Dù mẹ gọi điện kêu "đừng đi nữa" vì lo nguy cơ lây bệnh nhưng anh Thanh Tùng vẫn quyết tâm cùng bạn bè góp sức nhỏ bé của mình cho thành phố...
Cô giáo mầm non Sài Gòn "tưng tửng" đạp xe giúp người nghèo, bỏ ngoài tai những lời can ngăn
Khoảng đầu tháng 7, khi dịch bệnh trở lại với thành phố Hồ Chí Minh, cô giáo Huỳnh Thị Trúc Ly (Q.1, TP.HCM) chứng kiến nhiều người nghèo, vô gia cư ăn bữa đói bữa no trên đường. Thấy là thương, Ly bắt đầu hành trình chia sẻ yêu thương ở Sài Gòn trên chiế
Dành phần lớn thời gian nghỉ dịch để làm điều mình thích, cô giáo Trúc Ly quan niệm những chuyến thiện nguyện liên miên là hành trang quý giá giúp Ly rất nhiều trong hành trình trồng người của mình. Là một giáo viên mầm non tay ngang do tình cờ nộp CV nhầm, Trúc Ly đã có cơ hội chơi đùa, gắn bó với những bạn nhỏ từ 3-5 tuổi từ đó đến nay.
Cô giáo mầm non tâm sự: "Tôi thích làm việc ở một nơi nhiều tiếng cười, không cạnh tranh và được làm việc hết mình, nhiệt huyết hết sức có thể. Tôi luôn tìm kiếm sự tích cực trong cuộc sống và trường mầm non là nơi có đầy đủ điều đó. Vì trẻ học bằng cách nhìn nhiều hơn nói nên tôi hay cười, quan tâm mọi người. Tôi nghĩ đây là cách giúp các bé cảm nhận rõ hơn về tình yêu thương".
Trong công việc, dù gặp không ít khó khăn khi phải hiểu rõ tâm sinh lý, sở thích khác nhau của từng bạn nhỏ, cẩn trọng trong tác phong hàng ngày để làm gương cho học sinh, với cô giáo Trúc Ly, "sự nghiệp trăm năm trồng người" của mình vẫn là điều mà Ly luôn trân quý. Trong đó, các bạn nhỏ chính là những mầm xanh cần được vun tưới bằng những điều tốt đẹp mỗi ngày.
Huỳnh Thị Trúc Ly đang làm giáo viên mầm non tại một trường song ngữ ở quận 7
"Tôi mê hoạt động công tác xã hội - đây chính là điều tôi đang cố gắng nỗ lực mỗi ngày để hoàn thiện. Tôi cũng mong muốn lan tỏa yêu thương đến mọi người, đặc biệt là học trò của mình vì các em nhỏ là tờ giấy trắng, cần được vẽ lên những điều tốt đẹp cho tương lai sau này. Vì thế, hành trang của tôi, những điều tôi đang làm, tôi mong muốn sẽ là một phần của những điều đẹp đẽ ấy", Ly bày tỏ.
Leo lên chiếc xe đạp thoăn thoắt len lỏi giữa Sài Gòn, cô giáo Trúc Ly tâm sự chưa lúc nào cô cảm thấy cuộc đời mình ý nghĩa hơn lúc này. Mỗi ngày, tùy buổi sáng hay tối, Ly sẽ dành thời gian để đi đến một quận, huyện nào đó hoặc theo chân tìm kiếm những hoàn cảnh đặc biệt được mạng xã hội lan truyền nhờ giúp đỡ.
“Tôi vẫn nhớ hình ảnh ông cụ bán bánh tiêu ở đường Nguyễn Trãi, quận 5, ông cụ vừa mất vợ vì COVID-19, khi gặp thì xe bánh cụ vẫn còn nhiều lắm, hỏi ra mới biết cụ đi từ sáng đến chiều mà chỉ bán được vài cái, nên tôi đã mua hết bánh cho cụ để cụ về sớm rồi sau đó phát lại cho những cô chú gặp trên đường. Tôi yêu nét lao động của những người cần lao như vậy. Họ nghèo, lam lũ và rất chịu khó mưu sinh, tôi quý họ ở điểm đấy!”, Ly tâm sự.
