ăn uống. Ảnh: NVCC
"Năm ngoái đã khó khăn, năm nay thực sự khó khăn hơn. Từ đợt nghỉ lễ 30/4 đến nay, học sinh không được đến trường và các cô phải thất nghiệp, nghỉ ở nhà. Hai tháng đầu giáo viên được trường trả 50% lương nhưng sau đó dịch kéo dài, trường không duy trì hoạt động, không có nguồn thu nên cũng cắt hết các khoản. Đây là thời gian các cô mạnh ai người ấy "bơi"", cô Huyền chia sẻ.
Giai đoạn đầu nghỉ dịch lại giãn cách xã hội, cô Huyền phải ở nhà bán hàng online và 3 mẹ con trông chờ vào đồng lương chồng. Hai tháng nay, cô Huyền liên tục đi đến các cửa hàng quần áo, cửa hàng ăn uống để lại thông tin cá nhân để bất kỳ lúc nào cần gì gọi cô sẽ đi làm. Hiện tại, từ 8h30 sáng đến 4h chiều cô Huyền làm chân chạy bàn cho quán trà cách nhà 4km, buổi tối từ 5h30 chiều đến 10h đêm làm chân dọn dẹp, rửa bát cho quán ăn các nhà 9km.
Lúc đầu làm không quen cô Huyền cũng lóng ngóng tay chân, tuy nhiên, vì "miếng cơm manh áo" cô cũng nhanh chóng thích nghi với công việc mới. Nhưng điều đáng nói, thời gian làm việc kín mít từ sáng đến tối khiến cô Huyền không chăm sóc cho con được lúc nào. Cô đi làm lúc con chưa ngủ dậy, trở về nhà lúc con đã ngủ. Hai con của cô đang 4 và 5 tuổi được mang gửi nhà ông bà.
Chia sẻ về việc tại sao không nhận học sinh về trông, cô Huyền bày tỏ: "Nhà mình xa trường học và không đủ điều kiện để nhận học sinh về trông. Dịch phức tạp nên các cha cũng không muốn đưa con đi học xa. Vậy nên giờ cứ có ai gọi làm gì là mình sắp xếp thời gian đi ngay", cô Huyền thổ lộ.
Xoay chuyển đủ nghề để chống cự
Cô Mai Anh, sinh năm 1999, tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Trung Ương, vừa ra trường đã gặp "cú sốc" thất nghiệp triền miên. "Mình đi làm chưa được bao lâu thì trường đóng cửa vì dịch đến bây giờ", cô Mai Anh thở dài.
Cô giáo mầm non này chia sẻ, niềm yêu nghề giáo bắt đầu từ lớp 11 sau khi chị gái sinh con. Cô Mai Anh đã quyết định thi ngành Sư phạm Mầm non và ra trường nhanh chóng xin việc với mức lương khởi điểm 6 triệu đồng, sau khi trừ bảo hiểm còn 5,5 triệu đồng. Mặc dù không nhiều nhưng cô Mai Anh chấp nhận sống với niềm đam mê của mình. Thế nhưng cũng vì lý do dịch bệnh, cô nghỉ dạy suốt 7 tháng qua. Thời gian đầu không có tiền cô phải gọi về quê xin trợ cấp của bố mẹ để trả tiền thuê nhà và có trang trải cuộc sống. Cả ngày cô nhốt mình trong nhà, không dám đi đâu vì sợ tốn tiền.
Cô Mai Anh dạy học sinh tại nhà. Ảnh: NVCC
Sau một thời gian xoay xở đủ nghề kiếm sống, hiện tại cô Mai Anh đang nhận trông và dạy 2 học sinh 5 tuổi tại nhà theo nhu cầu của bố mẹ. Số tiền kiếm được cũng đủ cho cô chi tiêu sinh hoạt hàng ngày. Nhưng để nói về việc gắn bó lâu dài với nghề giáo hay không, cô Mai Anh thổ lộ: "Nghề quá vất vả mà lương lại thấp. Có thể mình không gắn bó lâu dài mà sẽ tìm một việc khác phù hợp hơn", cô Mai Anh ngậm ngùi.
Không chỉ có cô Tuyết, cô Mai Anh mà rất nhiều giáo viên mầm non hiện nay vẫn trong tình trạng thất nghiệp do trường học chưa mở cửa lại. Có cô phải đi làm bảo vệ, bán hàng online... thậm chí có cô đã từ bỏ đam mê nghề giáo về quê đi làm công nhân ở khu công nghiệp.
Trao đổi với PV báo Dân Việt, TS. Phạm Văn Hảo, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương cho biết: "Tâm lý sinh viên trong trường không quá lo lắng nhưng luôn hi vọng dịch bệnh sớm ổn định để khi ra trường được đi dạy". Trước lo lắng của các chủ trường về việc nhiều giáo viên mầm non bỏ nghề sẽ gây khó khăn khi trường mở cửa trở lại, TS Hảo cho hay: "Tôi cũng đã trao đổi với nhiều giáo viên, các cô cho biết vẫn rất yêu nghề, sẽ tiếp tục theo đuổi nghề nhưng giai đoạn dịch bệnh này phải linh hoạt làm nghề khác để có thêm thu nhập". |