Phần quà trong đêm cho những người khó khăn
Ly dừng lại hỏi thăm hai ông bà bên đường, đây là những vị “khách quen” nhận đồ ăn từ Ly.
Giai đoạn này công việc dạy trẻ mầm non của Ly cũng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Thời gian rảnh rỗi nhiều, lại là người ham thích việc cộng đồng, công tác xã hội, cô giáo Ly luôn ấp ủ một ước mơ có nhiều cơ hội gắn bó và chia sẻ cùng người lao động nghèo trên đường phố.
“Tôi nghĩ là làm luôn. Dịch bệnh có lẽ những người không nhà, không người thân phải chịu tổn thương nhiều nhất nên tôi mong muốn sự giúp đỡ nho nhỏ của mình có thể đỡ cho họ thêm bữa no, qua cơn khát”, Ly tâm sự.
Trúc Ly mua xe đạp vì không biết đi xe máy và để tiện tập thể dục mỗi ngày khi ra ngoài
Từ 50 phần cơm tấm để trong túi xách được Ly đi bộ phát trên tuyến đường gần nhà, cô giáo trẻ tự sắm thêm chiếc xe đạp để di chuyển xa hơn đến nhiều quận, huyện khác nhau. Mỗi ngày một tuyến đường, Ly vui vẻ cho hay: “Hành trình của tôi hầu như không có kế hoạch, tôi tự phát đi một mình, tự làm nên mọi thứ đến với tôi là một cái duyên lớn. Niềm vui có lẽ cũng đến từ những điều tự nhiên như vậy. Khi đi trên đường, hễ thấy ông bà cô chú nào kham khổ, tôi sẽ dừng lại hỏi chuyện và tìm cách giúp đỡ phù hợp nhất”.
Chẳng hạn Ly có thể dừng lại mua hết số bánh, phần thức ăn “ế” của cô chú bán hàng lề đường để họ được nghỉ ngơi, về nhà sớm hơn một chút. Với những hoàn cảnh lang thang trên đường, cô sẽ giúp mua đồ ăn, nước uống, quần áo. Được biết đến nay có rất nhiều cụ già lớn tuổi sống đơn thân cũng được cô giáo Ly kết nối với nhiều trung tâm bảo trợ, hội thiện nguyện giúp đỡ cho chỗ ở miễn phí.
Bánh tráng Ly mua từ một cụ bán hàng rong ngoài đường rồi chia lại cho người lao động nghèo trên đường phố
Để ghi lại hành trình của mình, Trúc Ly bắt đầu chơi Tiktok quay lại những clip ngắn và đăng tải lên tài khoản cá nhân, không ngờ nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng. Trước khi bắt đầu hành trình, Ly nghĩ đơn giản, chỉ muốn mình đi một mình, giúp người trong khả năng chứ không kêu gọi từ thiện hay tham gia hội nhóm.
Trúc Ly kể: “Nhiều clip liên tục lan tỏa, có hiệu ứng xã hội nên những cô chú trong clip từ đó cũng được các bạn ở mọi miền quan tâm và muốn góp chút sức nhỏ bé giúp đỡ. Nhiều lần tôi tự nghĩ mình có đang làm đúng không... Cho đến khi tôi quay lại và thấy cô chú đó sống tốt hơn, cuộc sống của họ đã có thể thay đổi một phần hiện tại, tôi biết rằng cứ đi thì mình sẽ tới thôi”.
Trong thời gian TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, ngoài việc chấp hành tuân thủ theo quy định, Trúc Ly thường xuyên tìm cách phối hợp với bên trung tâm bảo trợ người cơ nhỡ, mạnh thường quân đưa những cụ già ngoài đường vào nơi chăm sóc, nuôi dưỡng. Ly tự tay dẫn các cụ đi xét nghiệm COVID-19, lao vào khu phong tỏa, cách ly giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn, đi “rong” nhiều tháng liền ngoài đường không khỏi khiến cho gia đình ở quê nhà lo lắng.
“Khi đi làm công việc này tôi xác định rủi ro có thể đến với mình bất cứ lúc nào. Không phải vì tôi không sợ chết, nhưng tôi tin chắc mình sẽ vượt qua cơn cảm sốt đó, nên lúc bắt đầu tôi đã giấu gia đình. Nhưng không ngờ mẹ biết chuyện và bà ấy đã rất lo lắng” - cô giáo mầm non nhớ lại.
Vì là con một trong nhà nên từ nhỏ Trúc Ly đã nhận được rất nhiều tình yêu thương từ ba mẹ. “Chuyện lo lắng là điều dễ hiểu thôi, mẹ tôi trách tôi rồi nhắn một tin dài lắm. Tôi đọc và rất thương mẹ, nhưng tôi cũng thương chính mình và những người nghèo ngoài kia. "Tại sao mình không làm được việc tốt ngay lúc này chỉ vì sợ hãi?". Thế là qua nhiều lần dằn vặt, tôi viết một tin nhắn dài hết ruột gan gửi mẹ, mong mẹ ủng hộ. Và rồi bà ấy chấp nhận việc làm của tôi – miễn là con thấy hạnh phúc”, Ly rưng rưng khi kể về mẹ.
Giữa trời mưa, Ly dừng lại bên đường mua hết số nước để ông bà bán hàng có thể về sớm.
Đi trong đêm tối mưa lâm râm, cô giáo Ly dừng lại ven đường hồ hởi chào hỏi như người quen với ông bà đang ngồi bên vỉa hè cùng xe ve chai: “Cô chú ăn gì chưa? Hôm bữa con gửi áo quần mặc vừa không? Nay ăn gì để con mua tiếp nè!”. Rồi cô hứa với ông bà sẽ hỏi xin mạnh thường quân tìm cho hai người một căn phòng nhỏ để nương nhau sống chứ không ở ngoài đường rồi bị muỗi cắn nữa.
Chứng kiến cô giáo mầm non cứ đi lang thang tiếp xúc người lạ, gặp gỡ hết người này đến người nọ, không ít lần những người xung quanh bảo Ly là "kẻ bao đồng". Đổi lại, Ly tự nhận mình là người “tưng tửng”, vì chỉ người có chút điên mới có thể tiếp tục việc mình làm mà bỏ ngoài tai lời người khác nói.
Trúc Ly bảo, ngay sau khi quay lại trường, cô sẽ dành một ngày trong tuần để cho các em nhỏ xem lại những việc mà Ly đã làm, chia sẻ cho các bé xem cách quan tâm người khác từ những điều nhỏ nhất.
"Vào những ngày lễ Tết, thường sẽ có rất nhiều quà như bánh kẹo, chúng tôi luôn dẫn các em đi vòng quanh trường để tặng chú bảo vệ, cô lao công, giúp các cô chú nhặt rác, bảo vệ môi trường. Dạy cho các em hiểu chỉ khi mình nghe lời, biết nói lời yêu ông bà bố mẹ, thầy cô thì mình mới yêu nhiều người ngoài cộng đồng xung quanh được... Làm từ những điều nhỏ nhặt nhất sẽ giúp các em tiến tới những việc lớn lao hơn", cô giáo Ly tin tưởng.
Tin liên quan
Bà là con gái của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, là vợ của Phật hoàng Trần Nhân Tông - vị vua đã sáng lập Thiền phái Trúc Lâm. Vốn là...
Nhật Kim Anh đang tích cực đi thiện nguyện cung ứng thực phẩm cho người dân cách ly mà vẫn tự tin đứng trên giày cao gót.
Bà Nguyễn Phương Hằng đã chia sẻ công văn chính thức gửi đến 3 bệnh viện về việc "tạm ngưng tài trợ các chương trình "Trái Tim Hằng Hữu" và...
Tin bài cùng chủ đề Chuyện Sài Gòn
Chớp mắt đã hơn 40 năm theo đuổi công việc khắc chữ lên thân bút, tranh vẽ, đồ gốm sứ, ông Dũng không đếm xuể số lượng tác phẩm của mình. Không chỉ nổi tiếng ở trong nước, sản phẩm của ông...